Trễ kinh: Nguyên nhân và cách điều trị 

(VOH) – Thông thường, phụ nữ trễ kinh quá 5 ngày sẽ nghĩ ngay đến khả năng mang thai. Tuy nhiên, ngoài mang thai thì còn nhiều nguyên nhân khác khiến kinh nguyệt chị em không đều đặn.

Hiện tượng kinh nguyệt được xem như một tấm gương phản ánh sức khỏe của người phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Do đó khi có những “trục trặc”, đặc biệt là trễ kinh thì chị em phụ nữ phải lưu ý bởi cơ thể đang báo hiệu một vấn đề gì đó liên quan đến sức khỏe sinh sản. 

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến trễ kinh và liệu có thể điều trị tình trạng trễ kinh ở phụ nữ hay không?... những vấn đề này sẽ được tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên trường Đại học Y Dược TPHCM) chia sẻ trong chương trình Sức khỏe và Cuộc sống

Nguyên nhân nào dẫn đến trễ kinh?

TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, kinh nguyệt của người phụ nữ là “tấm gương” phản ánh các hoạt động nội tiết bên trong của cơ thể. Bình thường, kinh nguyệt sẽ xuất hiện đều đặn mỗi tháng 1 lần, mỗi lần từ 3 – 4 ngày. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể sẽ gặp phải hiện tượng kinh nguyệt không đều mà cụ thể là trễ kinh.

tre-kinh-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh

Kinh nguyệt thường xuất hiện đều đặn mỗi tháng 1 lần (Nguồn: Internet)

Có rất nhiều nguyên nhân gây trễ kinh cũng như rối loạn kinh nguyệt, tuy nhiên, có thể gom lại thành 3 nhóm nguyên nhân cơ bản:

  • Trễ kinh ở tuổi dậy thì (chưa có gia đình và chưa quan hệ giao hợp)

Trẻ ở độ tuổi dậy thì thường hay có hiện tượng trễ kinh. Khi bước vào tuổi dậy thì, hệ thống điều hòa nội tiết như: vùng hạ đồi, tuyến yên, buồng trứng đều chưa được cân bằng và ổn định nên có thể khiến cho kinh nguyệt không đều.

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp trễ kinh ở tuổi dậy thì thường không quá nguy hiểm và sẽ ổn định lại theo thời gian.

  • Trễ kinh do bệnh lý

Tất cả các bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý nội khoa, các bệnh lý về gan, tuyến giáp, tiểu đường, thận…. đều là lý do gây ra rối loạn kinh nguyệt, trong đó có hiện tượng trễ kinh.

Do đó, phụ nữ đang gặp phải các bệnh lý trên và có hiện tượng trễ kinh hoặc bị rối loạn kinh nguyệt cần phải đi kiểm tra bởi rất có thể đang mắc phải chứng bệnh khác, không chỉ đơn giản là kinh không đều. 

  • Trễ kinh do bị tác động về thần kinh, tâm lý

Phụ nữ bị trễ kinh cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân như: công việc căng thẳng, stress, ăn uống không đều độ,...

Lưu ý: Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nếu có hiện tượng trễ kinh kèm theo đau bụng, ra huyết nhiều thì có thể đã mang thai ngoài tử cung. Đây là tình trạng nguy hiểm vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người phụ nữ. Phụ nữ mang thai ngoài tử cung lần đầu khả năng bị thai ngoài tử cung ở lần mang thai tiếp theo là tương đối cao (khoảng 25%).

Điều trị hiện tượng trễ kinh bằng cách nào?

tre-kinh-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-1-voh

Phụ thường xuyên bị trễ kinh cần đến gặp bác sĩ để đảm bảo tốt sức khỏe sinh sản (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Hà, thông thường vấn đề trễ kinh do bệnh lý sẽ được điều trị dựa theo nguyên nhân, bởi vì trễ kinh chỉ là nguyên nhân thứ phát sau bệnh lý. Do đó, điều quan trọng là chị em khi thấy có hiện tượng trễ kinh thường xuyên thì cần phải đến gặp bác sĩ để thăm khám nhằm tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn hoặc thai ngoài tử cung.

Với những trường hợp trễ kinh do tác động tâm lý, căng thẳng,... thì bác sĩ sản khoa sẽ kết hợp hoặc hội chẩn cùng bác sĩ tâm lý và tâm thần để có thể đưa ra một phác đồ điều trị phù hợp nhất. Bởi nếu nguyên nhân xuất phát từ tâm lý thì quá trình điều trị sẽ khó khăn hơn vì việc điều trị không chỉ giới hạn ở nguyên nhân thực thể.

Bạn có thể xem lại nội dung ngắn gọn của bài viết tại video dưới đây:

Vì sao uống thuốc tránh thai bị trễ kinh, rong kinh? : Thuốc tránh thai có thể giúp ngừa thai đến 99%, tuy nhiên nhiều chị em uống thuốc tránh thai bị trễ kinh rong kinh. Vì sao lại có tình trạng này? Cùng tìm câu trả lời trong bài viết ...
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì và những điều cần biết : Tuổi dậy thì là giai đoạn dễ bị rối loạn kinh nguyệt nhất do nội tiết tố trong cơ thể chưa hoàn chỉnh. Vậy vấn đề rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là bình thường hay đáng lo?