Ung thư da: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

(VOH) - Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư da cũng là một loại ung thư nguy hiểm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều người vẫn chưa nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

1. Ung thư da là gì?

Ung thư da là tình trạng phát triển không kiểm soát được của các tế bào da bất thường. Bệnh xảy ra khi tổn thương gây thiệt hại cấu trúc cho phân tử AND tác động lên tế bào da, gây ra đột biến hoặc các khiếm khuyết về gen, làm cho tế bào da nhân lên nhanh chóng và hình thành các khối u ác tính.

Ung thư da gồm có 3 loại là ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư tế bào vảy và u ác tính.

ung-thu-da-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-1

Hầu hết các loại ung thư da có thể phát hiện sớm (Nguồn: Internet)

2. Triệu chứng của ung thư da

Ung thư da phát triển ở phần da tiếp xúc ánh nắng, bao gồm da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và chân. Trong đó, ung thư da đầu và ung thư da mặt là trường hợp dễ gặp nhất.

Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện trên khu vực hiếm thấy như lòng bàn tay, bên dưới móng tay hoặc móng chân và vùng sinh dục.

Triệu chứng bệnh ung thư da gồm có:

2.1 Ung thư biểu mô tế bào đáy

  • Thể u: Đây là thể hay gặp nhất trong các thể của ung thư tế bào đáy. Vị trí chủ yếu ở vùng đầu, cổ và nửa trên thân mình. Dấu hiệu ung thư da giai đoạn đầu thường là u nhỏ, mật độ chắc, trên có giãn mạch, không ngứa, không đau, tiến triển chậm. Sau một thời gian, u tăng dần về kích thước, lan ra xung quanh, thâm nhiễm và lấn đến các tổ chức dưới da. Tổn thương có thể loét, dễ chảy máu, đóng vảy tiết đen, bờ nổi cao với các sẩn bóng.
  • Thể nông: Tổn thương dát, sẩn màu hồng hoặc đỏ nâu, có vảy da, bờ hơi nổi cao giống như sợi chỉ. Vị trí thường gặp là vùng thân và ít có xu hướng xâm lấn.
  • Thể xơ: Thường gặp ở vùng mũi hoặc trán, u bằng phẳng với da, đôi khi thành sẹo lõm, trên có các mạch máu giãn, giới hạn không rõ ràng với da lành.

2.2 Ung thư tế bào vảy

Tổn thương sùi hoặc mảng cứng nổi cao, chắc, màu hồng đến màu đỏ, loét dễ chảy máu, đóng vảy tiết nâu đen. Trường hợp không điều trị kịp thời, khối ung thư phát triển nhanh, xâm lấn xuống tổ chức xung quanh và di căn xa. Khối u có thể loét, nhiễm khuẩn, mùi hôi thối, di căn tới các hạch lân cận hoặc đến các cơ quan nội tạng như phổi, não.

Ung thư tế bào vảy quanh miệng thường gặp ở môi dưới với biểu hiện sẩn, đỏ cứng. Ung thư tế bào vảy quanh móng dễ nhầm với bệnh hạt cơm, cần làm mô bệnh học để chẩn đoán xác định.

2.3 U ác tính

U ác tính có thể phát triển ở bất cứ nơi nào trên cơ thể hoặc có thể xuất hiện ở nốt ruồi. Dấu hiệu khối u ác tính bao gồm đốm nâu sẫm màu; nốt ruồi thay đổi về màu sắc, kích thước hoặc chảy máu; vết thương nhỏ bất thường và có màu đỏ, trắng, xanh; vết thương có màu tối trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, ngón tay, ngón chân hoặc trên màng nhầy trong miệng, mũi, âm đạo hay hậu môn.

3. Nguyên nhân ung thư da

Ung thư da xảy ra khi có đột biến trong ADN của các tế bào da. Những đột biến này gây ra sự phát triển không thể kiểm soát được của các tế bào và tạo thành tế bào ung thư.

Phần lớn các thiệt hại của ADN trong tế bào da là kết quả từ bức xạ tia cực tím (UV) trong ánh nắng mặt trời và ánh sáng được sử dụng trong giường tắm nắng. Tuy nhiên, các yếu tố khác cũng có thể góp phần gây ra bệnh ung thư da, ví dụ như tiếp xúc với các chất độc hại hoặc có tình trạng bị suy yếu hệ thống miễn dịch.

Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò nhất định làm tăng nguy cơ ung thư da. Nếu bạn có người thân bị ung thư da thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ tăng lên cao hơn so với những người không có người thân bị ung thư da.

