Trẻ bị trúng gió: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí nhanh

(VOH) – Tình trạng trúng gió có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng thường gặp nhiều hơn ở người già và trẻ nhỏ. Vậy nếu chẳng may trẻ bị trúng gió thì ba mẹ cần xử trí như thế nào?

Trúng gió là gì?

Theo Tây y, trúng gió là hiện tượng cảm lạnh. Còn Đông y, trúng gió được hiểu theo nghĩa “thời khí”, tức do khí hậu thời tiết gây ra. Riêng với quan niệm dân gian, trúng gió thường được hiểu là tình trạng bị gió độc xâm nhập vào cơ thể gây ra triệu chứng mệt mỏi, sốt cao, chóng mặt, nhức đầu...

tre-bi-trung-gio-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-xu-tri-nhanh-voh

Trúng gió là hiện tượng thường gặp ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Dù có nhiều tên gọi khác như cơ chế chung là: Khi trẻ gặp gió lạnh đột ngột, cơ thể vẫn chưa thích ứng kịp, gió lạnh xâm nhập vào bên trong qua lỗ chân lông bị hở và đường hô hấp, từ đó sẽ sinh ra các triệu chứng cảm lạnh, thậm chí có thể gây liệt dây thần kinh ngoại biên số 7, đau thắt lưng cấp, vẹo cổ cấp.

Thời điểm dễ bị trúng gió?

Theo dân gian, trẻ có thể bị trúng gió vào các thời điểm như:

  • Lúc giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng, khiến cơ thể trẻ chưa kịp thích nghi.
  • Những ngày thời tiết mưa nhiều, kéo dài và có gió lạnh.
  • Vào mùa đông hay những ngày có thời tiết xuống thấp đột ngột.
  • Trẻ có sức đề kháng kém.

Dấu hiệu trẻ bị trúng gió

Với những trẻ lớn bị trúng gió, bé đều có thể miêu tả rõ ràng cảm giác ớn lạnh sau lưng, sau gáy hay tay chân. Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bị trúng gió thì bé thường không diễn tả được, do đó ba mẹ cần nhận diện triệu chứng trẻ bị trúng gió qua các dấu hiệu như:

  • Bé ít bú, mệt lả người, nóng ngoài rét trong, hay bị nhức đầu.
  • Bé chảy nước mũi, có thể bị nôn, đau bụng và tiêu chảy.
  • Những trường hợp nặng, bé có thể bị hôn mê và co cứng toàn thân.

Xem thêm: Có nên cạo gió khi bị cảm?

Cách xử lý khi trẻ bị trúng gió

Trúng gió trong Đông và Tây y được hiểu theo 2 cách khác nhau, do đó việc xử trí bệnh cũng hoàn toàn khác biệt.

  • Tây y thường chữa tình trạng trạng bé bị trúng gió bằng cách cho uống thuốc trị cảm, bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời làm nóng vùng nhiễm lạnh và làm giãn tĩnh mạch.
  • Đông y thường chữa tình trạng trúng gió ở trẻ em em bằng cách cạo gió, làm nóng cơ thể bằng việc uống trà gừng hoặc xoa bóp bàn chân, bàn tay và bụng, hoặc cho trẻ ngửi tinh dầu...

Trẻ bị trúng gió có nên cạo gió?

Thực tế, cạo gió là cách chữa bệnh dân gian được lưu truyền cho đến nay, tuy nhiên, phương pháp chữa bệnh này lại có tính hai chiều. Một số trường hợp người cạo gió xong sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, các cảm giác mệt mỏi cũng giảm. Nhưng một số khác sau khi cạo gió sẽ bị liệt, méo miệng, thậm chí tử vong.

tre-bi-trung-gio-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-xu-tri-nhanh-1-voh

Không nên áp dụng bất cứ hình thức cạo gió nào đối với trẻ em (Nguồn: Internet)

Do đó, các bác sĩ chuyên khoa thường khuyến cáo, phụ huynh không nên áp dụng phương pháp cạo gió nào với trẻ em. Da của trẻ thường rất non và mỏng nên rất dễ bị tổn thương. Ngoài ra, khí huyết trẻ cũng rất yếu nên sẽ không thể chịu được lực tác động khi cạo gió.

Hơn thế, với những trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết hoặc rối loạn đông máu, việc cạo gió có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Cách phòng trẻ bị trúng gió

Để phòng ngừa tình trạng trẻ bị trúng gió, sốt cao, nôn ói... ba mẹ cần chủ động thực hiện một số biện pháp sau đây:

  • Không cho trẻ tắm sau 21 giờ, khi tắm cần tránh nơi có gió lùa, lau khô người cho trẻ nhanh để không bị mất nhiều nhiệt và cảm lạnh kể cả vào mùa hè.
  • Giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt là vào những thời điểm giao mùa, mùa đông...
  • Nếu trẻ nghỉ ngơi trong phòng có điều hòa cần tránh luồng không khí lạnh.
  • Với những trẻ lớn nên thường xuyên đi lại, vận động cổ, vai, gáy để máu huyết lưu thông tốt hơn.
  • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng chế độ ăn đa dạng để tăng cường sức đề kháng.

Nhìn chung, bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể bị trúng gió, điều quan trọng là ba mẹ cần biết cách xử trí ban đầu để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Cách xử lý đúng khi trẻ bị sốt cao gây co giật, tránh những biến chứng đến não bộ : Co giật do sốt cao thường gặp ở những trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt là những trẻ dưới 3 tuổi và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt cao ...
Trẻ bị đau đầu: khi nào thực sự là dấu hiệu nguy hiểm? : Đau đầu là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ em nhưng nhiều cha mẹ lại mơ hồ không biết là bệnh gì và điều trị như thế nào hiệu quả khi trẻ bị đau đầu.