Vì sao sương mù tại TPHCM dày đặc? Ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

(VOH) –Liên tục 3 ngày qua, nhiều nơi tại TP HCM xuất hiện lớp sương mù dày đặc, ảnh hưởng đến tầm nhìn người tham gia giao thông.

Cùng với hiện tượng này, người dân cảm nhận khóe mắt cay mỗi khi tham gia giao thông trên các tuyến đường.

Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân gây ra tình hình ô nhiễm này là do ảnh hưởng của việc cháy rừng tại Indonesia vừa qua.

 sương mù, TPHCM, sức khỏe

Hình chụp trên đường Nguyễn Hữu Cảnh sáng 22/9. Hình: PN

Trùng thời điểm xuất hiện mù dày đặc, Tổ chức quốc tế giám sát chất lượng không khí AirVisual đã đưa ra cảnh báo mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TP.HCM.

Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 20/9 tại TP.HCM đo được cao nhất là 175 (khu Thảo Điền, Q.2). Chỉ số AQI tại trung tâm Q.1 là 174 và khu vực Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) đạt mốc 166. Ô nhiễm không khí với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 ở mức 102.7 µg/m³. Theo bản đồ trực quan, chỉ số chất lượng không khí tại TP.HCM đang duy trì ở mức màu đỏ, đây là mức thuộc nhóm có hại cho sức khỏe con người.

Cũng theo dự báo của AirVisual, tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM sẽ tiếp tục kéo dài ở mức đỏ, ít nhất cho tới hôm nay (23/9).

Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, cho biết hình thái thời tiết này xuất hiện do nhiều ngày qua TP.HCM xuất hiện mưa nhiều. Lượng hơi ẩm lớn bốc lên thành mù.

Theo ông Quyết, TP.HCM mưa nhiều là do dải hội tụ nhiệt đới đang tồn tại ở Nam Trung Bộ. Chuyên gia này nhận định tới mai lượng mưa sẽ giảm và kéo theo giảm mù.

Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho biết khi hơi nước bám vào hạt nhân ngưng kết (khói, bụi) sẽ tạo ra sương mù, tập trung ở tầng thấp khiến người dân dễ hít phải. Sương mù này có hại cho sức khỏe.

“Ở TP mà xuất hiện sương mù nhiều có nghĩa là mức độ ô nhiễm cao. Đừng cho rằng nó đẹp, lãng mạn mà người dân phải cảnh giác, che chắn kỹ khi ra đường”, bà Lan cảnh báo.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hạn chế ra đường, nhất là vào giờ cao điểm (nồng độ bụi mịn cao do nhiều xe, kẹt xe làm thời gian tiếp xúc dài nên lượng bụi mịn đi vào cơ thể nhiều); hạn chế các hoạt động thể lực, thể thao gần đường giao thông.

Nếu bắt buộc phải ra đường thì nên mang khẩu trang: các loại khẩu trang thông thường đều có khả năng lọc bụi mịn nhưng không cao, nên mang những loại khẩu trang có kích thước lọc nhỏ như N95 (có thể lọc hạt có kích thước 0,45 um).

Bên cạnh đó, cần tăng cường thông thoáng cho khu vực đun nấu, hạn chế đốt nhang, đốt vào những giờ có ít người tiếp xúc, không lựa chọn những nhang có mùi thơm nhiều...

10% trường hợp người bệnh Parkinson khởi phát dưới tuổi 40 Bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng cũng có đến 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới tuổi 40.

 Bác sĩ cảnh báo: Vắt chanh vào miệng hạ sốt là làm hại con Có nhiều cách để hạ sốt cho trẻ, tuy nhiên, cha mẹ có thể “hại con” nếu hạ sốt sai cách, chẳng hạn như vắt chanh vào miệng con.