U máu gan có nguy hiểm không?

(VOH) - Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán u máu gan đều vô cùng hoang mang và lo sợ. Vậy thật sự căn bệnh này có nguy hiểm không, có chữa trị được không? hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. U máu gan là gì?

U máu gan là một cuộn các mạch máu nằm trong hoặc trên bề mặt gan. Loại u này thường không gây khó chịu và không gây ra triệu chứng gì, do đó bệnh chỉ được phát hiện khi bạn làm xét nghiệm một bệnh lý khác, và vô tình phát hiện tình trạng này.

u-mau-gan-co-nguy-hiem-khong-voh

U máu gan là khối u lành tính trong gan (Nguồn: Internet)

U máu gan là khối u lành tính trong gan, không phải ung thư và sẽ không tiến triển thành ung thư. Những u máu này thường có kích thước khoảng 4cm, trong một số trường hợp u có thể có kích thước lớn hơn.

Thông thường, bạn sẽ chỉ có một khối u máu trong gan. Tuy nhiên, có những trường hợp, bác sĩ phát hiện nhiều u máu cùng một lúc ở gan.

2. Nguyên nhân gây u máu gan

Các chuyên gia không chắc chắn lý do tại sao mạch máu nhóm lại với nhau thành u máu trong gan, tuy nhiên họ đều nhất trí rằng, tình trạng này có khả năng là do bẩm sinh, nghĩa là chúng được di truyền qua các thế hệ.

Hầu hết các trường hợp bị u máu gan được chẩn đoán trong độ tuổi từ 30 – 50 tuổi. Phụ nữ gặp nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân là do phụ nữ mang thai thay đổi hormone estrogen hoặc những người phụ nữ khác sử dụng estrogen thay thế, mà estrogen được cho là tác nhân làm phát triển loại u máu này.

3. Có thể nhận biết u máu gan bằng cách nào?

Trong hầu hết các trường hợp, u máu gan không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bị chấn thương hoặc thay đổi estrogen, các triệu chứng sẽ xuất hiện.

Các triệu chứng nhận biết gồm:

  • Đau ở phía trên, bên phải của bụng.
  • Ăn ít nhưng cảm thấy no.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Biếng ăn.

U máu trong gan có thể khiến bạn sụt cân do mất cảm giác ngon miệng. Nếu gặp các triệu chứng trên bạn đi khám và xét nghiệm ngay.

U máu gan thường được phát hiện bằng xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon (SPECT). Những xét nghiệm hình ảnh cho phép bác sĩ quan sát các chi tiết phức tạp của gan và các cấu trúc xung quanh.

u-mau-gan-co-nguy-hiem-khong-voh

Chỉ khi bệnh nặng u máu gan mới gây ra triệu chứng trên lâm sàng (Nguồn: Internet)

4. U máu gan có nguy hiểm không?

Các u máu gan thường lành tính và không có nguy cơ tiến triển thành ung thư gan. Khối u thường nhỏ, kích thước không quá 4cm. Tuy nhiên, một số khối u có thể phát triển lớn hơn và có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng như đau bụng hay buồn nôn.

Hiếm khi u máu gan bị vỡ và thường chỉ vỡ khi bị ngã hoặc bị chấn thương. Mặc dù u máu gan không nguy hiểm nhưng nếu trường hợp u máu gan bị vỡ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

5. U máu gan có cần điều trị không?

Hầu hết các trường hợp bị u máu gan không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu u lớn và gây ra các triệu chứng thì phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ. Nếu u gây đau đớn hoặc tổn thương đáng kể đến gan thì bác sĩ sẽ quyết định loại bỏ toàn bộ phận đã bị tổn thương.

U máu gan có thể phát triển kích thước khi có nhiều máu chảy đến và tích tụ. Trong trường hợp này, bác sĩ thắt lại động mạch chính cung cấp máu cho u. Các khu vực xung quanh gan vẫn nhận được máu từ động mạch khác và vẫn khỏe mạnh bình thường. Phẫu thuật này còn gọi là thắt động mạch gan.

Trong trường hợp hiếm, bạn cần phẫu thuật ghép gan. Điều này chỉ xảy ra khi các khối u rất lớn hoặc quá nhiều và các biện pháp trên không có tác dụng.

Nhìn chung, trong hầu hết các trường hợp, u máu gan không gây ra vấn đề lâu dài nào cho sức khỏe, các trường hợp ghép gan để điều trị thì rất hiếm gặp.