Ung thư vú là gì? Điều trị và phòng ngừa như thế nào?

(VOH) – Ung thư vú là một trong những bệnh đáng sợ nhất đối với phụ nữ vì chiếm tỷ lệ tử vong cực kỳ cao. Chính vì thế, chị em phụ nữ nên trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ nhất về căn bệnh này.

Sau ung thư da, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất được chẩn đoán ở phụ nữ tại Hoa Kỳ. Ung thư vú có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng phổ biến nhiều hơn ở phụ nữ.

1. Ung thư vú là gì?

Ung thư vú là dạng u vú ác tính. Một khối u có thể là lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Đa số các trường hợp ung thư vú bắt đầu từ các ống dẫn sữa, một phần nhỏ phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy.

Khi một số tế bào vú bắt đầu phát triển không bình thường, các tế bào này sẽ phân chia nhanh hơn các tế bào khỏe mạnh và tiếp tục tích lũy tạo thành một khối u. Nếu không được phát hiện và điều trị muộn các tế bào bất thường có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như xương, gan, phổi hoặc các nơi khác, khiến bệnh nhân ngày càng đau đớn.

2. Các loại ung thư vú

Ung thư vú thường được chia thành:

  • Ung thư vú không xâm lấn: Được tìm thấy trong các ống dẫn của vú (ung thư biểu mô ống tại chỗ, DCIS) và không phát triển khả năng lây lan ra ngoài vú.
  • Ung thư vú xâm lấn: Thường phát triển trong các tế bào lót ống tuyến vú và là loại ung thư vú phổ biến nhất. Nó có thể lan ra bên ngoài vú và xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Các loại ung thư vú ít phổ biến hơn, bao gồm: Ung thư vú thùy xâm lấn, ung thư vú viêm, bệnh về vú...

ung-thu-vu-la-gi-dieu-tri-va-phong-tranh-nhu-the-nao-voh

Ung thư vú là căn bệnh gây nhiều ám ảnh đối với phụ nữ (Nguồn: Internet)

Ung thư vú có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, thường là qua đường máu hoặc các hạch bạch huyết ở nách. Đây là những tuyến bạch huyết nhỏ lọc vi khuẩn và tế bào từ tuyến vú. Những trường hợp này được gọi là ung thư vú thứ phát hoặc di căn.

3. Ung thư vú có mấy giai đoạn?

Không giống các loại ung thư khác, ung thư vú là một bệnh hoàn toàn có thể chữa được nếu được phát hiện sớm. Khoảng 80% bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện bệnh ở những giai đoạn đầu. Dưới đây là các giai đoạn của bệnh ung thư vú:

3.1 Ung thư vú giai đoạn 0 (Giai đoạn đầu)

Đây được xem là giai đoạn đầu tiên, các tế bào ung thư vú được phát hiện trong các ống dẫn sữa, được gọi là ung thư vú không xâm lấn (ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ).

Đối với giai đoạn này, bệnh nhân sẽ được điều trị ung thư vú để ngăn chặn sự di căn. Thông thường, bệnh nhân chỉ cần cắt bỏ khối u và sử dụng thêm phương pháp xạ trị.

3.2 Ung thư vú giai đoạn 1

Ung thư vú giai đoạn đầu nếu không được điều trị, tế bào ung thư sẽ tiếp tục phát triển đến giai đoạn 1. Tại đây, ung thư vú chia thành 2 giai đoạn nhỏ:

  • Ở giai đoạn 1A, khối u vẫn có kích thước nhỏ từ 2cm và các hạch bạch huyết chưa bị ảnh hưởng.
  • Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn 1B sẽ không chỉ có khối u ở vú mà còn tìm thấy khối u tại các hạch bạch huyết ở nách.

Đây vẫn được xem là 2 giai đoạn phát hiện bệnh sớm. Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật kết hợp một số liệu pháp để điều trị bệnh.

3.3 Ung thư vú giai đoạn 2

Ở giai đoạn 2, các khối u có kích thước từ 2 – 5cm và có thể chưa lây lan sang các hạch bạch huyết hoặc sang các hạch nách. Giai đoạn này cũng được chia thành 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn 2A: Chưa xuất hiện u nguyên phát. Kích thước khối u nhỏ hơn 2cm và chưa đến 4 hạch bạch huyết. Khối u từ 2 - 4cm vẫn chưa lan tới hạch bạch huyết và hạch dưới cánh tay.
  • Giai đoạn 2B: Ở giai đoạn này, khối u có kích thước từ 2 - 4cm được tìm thấy ở các cụm tế bào ung thư trong hạch bạch huyết, từ 1 - 3 hạch bạch huyết ở nách hoặc gần xương ức. Phát hiện khối u có kích thước lớn hơn 5cm và chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết.

Bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 2 cần kết hợp các liệu pháp điều trị phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kích thích tố.

3.4 Ung thư vú giai đoạn 3

Khi phát hiện ung thư vú giai đoạn 3, nghĩa là các khối u trong cơ thể đã lan rộng 4 – 9 hạch bạch huyết ở nách hoặc phù các hạch bạch huyết bên trong vú.

Ở giai đoạn 3, liệu pháp điều trị cho bệnh nhân cũng giống với giai đoạn 2. Nếu bác sĩ phát hiện ra có khối u nguyên phát lớn, thì bạn sẽ phải dùng biện pháp hóa trị để làm nhỏ khối u trước khi tiến hành phẫu thuật.

3.5 Ung thư vú giai đoạn 4 (Giai đoạn cuối)

Giai đoạn này được xem là giai đoạn cuối của bệnh ung thư. Tế bào ung thư đã lan rộng và di căn đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Ung thư vú thường di căn đến xương, não, phổi và gan.

Thông thường ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị toàn thân tích cực, đây là phương pháp phổ biến đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư vú giai đoạn cuối.

4. Ung thư vú biểu hiện như thế nào?

Các triệu chứng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú, các chị em cần lưu tâm là:

4.1 Đau tức ngực hoặc tuyến vú

Triệu chứng đau tức ngực, cương tức tuyến vú trong thai kỳ hoặc trong những ngày hành kinh được cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này xuất hiện trong những ngày bình thường và cơn đau kéo dài, tăng dần khi đến kỳ kinh nguyệt thì bạn nên đi khám và kiểm tra tuyến vú của mình.

ung-thu-vu-la-gi-dieu-tri-va-phong-tranh-nhu-the-nao-1-voh

Đau ngực là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú (Nguồn: Internet)

4.2 Vú to bất thường

Nếu bạn cảm thấy vú to bất thường, 2 bên vú không tương xứng hay thường xuyên cảm thấy cương cứng vùng “núi đôi” thì bạn cũng nên chú ý, vì đây rất có thể là một dấu hiệu của ung thư vú.

4.3 Nổi u cục ở tuyến vú

U vú có thể phát hiện tình cờ hoặc bạn tự kiểm tra vú hàng tháng sau khi hết kỳ kinh nguyệt. Những u này có thể là lành tính hoặc ác tính. Nếu phát hiện có một “khối lạ” ở tuyến vú của mình, bạn nên đi chụp X-quang và siêu âm vú để có kết quả chính xác.

4.4 Nổi hạch nách

Nổi hạch nách có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng nó thường là dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú.

4.5 Thay đổi da vùng vú

Một số thay đổi da ở vùng vú như: đỏ, sưng dưới dạng sần... thì bạn cũng nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vú giai đoạn muộn.

4.6 Tụt núm vú, thay đổi vùng da quanh đầu núm vú

Triệu chứng thụt đầu ti có thể là bẩm sinh, nhưng đôi khi nó cùng có thể là dấu hiệu của ung thư vú. Nếu bạn thấy núm vú của bạn đột nhiên bị tụt hẳn vào trong, kèm theo biểu hiện cứng và không kéo ra được như bình thường, vùng da bị co rút, nhăn nheo và có thể xuất hiện các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú, chảy dịch bất thường ở vú... thì bạn nên đi thăm khám sớm.

5. Nguyên nhân ung thư vú

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư vú cho đến vẫn chưa có kết luận đầy đủ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, một số yếu tố sau đây có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú:

  • Di truyền: Một người phụ nữ có mẹ, chị gái, dì hoặc con gái bị ung thư vú thì có nhiều khả năng sẽ mắc bệnh này.
  • Tuổi tác: Phụ nữ càng lớn tuổi càng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
  • Chế độ ăn uống và lối sống: Phụ nữ hút thuốc lá, ăn chế độ ăn nhiều chất béo, uống rượu và không tập thể dục đầy đủ sẽ dễ mắc bệnh ung thư vú hơn các đối tượng khác.

5.1 Đối tượng có nguy cơ cao

Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú có thể kể đến như:

  • Người có tiền sử bản thân mắc bệnh u nang hoặc u xơ tuyến vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung...
  • Người gặp vấn đề sinh sản như: vô sinh, hiếm muộn hoặc có con đầu lòng trên 35 tuổi.
  • Người thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, tia bức xạ...
  • Người đang ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh.

6. Làm thế nào để phát hiện ung thư vú?

Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm được xem là chìa khóa trong điều trị thành công ung thư vú. Theo khuyến cáo, phụ nữ trên 20 tuổi nên tự kiểm tra vú định kỳ mỗi tháng 1 lần, tốt nhất là sau khi hết kinh 5 ngày (đây là thời điểm vú mềm nhất) nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư vú.

