Vì sao nói ‘chết ở miệng, bệnh tại chân’?

(VOH) - Các nhà khoa học thống kê, khoảng 30% sức khỏe tác động bởi yếu tố di truyền, 70% do dinh dưỡng và vận động quyết định. Vì thế, để khỏe mạnh, bạn cần chú ý dinh dưỡng và vận động nhiều hơn.

1. Vì sao nói “chết ở miệng”?

Thực tế cho thấy chúng ta cần ăn để sống, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thì cơ thể mới hoạt động một cách bình thường. Thế nhưng, ngày nay có những thói quen ăn uống xấu đã khiến chúng ta mắc phải nhiều bệnh lý nguy hiểm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường,…thậm chí là ung thư. Chính vì thế, người ta thường nói “bệnh từ miệng mà vào”.

vi-sao-noi-chet-o-mieng-benh-tai-chan-voh-1

Ăn uống thiếu khoa học sẽ khiến bạn "rước" bệnh vào người (Nguồn: Internet)

Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), thức ăn hàng ngày của chúng ta thường có 3 nhóm chính là:

1.1 Nhóm 1: Nhóm năng lượng

Bao gồm chất đường bột, chất đạm và chất béo. Chất đường bột thường chiếm khoảng 45 – 50%, chất đạm 20 – 25%, chất béo là 15 – 20% trong chế độ ăn uống. Nếu chế độ ăn của bạn thiên lệch về một chất nào đó sẽ gây ra tình trạng dư thừa chất đó và thiếu chất kia. Nhìn chung, nếu bạn ăn uống không cân đối sẽ gây thừa năng lượng hoặc thiếu năng lượng.

1.2 Nhóm 2: Vi chất dinh dưỡng

Các vi chất dinh dưỡng gồm các axit amin, axit béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ,…Theo bác sĩ Bay, chế độ ăn thiếu chất xơ có thể gây ung thư ruột kết, cơ thể không được thanh lọc, từ đó gây hại cho gan và thận hoặc táo bón kinh niên,…tuy nhiên, thừa chất xơ cũng có thể gây ra một số vấn đề cho sức khỏe.

1.3 Nhóm 3: Các chất phản dinh dưỡng

Các chất sinh ra từ thực phẩm nấm mốc, rau củ muối chua bị hư hỏng, thực phẩm ôi thiu,…Hay những hàng hóa đóng gói có tẩm chất bảo quản, trái cây, rau củ dính thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu,…Tất cả những thực phẩm này đều phản dinh dưỡng, không những không cung cấp dưỡng chất cho cơ thể mà còn gây hại. 

Tóm lại, “chết ở miệng” chính là con đường ăn uống thiếu ý thức và ăn uống “vô tội vạ” không chọn lọc. Việc thừa dư thừa năng lượng có thể gây thừa cân, béo phì, kéo theo đó là nguy cơ tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư,…Tuy nhiên, thiếu năng lượng cũng có thể gây suy kiệt cơ thể, giảm sức đề kháng, vi sinh vật dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. Thiếu vitamin, cơ thể sẽ không hấp thu được nhiều chất, không tham gia vào hệ thống miễn dịch cho cơ thể, không tham gia quá trình tạo máu,…

2. Vì sao nói “bệnh tại chân”?

vi-sao-noi-chet-o-mieng-benh-tai-chan-voh-2

Lười vận động dễ mắc bệnh xương khớp (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Bay cho biết, cơ thể chúng ta được cấu tạo bởi xương, khớp, cơ, bắp thịt…Cơ thể chúng ta phải vận động mỗi ngày thì các cơ, xương, khớp mới có thể dẻo dai và khỏe mạnh. 

Khi vận động, máu huyết sẽ được lưu thông, hút các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng sụn, cấu trúc xung quanh khớp, giúp tim mạch khỏe mạnh, giảm thải bớt năng lượng thừa cho cơ thể,…

Nếu bạn không vận động, mỗi ngày nằm và ngồi yên một chỗ thì sẽ sinh bệnh ngay. Các bệnh gặp nhiều nhất là bệnh xương khớp như viêm khớp, cứng khớp, thoái hóa khớp,…

Như vậy, có thể hiểu “bệnh tại chân” chính là nếu chân không di chuyển mỗi ngày thì sẽ sinh nhiều bệnh tật, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Lời khuyên

Chúng ta cần phải ăn để sống nhưng hãy ăn có chọn lọc và cân bằng chế độ dinh dưỡng mỗi ngày. Hầu hết tất cả các loại thực phẩm đều có những giá trị dinh dưỡng nhất định, vì vậy không ăn thiên lệch về một thực phẩm nào để tránh tình trạng “thiếu này, thừa kia”. Bên cạnh đó, bạn cũng phải vận động mỗi ngày, nó sẽ giúp quá trình chuyển hóa thức ăn được tốt hơn, tránh dư thừa, đồng thời duy trì sức khỏe, đặc biệt là xương, khớp.

Bác sĩ Bay cho biết, hơn 70% sức khỏe do dinh dưỡng và vận động quyết định, thế nhưng cũng có đến 70% khả năng chúng ta có thể tác động để duy trì sức khỏe. Vì vậy, hãy tập thói quen sống khoa học, ăn uống hợp lý và vận động đầy đủ để nâng cao sức khỏe. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: