Tự chữa trị bệnh trầm cảm cần chú ý 

(VOH) - Trầm cảm là điều ai cũng có thể mắc phải và là một phần của cuộc sống. Mỗi chúng ta hoàn toàn có thể là người đầu tiên tự chữa trị cho mình.

Khi chúng ta căng thẳng, tuyến thượng thận sản sinh ra các loại hormone trong đó có cả adrenaline (làm tăng nhịp tim và tăng năng lượng) và cortisol (tăng glucose trong máu). Trong thời gian ngắn, stress có thể làm cho cơ thể của chúng ta dưới áp lực căng thẳng hoạt động hiệu quả hơn và trí óc nhạy bén hơn.

Mặt khác, nếu cuộc sống chúng ta chỉ luôn bằng phẳng chúng ta cũng dễ rơi vào cảm giác chán chường. Hơn nữa, có những biến cố trong cuộc đời mà ai cũng phải trải qua.

Dù vậy, nhưng nếu stress kéo dài sẽ gây xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe. Trong trường hợp nhẹ, người rơi vào trạng thái này nên tự nhận biết và điều chỉnh bản thân kịp thời để tránh bệnh nặng.

Làm cách nào để tự chữa trị bệnh trầm cảm

Tập thở đúng

Tập thở đúng là một phương pháp điều trị các bệnh liên quan đến tâm trạng, tim mạch, thần kinh. Về mặt tâm lý, tập trung vào các bài tập thở là một cách kết nối cơ thể và tâm trí, xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực, giúp bạn trở về với con người thật của mình để lắng nghe bản thân mong muốn điều gì.

Từ góc độ y học, hơi thở quyết định quá trình hô hấp, nhịp tim, nhu động ruột, hệ thần kinh… Việc tập thở có thể thực hành vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ, nhẹ nhàng nhắm mắt lại trong lúc tập luyện, tập trung vào hơi thở, không để cho bất kỳ một suy nghĩ nào nảy sinh trong đầu.

Tương tác xã hội

Tương tác xã hội rất quan trọng trong việc làm bản thân bớt chán nản đi. Những người bị trầm cảm thường có xu hướng tự “cô lập” mình và điều này có thể khiến bệnh càng trầm trọng thêm.

Cần lưu ý ở đây là tương tác xã hội thật sự, còn tương tác xã hội “ảo” có thể làm tình trạng trầm trọng thêm.

Thiền, chơi thể thao

Thiền là một hoạt động tốt cho tâm trạng và sức khỏe. Thông qua ngồi thiền, có thể làm giảm căng thẳng, lo âu, trầm cảm và cảm xúc tiêu cực khác.

Chơi thể thao cũng được xem là giải pháp hiệu quả. Hãy chọn môn thể thao mà bạn thích hoặc dễ chơi, có thể rủ ai đó cùng chơi. Sự vận động giúp cơ thể nhanh nhẹn, thoải mái hơn, giảm bớt thời gian suy nghĩ tiêu cực

Mát xa thư giãn cơ thể

Mát xa có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và lo âu. Thêm một số loại tinh dầu thơm (hoa oải hương, cam, hay húng quế) để giúp các giác quan, tâm trí và cơ thể của bạn thư giãn.

Giải pháp cuối cùng: đến chuyên khoa tâm lý, tâm thần thăm khám

Đừng “định kiến” rằng phải gặp vấn đề gì đó rất nghiêm trọng về tâm thần thì mới đi khám bệnh ở chuyên khoa tâm thần. Nhịp sống công nghiệp, nhất là ở các đô thị, đang khiến rất nhiều người phải trải qua tình trạng bị stress và đó là chuyện hoàn toàn bình thường.

Nếu sau tất cả giải pháp tự chữa trị không khả quan, hãy nghĩ đến việc thăm khám tại chuyên khoa tâm lý, tâm thần để bệnh không nặng hơn. 

Sống lạc quan là cách tuyệt vời nhất để tránh trầm cảm hoặc sớm thoát khỏi trầm cảm. Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống cũng có hai mặt lợi và hại.

Vậy sao chúng ta không nghĩ đến những điều lạc quan trước thay vì bị ám ảnh trong những phân tích, suy diễn tiêu cực, nghiêm trọng hóa vấn đề.

Dù sao biến cố hay sự cố cũng đã xảy ra, nghĩ lạc quan là cách tìm lối thoát tích cực.

>>> Đọc thêm Chuyên đề Bệnh trầm cảm do Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM thực hiện. 

Đừng chủ quan trước các biến chứng nguy hiểm của bệnh trầm cảm: (VOH) - Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh.
Những biện pháp tâm lý để điều trị và chăm sóc người bệnh trầm cảm: (VOH) - Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm khiến con người có thể thay đổi cách nhìn đối với thế giới bên ngoài và thấy mọi điều trở nên vô vọng.