6.1 Ba bước kiểm tra ung thư vú tại nhà

Bạn có thể tự kiểm tra vú tại nhà với 3 bước đơn giản sau đây:

  • Bước 1: Cởi áo phần trên thắt lưng, để 2 tay xuôi theo người, đứng trước gương quan sát mức độ đối xứng của “núi đôi”, kiểm tra vùng da ngực có bị nhăn nheo, sần sùi hay thay đổi màu sắc không, núm vú có bị lõm xuống, tiết dịch bất thường không?
  • Bước 2: Dùng ngón tay kiểm tra đầu vú: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vê nhẹ đầu vú, ấn nhẹ đầu vú xem có phát hiện khối u không.
  • Bước 3: Kiểm tra toàn bộ vú: Dùng 4 ngón tay nhẹ nhàng kiểm tra toàn bộ vùng vú theo hướng xoắn ốc từ núm ra bên ngoài hoặc theo hình nan hoa từ trong ra ngoài rồi từ ngoài vào trong. Dùng đầu ngón tay để ấn nhẹ, miết trên vùng da xem có u, hạch bất thường không.

Nếu phát hiện bất thường hoặc có nghi ngờ ung thư vú, bạn cần đến bệnh viện chuyên khoa để thực hiện tầm soát ung thư vú.

ung-thu-vu-la-gi-dieu-tri-va-phong-tranh-nhu-the-nao-2-voh

Chị em có thể tự kiểm tra ung thư vú tại nhà trước khi thực hiện tầm soát ung thư vú (Nguồn: Internet)

6.2 Tầm soát ung thư vú

Hiện nay, tầm soát ung thư vú là phương pháp giúp phát hiện ung thư vú ngay khi chưa có triệu chứng, được thực hiện thông qua các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.

Tầm soát ung thư vú giúp người bệnh phát hiện sớm ung thư, có kế hoạch chăm sóc, theo dõi sức khỏe, xây dựng định hướng điều trị, tăng cơ hội điều trị thành công ung thư cho người bệnh.

Những người có nguy cơ bệnh cao nên thực hiện tầm soát ung thư vú, bao gồm:

  • Phụ nữ trên 40 tuổi
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh, mãn kinh
  • Tiền sử gia đình có bệnh lý ung thư vú, ung thư phụ khoa
  • Phụ nữ đang có triệu chứng nghi ngờ ung thư vú như đau ở vú, có cục u ở vú, chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt...

7. Ung thư vú được điều trị như thế nào?

Điều trị ung thư vú thường phụ thuộc vào loại ung thư và mức độ ung thư lây lan đến các bộ phận khác như thế nào. Một số phương pháp điều trị phổ biến là:

7.1 Phẫu thuật

Đối với khối u nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật bóc tách.

Nếu ung thư đã lan rộng, bác sĩ sẽ tiến hành đoạn nhũ (đây là kỹ thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú bao gồm phần da, núm vú và tuyến sữa). Đây là một cách tốt để loại bỏ tất cả hoặc hầu hết các tế bào ung thư và có thể giúp ngăn ngừa ung thư lây lan hoặc quay trở lại. Phụ nữ phẫu thuật cắt bỏ vú có thể chọn phẫu thuật để tái tạo (xây dựng lại) vú và hình dạng vú sẽ giống như trước đây.

7.2 Liệu pháp xạ trị

Phương pháp này sẽ sử dụng các chùm tia năng lượng cao như tia X và proton để diệt các tế bào ung thư. Sau khi bệnh nhân được đoạn nhũ thì sẽ dùng các chùm tia này để chiếu xạ bên ngoài nhằm đảm bảo các tế bào ung thư đã được tiêu diệt hết.

7.3 Liệu pháp hóa trị

Sử dụng một loại thuốc đặc biệt đi khắp cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này thường áp dụng ở những người mà tế bào ung thư có nguy cơ cao tái phát hoặc lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể. Đôi khi hóa trị cũng được chỉ định trước tiên nhằm làm thu gọn khối u bướu lớn hỗ trợ việc loại bỏ nó dễ dàng trong quá trình phẫu thuật.

8. Biện pháp giúp phòng ngừa ung thư vú

Các bác sĩ cho biết, thời kỳ “tiền lâm sàng” của ung thư vú thường kéo dài từ 8 – 10 năm, vì thế việc khám sàng lọc ung thư vú và kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất cần thiết.

Ngoài ra, các chị em phụ nữ cần xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh:

  • Ăn nhiều rau xanh, tăng thực phẩm giàu phytoestrogens.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên, đều đặn.
  • Không uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích khác.
  • Cân nhắc việc điều trị bằng hormone ở giai đoạn mãn kinh. Việc tăng thêm lượng hormone estrogen vào cơ thể có thể làm tăng sự phân chia tế bào vú, dẫn đến tăng thêm nguy cơ kích thích sự phát triển của các tế bào bất thường gây ung thư vú.
  • Lưu ý khi sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, lợi tiểu vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.