Trẻ bị sốt xuất huyết kèm co giật phải làm sao?

(VOH) – Trẻ bị sốt xuất huyết có thể bị co giật, nếu cha mẹ không biết cách xử trí có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm. Vậy tình trạng trẻ sốt xuất huyết kèm theo co giật, mẹ cần phải làm gì?

Câu hỏi thính giả

Chào bác sĩ, bé nhà tôi 2 tuổi, thường sốt cao hay co giật, nếu mà bị sốt xuất huyết thì làm thế nào để không bị co giật nếu sốt không hạ được? Chườm ấm liên tục và uống nước nhọ nồi có giúp giảm sốt xuất huyết hay không? Nghe dân gian nói là uống cả lá tre mà bị sốt xuất huyết thì sẽ nhanh khỏi hơn phải không ạ? 

Thính giả Huỳnh Xuân Mai 

tre-bi-sot-xuat-huyet-kem-co-giat-phai-lam-sao-voh

Trẻ bị sốt xuất huyết kèm theo co giật, mẹ cần làm gì? (Nguồn: Internet)

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Trưởng khoa nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng TP) tư vấn:

Xin chào bạn!

Như bạn nói, con của bạn khi mà sốt thì bé bị co giật thì đây là một tình trạng sốt co giật kèm theo. Thực ra sốt xuất huyết nó cũng có biểu hiện sốt rất là giống với những bệnh sốt kiểu khác. Vì vậy khi bé bị sốt thì khả năng co giật cũng có thể xảy ra. 

Đều chúng ta cần làm là phải tuân thủ các vấn đề uống hạ sốt, cứ 4 đến 6 tiếng chúng ta sẽ sử dụng nhóm thuốc paracetamol để hạ sốt một lần cho trẻ. Lưu ý, chúng ta không cho bé uống gần hơn, bởi vì khi mà chúng ta uống gần hơn thì nồng độ thuốc sẽ nhiều, nó tích tụ lại và làm tăng nguy cơ độc cho gan của em bé, sẽ làm hại gan hơn. Vì vậy, khoảng cách phải tuân thủ và liều lượng thì khoảng 10 đến 15ml/1kg/lần.

Đôi khi bạn thấy mỗi lần con mình sốt mà có nguy cơ co giật thì mình sẽ càng nỗ lực làm sao cho con uống hạ sốt càng nhiều để con đừng có sốt, đừng co giật nữa. Nhưng thật ra điều đó là không đúng, bởi vì người ta thấy rằng, khi mình cho bé uống hạ sốt nhiều như vậy thì nó chỉ có hại em bé thôi chứ nó không hề có lợi. 

Điều quan trọng nhất là mình vẫn tiếp tục cho em bé uống nước và nếu em bé cứ sốt và co giật thì bây giờ người ta cũng đã thay đổi quan điểm về vấn đề điều trị sốt co giật. Vì thế, đối với những trường hợp như vậy thì nên đưa trẻ khám ở những chuyên khoa về thần kinh, người ta có thể sử dụng những loại thuốc để hạn chế vấn đề co giật nếu bé bị co giật nhiều.

Còn việc uống những loại nước lá như lá nhọ nồi, lá tre thì cũng chỉ là nước để cung cấp nước cho bé mà thôi. Và tôi cũng xin nói thêm, trong bệnh nhân bị sốt xuất huyết thì người ta cũng đã có một nghiên cứu rất là lớn và người ta chứng minh được rằng, đối với những em bé bị bệnh sốt xuất huyết nếu được cung cấp nước đầy đủ thì nguy cơ em bé đó phải nhập viện sẽ giảm hơn so với những em bé không uống nước đầy đủ.

Vậy uống nước như thế nào là đầy đủ? Thì người ta thấy rằng, em bé đó không chỉ có uống nước trắng (nước lọc) mà còn có thể uống:

  • Nước trái cây.
  • Nước bù điện giải.
  • Các loại nước từ thức ăn....

Và uống làm sao khi lượng nước mà em bé uống nó làm cho nước tiểu của bé có màu vàng trong (tức là màu trắng trong hoặc là màu vàng nhạt) thì điều đó chứng tỏ là em bé uống đủ nước. Còn những em bé sau 6 tiếng mà bé vẫn chưa đi tiểu hoặc nước tiểu của bé có màu vàng sậm thì đó là những em bé bị thiếu nước.

Vì vậy, khi em bé bị sốt nói chung hoặc là sốt xuất huyết nói riêng thì những em bé đó cần được uống nước tích cực, đầy đủ và không chỉ là nước lọc mà còn là nước bù điện giải, nước trái cây và nước từ các loại đậu có thể cung cấp cho trẻ em có muối, có đường, để cho em bé đảm bảo được lượng nước ở trong cơ thể. 

Đặc biệt, khi mà em bé sốt có co giật thì những trường hợp đó nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ có thể vừa hạ sốt cho em bé vừa kiểm soát được sự co giật của bé, vì nếu em bé bị co giật với số lượng nhiều như vậy thì chúng ta sẽ cần có một chiến lược điều trị hợp lý.

Bạn có thể nghe lại câu trả lời trực tiếp của bác sĩ từ video dưới đây: