Trực khuẩn mủ xanh có thể gây ra những bệnh gì?

(VOH) - Trực khuẩn mủ xanh là một vi khuẩn gây bệnh phổ biến ở động vật và con người. Vậy loại vi khuẩn này có thể gây bệnh qua những con đường nào và khi nhiễm bệnh cần làm gì?

Trực khuẩn mủ xanh là gì?

Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) là một vi khuẩn gram âm, hiếu khí, có lông 2 đầu, thuộc họ vi khuẩn Pseudomonas. Trực khuẩn mủ xanh thường sống ở trong đất, nước hoặc trên da và niêm mạc người và động vật. 

Vi khuẩn này không chỉ phát triển trong môi trường không khí bình thường, mà còn có thể sống trong môi trường có ít khí oxy, do đó nó có thể cư trú trong nhiều môi trường tự nhiên và nhân tạo.

truc-khuan-mu-xanh-co-the-gay-ra-nhung-benh-gi-voh-1

Hình dạng trực khuẩn mủ xanh (Nguồn: Internet)

Khi trực khuẩn mủ xanh phát triển trong môi trường nuôi cấy thích hợp, chúng tạo nên những sắc tố xanh không phát huỳnh quang, một số chủng có thể tạo màu xanh huỳnh quang. Vì vậy, mủ của vết thương bị nhiễm lọai vi khuẩn này thường có màu vàng xanh nên được gọi là trực khuẩn mủ xanh.

Trực khuẩn mủ xanh gây bệnh gì?

Trực khuẩn mủ xanh có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau, nó là nguyên nhân chính gây ra nhiễm trùng bệnh viện và nhiễm trùng cơ hội. Trực khuẩn mủ xanh hiếm khi gây nhiễm trùng ở người khỏe mạnh, nhưng nó có xu hướng lây nhiễm sang người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc bị bỏng.

Nhiễm trực khuẩn mủ xanh cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu), viêm phổi, viêm họng và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Trực khuẩn mủ xanh xâm nhập vào cơ thể như thế nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, trực khuẩn mủ xanh phổ biến trong môi trường tự nhiên, chúng có mặt khắp nơi trong phân, đất, nước sinh hoạt, nước thải. Nó có thể phát triển nhiều trong môi trường nước và trên bề mặt các vật thể hữu cơ trong nước. Trong nhà ở, có thể tìm thấy trực khuẩn mủ xanh từ bồn rửa chén, bồn tắm, vòi sen,…

Trực khuẩn mủ xanh xâm nhập vào cơ thể chính qua vết thương, niêm mạc bị nhiễm nước bẩn hoặc dụng cụ nhiễm bẩn. Ngoài ra, lau kính áp tròng bằng nước bẩn có trực khuẩn mủ xanh cũng có thể gây viêm kết mạc. 

Triệu chứng khi bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh

Tùy vào loại nhiễm trùng mà các triệu chứng của nhiễm trực khuẩn mủ xanh thay đổi khác nhau. Cụ thể:

  • Nhiễm trùng máu, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể, đau đầu nhẹ, nhịp tim nhanh, thở nhanh, buồn nôn, tiêu chảy, giảm đi tiểu.
  • Viêm phổi có thể gây ra các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, khó thở, ho (đôi khi có chất nhờn màu vàng, xanh lá cây hoặc máu).
  • Nhiễm trùng đường tiểu có thể có triệu chứng như muốn đi tiểu thường xuyên, đi tiểu đau, có mùi khó chịu trong nước tiểu, nước tiểu có máu.
  • Nhiễm trùng vết thương có thể gây ra đau, tấy đỏ, chảy dịch ở vết thương.
  • Nhiễm trùng tai có thể gây ra đau tai, mất thính lực, chóng mặt và mất phương hướng.

Nhìn chung, triệu chứng do trực khuẩn mủ xanh gây ra thường không cụ thể, nó còn phụ thuộc vào loại nhiễm trùng. Vì vậy, khi có dấu hiệu cơ thể bị nhiễm trùng thì bạn nên đi khám để được xét nghiệm, chẩn đoán xem có phải do trực khuẩn mủ xanh gây ra hay không.

Điều trị nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh bằng cách nào?

Thông thường, khi bị nhiễm trùng người bệnh thường dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, trực khuẩn mủ xanh là loài vi khuẩn có thể kháng nhiều loại kháng sinh, vì vậy việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Những trực khuẩn mủ xanh thường gặp thường kháng với 3 kháng sinh hoặc đơn. Do đó, trong điều trị cần phải làm kháng sinh đồ. Hiện nay, thường sử dụng các kháng sinh là tobramycin, amikacin, carbenicillin, cefaperazon, ceftazidim để điều trị.

Vì điều trị khó nên việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Để phòng bệnh từ trực khuẩn mủ xanh bạn nên:

truc-khuan-mu-xanh-co-the-gay-ra-nhung-benh-gi-voh-1

Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh do trực khuẩn mủ xanh (Nguồn: Internet)

  • Tại bệnh viện, giữ gìn vệ sinh chung, nhân viên y tế thực hiện các quy trình tiệt trùng, làm đúng các thao tác vô trùng để tránh lây chéo trong bệnh viện.
  • Đối với cá nhân, giữ gìn vệ sinh, tránh xây xát da và niêm mạc.
  • Tăng cường sức đề kháng chung, tránh lạm dụng kháng sinh và các thuốc gây suy giảm miễn dịch.
  • Rửa tay bằng xà phòng là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở
  3. Trang hellobacsi.com
  4. Trang dieutri.vn
Vệ sinh tay làm giảm 30% vi khuẩn gây bệnh: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã diễn ra lễ phát động vệ sinh tay năm 2019 với chủ đề “Tất cả chăm sóc sạch - nằm trong bàn tay bạn”. 
Hiểu đúng về vi khuẩn E.coli: Hiểu đúng và đầy đủ về vi khuẩn E.coli là cách để bạn phòng tránh các bệnh lây nhiễm từ loại vi khuẩn này. Dưới đây là những kiến thức cần biết về vi khuẩn E.coli.