Tuyên truyền vẫn là nền tảng

(VOH) - Tiếp tục để cho người phụ nữ tự quyết định trong việc phá thai hay nghiêm cấm phá khi tuổi thai đã lớn đang nhận được những ý kiến trái chiều từ xã hội, khi Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xây dựng dự thảo Luật Dân số liên quan đến vấn đề này.

Bệnh nhân tham gia phá thai an toàn tại bệnh viện. (Ảnh: Internet)

Trong dự thảo nêu rõ: “Cấm phá thai trên 12 tuần tuổi, ngoại trừ trường hợp mang thai gây nguy hiểm cho sức khỏe thai phụ, thai nhi, có thai do bị hiếp dâm, loạn luân, người chưa thành niên, chưa kết hôn, có bằng chứng về dị tật thai nhi”.

Bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh – Trưởng khoa khám A – Bệnh viện Hùng Vương cho rằng: “Trong mấy chục năm làm nghề của mình, vẫn không nguôi ám ảnh với hình ảnh cô bé mặt thì non choẹt, nhưng bụng đã vượt mặt đến xin phá thai. Với những trường hợp này, các em còn quá nhỏ, còn cả tương lai phía trước và gia đình các em cũng kiên quyết từ bỏ thai nhi bằng mọi giá.

“Nếu không để người ta phá thai thì sẽ dẫn đến chuyện phá thai chui, mà phá thai chui thì thai nhỏ lớn gì cũng nguy hiểm, đặc biệt thai càng lớn càng nguy hiểm. Chuyện cấm hay không cấm không quan trọng bằng vận động biện pháp tránh thai ngay từ đầu để tránh chuyện đi phá thai” – Bác sĩ Hạnh lưu ý.

Trực tiếp thăm khám cho chị em hơn 30 năm, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ kể, có nhiều chị em đến phá thai 12 tuần vì không biết có thai, họ không có kiến thức, không biết có bầu nên buộc phải phá thai to. Do vậy, theo bác sĩ, cấm phá thai cũng được nhưng phải có lộ trình. Hiện tại, việc tuyên truyền chưa được rộng rãi, kiến thức người dân về dân số chưa tốt. Cấm như vậy hệ lụy sẽ nhiều hơn hiệu quả !

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tuyệt đối không nên phá thai trên 12 tuần vì như thế rất là nguy hiểm. Theo bác sĩ sản khoa Nguyễn Thanh Dung – Trưởng phòng khám 823 Hồng Bàng – Quận 6, ở góc độ sức khỏe, bà hoàn toàn ủng hộ quy định này: “Người phụ nữ bỏ thai để tránh sinh con ngoài ý muốn nhưng khi bỏ thai to như vậy thì tính mạng bị đe dọa và hậu quả vẫn là người phụ nữ gánh hết. Nếu không nguy hiểm đến tính mạng cũng sẽ để lại di chứng vô sinh”.

Phá thai ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của phụ nữ (Ảnh: Internet)

Về phía Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP, bác sĩ Đặng Phi Yến – Trưởng phòng truyền thông, Chi cục dân số Kế hoạch hóa gia đình TP – nhất trí với đề xuất của Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình: “Nếu nói rằng đảm bảo quyền lợi của chị em lỡ mang thai ngoài ý muốn thì chị em cũng lưu ý đừng để thai lớn như vậy. Người phụ nữ khi trễ kinh một hai tuần, mua que thử là mình đã biết có thai rồi. Nếu thực sự có thai, siêu âm khoảng 6, 7 tuần chắc chắn rồi thì lúc đó mình quyết định có nên giữ thai hay để lại”.

Vũ Ngọc lan – 30 tuổi – nhân viên văn phòng cũng cho rằng phá thai to như vậy là khá nguy hiểm và cho rằng quy định này là hợp lý: “Theo quan điểm của tôi thì tôi ủng hộ sức khỏe người phụ nữ phá thai trên 3 tháng nguy cơ rất lớn, ảnh hưởng đến cả sinh mạng thậm chí vô sinh sau này nên tôi ủng hộ việc cấm phá thai trên 3 tháng”.

Còn với nam giới, quan điểm họ ra sao ? Phạm Minh Giàu – một cán bộ chuyên trách dân số: “Mình phải truyền thông sâu rộng vấn đề này vì nó ảnh hưởng tới vô sinh luôn, rất nguy hiểm. Mình kiến nghị càng sớm càng tốt nên giáo dục giới tính trong trường học, tránh tình trạng đi phá thai rất nguy hiểm cho phụ nữ”.

Nếu chọn phương án nào đi chăng nữa thì suy cho cùng, phụ nữ vẫn phải chịu thiệt thòi cả sức khỏe, tinh thần và quan trọng hơn là ảnh hưởng cả tương lai phía trước. Do vậy, đừng để sự việc đến mức nghiêm trọng mới sửa chữa và buộc phải được điều chỉnh bằng văn bản pháp quy.