Uống thuốc xổ giun khi nào để đạt hiệu quả nhất?

(VOH) - Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm giun rất cao, để loại bỏ giun ra khỏi cơ thể, nhiều người thường uống thuốc tẩy giun. Tuy nhiên, nếu uống thuốc xổ giun không đúng thời điểm thì sẽ không đạt hiệu quả.

Nhiễm giun có nguy hiểm không?

Giun là loại ký sinh trùng sống ăn bám ở đường ruột. Ở nước ta, tình trạng ô nhiễm môi trường và vệ sinh ăn uống kém nên rất nhiều người nhiễm các loại giun như giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc, giun lươn,…Người lớn nhiễm giun đũa thường do ăn thực phẩm không nấu chín, nước uống có lẫn trứng giun, thức ăn bị phơi nhiễm do bụi và ruồi, nhặng, gián,…

uong-thuoc-xo-giun-khi-nao-de-dat-hieu-qua-nhat-voh-1

Thường xuyên ăn thực phẩm sống, tái và tay không vệ sinh dễ bị nhiễm giun (Nguồn: Internet)

Ở trẻ em, ngoài giun đũa còn dễ bị giun kim vì chơi nghịch đất cát có lẫn trứng giun hoặc gãi vùng hậu môn (do giun bò ra đẻ trứng và gây ngứa) rồi đưa tay lên miệng và nuốt phải trứng giun,...

Nhiễm giun kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi,…Thai phụ nhiễm giun dễ khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

Uống thuốc giun khi nào?

Để nhận biết cơ thể có bị nhiễm giun hay không bạn cần dựa vào các biểu hiện như:

  • Đau bụng, có khi nhầm lẫn với đau dạ dày.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy thường xuyên.
  • Phân có thể nhớt hay có máu.
  • Ngứa hậu môn.
  • Đầy bụng khó tiêu.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Chán ăn.
  • Tắc ruột do lòng ruột chứa quá nhiều giun, đau thượng vị.
  • Đau quanh rốn.
  • Đau bụng dưới.
  • Dị ứng thức ăn.
  • Da xanh xao, mệt mỏi.
  • Kém tập trung, ngủ không ngon.

Trong đó, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là bụng đau và to căng cứng, đôi khi ngứa hậu môn.

Ngay khi có những biểu hiện này, bạn nên đi khám hoặc nghĩ đến việc uống thuốc tẩy giun là điều cần thiết. Vậy nên uống thuốc tẩy giun khi nào?

Thời điểm uống thuốc xổ giun

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, các loài giun lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, trung gian quan trọng là bàn tay. Khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh, những người khác cũng rất bị lây nhiễm. Do đó, cần tẩy giun cùng lúc cho cả gia đình mới đem lại hiệu quả.

Thuốc tẩy giun trên thị trường hiện nay chủ yếu có chứa 2 hoạt chất mebendazol và albendazol, trong đó mebendazol dễ sử dụng. Tác động của mebendazol bằng cách ức chế, ngăn cản sự tiêu thụ chất dinh dưỡng của các loại giun. Đây là loại thuốc không kê đơn, bạn có thể tự mua thuốc để tẩy giun cho cá nhân bạn và gia đình, định kỳ từ 4 - 6 tháng/1 lần.

Mebendazol không độc nên liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi là giống nhau, mỗi lần tẩy giun chỉ cần uống 1 viên 500mg duy nhất để tẩy các loại giun thông thường. Bạn có thể uống thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày (sáng, trưa hay chiều tối), vào lúc bụng đói hay no.

uong-thuoc-xo-giun-khi-nao-de-dat-hieu-qua-nhat-voh-2

Nên tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần (Nguồn: Internet)

Khi dùng thuốc không phải nhịn ăn. Tuy nhiên, để tránh những tác dụng không mong muốn (mặc dù hiếm gặp) như đau bụng lâm râm, buồn nôn... bạn nên uống sau bữa ăn sáng. Nếu muốn thuốc phát huy tác dụng diệt giun tốt nhất thì nên uống sau bữa ăn tối 2 giờ hoặc vào sáng sớm khi bụng đói.

Thuốc tẩy giun tránh dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và phụ nữ có thai, đặc biệt ba tháng đầu thai kỳ. Do đó, nếu có ý định mang thai cần chủ động tẩy giun trước vài tháng.

Lời khuyên: Để hạn chế việc tái nhiễm giun, bạn cần rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, thức ăn cần chế biến hợp vệ sinh, nấu kỹ và bảo quản tốt. Đặc biệt, không nên ăn những thực phẩm có ruồi đậu vì chúng có thể bám vào phân hay thức ăn nhiễm trứng giun và đậu lên thức ăn sạch. Nếu nhà có trẻ em thì nên thường xuyên rửa đồ chơi của trẻ, không để trẻ bò lê dưới đất.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang news.zing.vn
Những thói quen ăn uống dễ nhiễm giun, sán thường bị bỏ qua: Một số thói quen ăn uống, sinh hoạt có thể gây nhiễm giun sán, nhưng thường bị bỏ qua. 
Tẩy giun định kỳ chưa chắc tẩy được sán lợn?: Việc tẩy giun sán định kỳ có thể hiệu quả trong việc diệt các loại giun thường gặp nhưng nếu không dùng đúng loại thuốc, thì không thể tiêu diệt hết giun sán, đặc biệt là với sán lợn.