4. Bạn có cần thường xuyên xét nghiệm ung thư không?

Xét nghiệm ung thư da là bước quan trọng giúp bạn phát hiện mình có mắc bệnh ung thư da hay không, từ đó đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đều không khuyến khích việc thường xuyên làm xét nghiệm ung thư da. Bạn chỉ nên làm xét nghiệm khi phát hiện những nốt ruồi bất thường. Ngoài ra, nếu bạn có nhiều yếu tố nguy cơ mắc ung thư da, bạn cần phải thường xuyên làm xét nghiệm. Những yếu tố bao gồm:

  • Tóc vàng hoặc đỏ không phải do nhuộm, màu mắt sáng, da xuất hiện tàn nhang hay dễ bị cháy nắng.
  • Có thành viên trong gia đình bị ung thư da.
  • Từng có những nốt ruồi bất thường.
  • Bạn đã từng bị cháy nắng, đặc biệt là những vết cháy bị rộp da.
  • Bạn thường đi tắm nắng.
  • Bạn có rất nhiều nốt ruồi trên người hoặc nốt ruồi có hình dáng kỳ lạ.
  • Bạn đã từng thực hiện ghép nội tạng.

Bạn cũng nên đi khám nếu đã từng bị ung thư tế bào đáy hoặc ung thư tế bào vảy. Bởi 2 loại ung thư da này có khả năng bị tái phát.

ung-thu-da-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-2

Tắm nắng có nguy cơ bị ung thư da (Nguồn: Internet)

5. Ung thư da có chết không?

Tùy thuộc vào mức độ ác tính của loại ung thư gây ra trên cơ thể mà người ta xem xét tới mức độ tử vong do bệnh gây ra. Độ ác tính của ung thư da là nhỏ nhất, bệnh phát triển chậm, vì vậy tỷ lệ tử vong do ung thư da thấp. Tuy nhiên, không thể vì tỷ lệ tử vong của bệnh thấp mà xem nhẹ sự nguy hiểm của ung thư da, nếu người bệnh không kịp thời đến bệnh viện điều trị và điều trị không đúng cách thì vẫn có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, ung thư da có thể di căn tới các bộ phận khác của cơ thể. Khi đó việc điều trị sẽ rất khó khăn, nguy cơ gây tử vong rất cao.

Nhìn chung, ung thư da không chỉ gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tâm lý của người bệnh, mà còn có khả năng dẫn tới tử vong. Do đó, bất cứ ai trong mỗi chúng ta cũng cần ý thức phòng tránh căn bệnh này.

6. Ung thư da có chữa khỏi được không?

Mặc dù là bệnh ung thư nguy hiểm nhưng ung thư da cũng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu chữa trị ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 100%. Ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống sau 5 năm còn khoảng 20 - 40%.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư da. Căn cứ vào từng mức độ bệnh và giai đoạn bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.

6.1 Phẫu thuật

Đây là phương pháp điều trị chính cho các trường hợp mắc ung thư da ở giai đoạn đầu.

6.2 Xạ trị

Phương pháp này thường được áp dụng đối với các trường hợp mắc ung thư da giai đoạn muộn. Xạ trị có thể được sử dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u, giúp cắt bỏ dễ dàng hoặc xạ trị được sử dụng sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

6.3 Hóa trị

Phương pháp này là dùng thuốc hóa chất truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch nhằm tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể dùng khi bệnh đã di căn và không thể phẫu thuật được.

6.4 Dùng thuốc bôi 5FU

Thuốc bôi 5FU dạng kem chỉ dùng trong trường hợp ung thư biểu mô vảy.

Nếu được điều trị đúng phương pháp và kịp thời sẽ giúp bạn kiểm soát và cải thiện sớm bệnh, loại bỏ hoàn toàn ung thư da.

7. Biện pháp phòng tránh ung thư da

Bạn có thể ngăn ngừa bệnh ung thư da bằng những cách sau đây:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng mặt trời đặc biệt là nắng có cường độ cao, tia UV mạnh trong thời gian từ 10 - 16h hàng ngày.
  • Sử dụng quần áo chống nắng, khẩu trang, mũ rộng vành, kính râm khi đi ngoài trời để bảo vệ cơ thể.
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại trong công việc và cuộc sống, không sử dụng mỹ phẩm trên da.
  • Sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với hóa chất…
  • Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày, uống nhiều nước và ăn nhiều rau củ quả.
  • Thoa kem chống nắng và sau mỗi giờ hãy thoa lại kem ở mọi nơi trên cơ thể nếu bạn đi bơi hoặc tiếp xúc với ánh nắng.
  • Không nên dùng giường tắm nắng nhân tạo hoặc các phương pháp điều trị bằng tia cực tím.
  • Thăm khám da thường xuyên.

Như vậy, ung thư da là một khá phổ biến, bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Vì vậy, việc phòng tránh và nhận biết sớm triệu chứng là việc vô cùng cần thiết.