Trẻ đổ bệnh vì nắng nóng!

(VOH) - Thời tiết nắng nóng cao điểm liên tục là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ đổ bệnh vì cơ thể không thích nghi.

Nếu nhiệt độ trên đà tăng cao theo đợt nắng nóng kéo dài thì những người có sức đề kháng kém như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai cần chú ý bảo vệ sức khỏe.

Ghi nhận của phóng viên VOH, tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 trong những ngày này trẻ đến khám và nhập viện tăng, chủ yếu đứng đầu trong nhóm bệnh vẫn là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi, viêm tiểu phế quản và nhiễm trùng tiêu hóa, tiêu chảy cấp.

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận từ 5.000 đến 5.500 bệnh nhân.

nắng nóng, trẻ nhỏ, nắng nóng cao điểm

Trẻ đến khám vì bệnh lý hô hấp, tiêu hóa tăng trong những ngày nắng nóng liên tục như hiện nay.

Đáng lưu ý, số ca bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp đang có xu hướng tăng. Cứ trung bình 200 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện thì có 50 bệnh nhi mắc bệnh lý hô hấp và 30 bệnh nhi mắc bệnh lý tiêu hóa. Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số đến khám và nhập viện những ngày qua trong đó bệnh về đường tiêu hóa từ khoảng từ 10 đến 15% so với tháng trước.

Chăm sóc con gái 3 tuổi đang điều trị bệnh viêm phổi tại khoa hô hấp – Bệnh viện Nhi đồng 1, anh Trần Văn Nam ngụ quận 7 cho hay hai ngày đầu, bé chỉ ho nhưng uống thuốc không đỡ, đến ngày thứ 3 thì bé sốt cao hơn và thở mạnh nên nhập viện thì được chẩn đoán viêm phổi.

Anh Nam thở dài khi thời tiết ngày càng nóng, anh hạn chế không cho con ra ngoài trời, ở nhà bật máy lạnh 24/24 dẫn đến bé ho, sổ mũi kéo dài qua viêm phổi. Trong tiết trời nóng bức này, trẻ rất dễ bị viêm họng do uống nước đá hay ngủ máy lạnh quá nhiều.

Mùa này bệnh viêm đường hô hấp trên rất thường xảy ra nếu cha mẹ không điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến bệnh viêm phổi. Bác sĩ Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa hô hấp – Bệnh viện Nhi đồng 1 nói, viêm phổi là căn bệnh rất nguy hiểm nếu phát hiện trễ. Tuy nhiên, triệu chứng nhận biết sớm của bệnh cũng không quá khó, phụ huynh sẽ nhận biết khi trẻ thở nhanh, lõm ngực:

"Trên thực tế qua rất nhiều công trình nghiên cứu Tổ chức Y tế nhận thấy rằng dấu hiệu nhanh nhất, sớm nhất, nhạy cảm nhất khi bé mắc bệnh viêm phổi là thở nhanh. Việc phát hiện dấu hiệu thở nhanh này có ý nghĩa rất quan trọng giúp chúng ta nhận biết viêm phổi".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng lưu ý, thời điểm nắng nóng, trẻ dễ bị viêm họng và phụ huynh nên điều trị ngay vì nhiều khả năng bệnh viêm não mô cầu cũng có nguy cơ xảy ra khi trẻ cứ tái đi tái lại bệnh đường mũi họng:  

"Thường người lành mang vi trùng này cũng chiếm từ 5 đến 10%. Tuy nhiên, vi trùng đó không có làm viêm họng, mà từ họng đi thẳng vào máu gây viêm màng não hay vào phổi gây viêm phổi luôn. Tuy nhiên, viêm họng mà chúng ta điều trị kịp thời cũng giảm khả năng em bé bị viêm não mô cầu toàn thân".

Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa khám bệnh – Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, trong thời điểm nắng nóng cao độ như vậy thì cha mẹ nên để ý, tránh để trẻ nhỏ rơi vào sốc nhiệt và các bệnh về da, trẻ dễ bị nổi mẩn ngứa, viêm da. Bác sĩ Huyên phân tích các yếu tố nguy cơ: "Nắng nóng khi trẻ chạy chơi ngoài vào ngay mở máy lạnh hoặc quạt máy, sự chênh lệch nhiệt độ cao làm trẻ bệnh.

Hoặc khi nắng nóng mấy bạn xuống hồ bơi tắm cho mát hoặc tắm nhiều lần trong ngày, tắm xong rồi đi ngủ hay để mồ hôi rồi nằm ngay vào máy lạnh cũng làm cho trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh".

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trong những ngày này nắng cao điểm này, thường từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều là thời điểm nóng nhất, nhiều tia cực tím nhất rất độc hại cho sức khỏe nên trẻ em hạn chế ra đường trong khoảng thời gian này.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý bổ sung đủ nước vì thiếu nước bé rất dễ suy kiệt và bị bệnh. Ngoài ra phụ huynh cũng nên bổ sung thêm các loại nước trái cây, vitamin cho các  cháu. Khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp không nên tùy tiện mua thuốc cho trẻ uống vì các nhà thuốc vì dễ làm trẻ bị kháng thuốc.

Thời tiết nắng nóng còn kéo dài sẽ rất khó chịu dễ gây bệnh, để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp.

Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình đặc biệt với nhà có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nên tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà bông  đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối.