Trĩ nội là gì? Làm sao nhận biết và phòng ngừa?

(VOH) – Trĩ nội là bệnh lý thuộc về hệ thống ống tiêu hóa. Bệnh thường gây khó khăn trong việc phát hiện và điều trị. Vậy bệnh trĩ nội là gì, làm sao nhận biết và điều trị ra sao?

Theo thống kê, tỷ lệ người mắc bệnh trĩ nội hiện nay lên đến khoảng 40 – 50%, đây là căn bệnh mang đến nhiều đau đớn và phiền toái cho người bệnh và cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chữa trị. Những khó khăn này không chỉ bắt nguồn từ đặc tính của bệnh mà còn liên quan đến việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

1. Bệnh trĩ nội là bệnh gì?

Trĩ nội là tình trạng phình giãn quá mức của các tĩnh mạch nằm ở lớp lót bên trong trực tràng. Bình thường ở vùng hậu môn trực tràng có một rãnh lược, phía trên có đám rối tĩnh mạch trĩ trong, phía dưới có đám rối tĩnh mạch trĩ ngoài. Và khi búi tĩnh mạch nằm nằm phía trên đường lược sa xuống, người ta gọi là trĩ nội.

tri-noi-la-gi-lam-sao-nhan-biet-va-phong-ngua-voh

Trĩ nội là tình trạng các búi tĩnh mạch nằm phía trên đường lược sa xuống dưới (Nguồn: Internet)

Những nguyên nhân gây nên bệnh trĩ nội cũng tương tự như bệnh trĩ nói chung, đó là:

  • Đứng nhiều, ngồi lâu, ít vận động do tính chất công việc như nhân viên văn phòng, lái xe, đứng gác...
  • Mắc bệnh táo bón kinh niên, đi ngoài phải rặn nhiều.
  • Những người bị tiêu chảy có thể làm tăng thể tích của búi trĩ.
  • Bệnh nhân mắc bệnh khác như hội chứng ruột kích thích, tăng áp lực trong ổ bụng, u bướu vùng hậu môn trực tràng và các vùng xung quanh cũng có nguy cơ mắc bệnh trĩ.
  • Những phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi sinh cũng dễ mắc bệnh trĩ.

2. Phân loại cấp độ trĩ nội dựa vào triệu chứng

Bệnh trĩ được chia ra làm 4 cấp độ với những biểu hiện bên ngoài khác nhau:

2.1 Bệnh trĩ nội cấp độ 1

Dấu hiệu bệnh trĩ nội cấp độ 1 là:

  • Đi cầu ra máu, ban đầu máu chỉ dính trên giấy vệ sinh, khi bệnh nặng hơn máu cũng chảy nhiều hơn, máu chảy nhỏ giọt hay bắn thành tia khi đi cầu.
  • Có hiện tượng đau rát khi đi cầu, ngứa ngáy hậu môn khiến người bệnh rất khó chịu.
  • Có hiện tượng táo bón kéo dài.

2.2 Bệnh trĩ nội cấp độ 2

Triệu chứng bệnh trĩ nội cấp độ 2 rõ ràng hơn cấp độ 1, các triệu chứng bao gồm:

  • Đi cầu ra máu nhiều hơn.
  • Đau rát hậu môn khi đi cầu.
  • Ngứa hậu môn.
  • Đặc biệt sẽ thấy một một cục thịt lòi ra khi đi cầu, tuy nhiên sẽ tự co lên ngay sau đó, đây chính là búi trĩ.

Ở giai đoạn này nếu được thăm khám và điều trị sớm, người bệnh sẽ có thể dễ dàng thoát khỏi bệnh trĩ. Tuy nhiên, do tâm lý xấu hổ, người bệnh thường ngại đi khám và chịu đựng sống cùng với bệnh.

2.3 Bệnh trĩ nội cấp độ 3

tri-noi-la-gi-lam-sao-nhan-biet-va-phong-ngua-1-voh

Bệnh trĩ nội được chia ra làm 4 cấp độ (Nguồn: Internet)

Người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng bệnh trĩ nội cấp độ 3 thông qua các dấu hiệu như:

  • Lượng máu chảy ít hơn.
  • Búi trĩ sa ra ngoài và không thể tự co lên được, phải dùng tay đẩy mới lên.
  • Cảm thấy đau rát ngay cả khi không đi ngoài. Không thể ngồi ngay ngắn trên ghế vì có thể đè lên búi trĩ.

Ở giai đoạn 3 biểu hiện của bệnh trĩ nội là chảy máu ít đi khiến người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị, mà không biết rằng đây chính là giai đoạn cuối cùng có thể điều trị nội khoa mà không cần phải phẫu thuật.

2.4 Bệnh trĩ nội cấp độ 4

Đây là cấp độ nặng nhất của bệnh trĩ nội với các dấu hiệu như:

  • Búi trĩ sa ra ngoài ngay cả khi người bệnh không đi cầu.
  • Không thể đẩy búi trĩ vào trong.
  • Đau đớn, chảy máu dù đi hay đứng.

Cần lưu ý, vì đây là giai đoạn cuối cùng của bệnh trĩ nội nên rất dễ dẫn đến các nguy cơ như: nhiễm trùng, hoại tử búi trĩ, nứt kẽ hậu môn, ap-xe hậu môn hoặc thậm chí là ung thư trực tràng.

3. Bệnh trĩ nội có chữa được không?

Phương pháp điều trị bệnh trĩ nội sẽ được lựa chọn tùy thuộc vào mức độ, giai đoạn bệnh. Cụ thể như sau:

3.1 Điều trị nội khoa

Được áp dụng với trĩ nội ở giai đoạn đầu, cấp độ 1, cấp độ 2 và cấp độ 3 với những búi trĩ nhỏ, trước và sau phẫu thuật. Phương pháp điều trị nội khoa là lựa chọn đầu tiên của bác sĩ vì đơn giản, dễ áp dụng, không can thiệp vào giải phẫu vùng hậu môn, không gây đau đớn, không để lại di chứng nặng nề như các phương pháp điều trị bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật.

Thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn:

  • Vệ sinh tại chỗ bằng phương pháp ngâm nước ấm 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.
  • Dùng thuốc tại chỗ gồm các loại thuốc mỡ (pommate) và đạn dược (suppositoire) bao gồm các thành phần kháng viêm, vô cảm tại chỗ và dẫn xuất trợ tĩnh mạch.
  • Dùng thuốc toàn thân có sử dụng các thành phần như: cao diếp cá, cao đương quy, rutin, meriva (tinh chất nghệ), magie. Trong đó: Cao diếp cá, rutin giúp bảo vệ mạch máu, tăng cường sức bền mao mạch, giảm tình trạng chảy máu khi đi cầu, giúp co búi trĩ. Cao đương quy giúp hoạt huyết, bổ huyết, giảm tình trạng tắc mạch, chống thiếu máu. Meriva và curcumin giúp giảm nhanh tình trạng trĩ viêm đau, tiết dịch ngứa ngáy. Magie là khoáng chất giúp giảm táo bón, khó đi cầu cho người bệnh.

Tùy theo mức độ của bệnh trĩ nội mà bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc với liều lượng phù hợp. Thông thường, một liệu trình sẽ dùng từ 2 – 6 tháng để búi trĩ co lên và ổn định hoàn toàn trong ống hậu môn. Đây cũng là phương pháp tối ưu nhất để điều trị tận gốc bệnh trĩ.

tri-noi-la-gi-lam-sao-nhan-biet-va-phong-ngua-2-voh

Tùy theo mức độ sẽ có các phương pháp điều trị bệnh trĩ nội khác nhau (Nguồn: Internet)

3.2 Điều trị bằng thủ thuật

Một số thủ thuật được hiện đối với bệnh trĩ nội như:

  • Chích xơ: Là phương pháp dễ thực hiện, đơn giản, nhanh chóng và an toàn. Mục đích của chích xơ là giúp giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính và lớp cơ dưới niêm mạch giúp làm giảm triệu chứng chảy máu. Thủ thuật được chỉ định trong trĩ độ 1 và độ 2.
  • Thắt trĩ bằng vòng cao su: Được chỉ định điều trị cho trĩ nội độ 1 và độ 2, một số trường hợp với trĩ độ 3 nhưng kết quả giới hạn. Nguyên tắc chính của thắt vòng cao su là giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới niêm mạc, do đó sẽ cố định ống hậu môn đúng với nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn.
  • Quang đông hồng ngoại: Phương thức sử dụng nhiệt điều trị. Mục tiêu của phương pháp này là làm cho mô bị đông lại bởi tác động của sức nóng, tạo nên sẹo xơ làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định trĩ vào ống hậu môn. Phương pháp quang đông hồng ngoại cũng được chỉ định với trĩ độ 1 và độ 2.

3.3 Phẫu thuật (phương pháp ngoại khoa)

Các phương pháp ngoại khoa thường được áp dụng là:

  • Treo trĩ: Phương pháp này không cắt trực tiếp búi trĩ mà là kéo các búi trĩ sa co trở lại trong hậu môn.
  • PT Longo: Là phương pháp được dùng cho các trường hợp trĩ độ 3. Ưu điểm của phương pháp này là quá trình phẫu thuật nhanh, thẩm mỹ và quan trọng là hầu như không đau, giảm biến chứng hẹp hậu môn, chảy dịch do đóng hậu môn không kín,...
  • Phẫu thuật treo triệt mạch trĩ: Phương pháp này áp dụng an toàn và hiệu quả cho các trĩ nội độ 4.

Sau khi đẩy lùi trĩ bằng cách phương pháp nội khoa, thủ thuật hay ngoại khoa thì người bệnh vẫn cần phải lưu ý thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày vì nó rất quan trọng, có thể giúp người bệnh nhanh hồi phục cũng như phòng chống khả năng bệnh trĩ nội quay trở lại.