Viêm khớp phản ứng là bệnh gì, làm sao nhận biết?

(VOH) – Viêm khớp phản ứng là một dạng bệnh có thể gây ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể. Bệnh cần được điều trị sớm để tránh những hệ lụy sức khỏe về sau.

1. Viêm khớp phản ứng là gì?

Viêm khớp phản ứng là dạng viêm khớp vô khuẩn xuất hiện thứ phát sau một nhiễm khuẩn xảy ra ở một cơ quan khác của cơ thể, thường là ở ruột, bộ phận sinh dục, hệ tiêu hóa... Bệnh mang tính hệ thống nên thường gây tổn thương một số cơ quan ngoài khớp như: kết mạc, niệu đạo, đại tràng, cầu thận.

Bệnh viêm khớp phản ứng thường ảnh hưởng đến đầu gối, các khớp mắt cá chân và bàn chân. Tình trạng viêm cũng có thể ảnh hưởng đến mắt, da và niệu đạo.

Trong một số trường hợp, viêm khớp phản ứng cũng được gọi là hội chứng Reiter, mặc dù thuật ngữ này dùng để chỉ chính xác hơn một phân nhóm của viêm khớp phản ứng, cụ thể là những ảnh hưởng liên quan đến khớp, mắt và niệu đạo.

2. Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp phản ứng

Viêm khớp phản ứng phát triển trong phản ứng với nhiễm trùng ở một cơ quan khác của cơ thể (đường tiết niệu, ruột hoặc bộ phận sinh dục). Do đó, một vài loại vi khuẩn được cho là nguyên nhân gây ra viêm khớp phản ứng, nhất là các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục hoặc đường tiêu hóa.

viem-khop-phan-ung-la-gi-lam-sao-nhan-biet-1-voh

Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến đầu gối, các khớp mắt cá chân và bàn chân (Nguồn: Internet)

  • Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thường do Salmonella, Shigella, Yersinia, Campylobacter, Borrelia...
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục thường do Chlamydia Trachomatis.

Một vài trường hợp viêm khớp phản ứng xảy ra ở những bệnh nhân bị lao hệ thống. Và virus cũng được cho là nguyên nhân của viêm khớp phản ứng như virus viêm gan, rubella, parvovirus, HIV...

Viêm khớp phản ứng cũng có thể gặp theo sau các tình trạng viêm đường ruột mãn tính như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng....

Ngoài ra, có khoảng 20% các trường hợp bị viêm khớp phản ứng không tìm được nguyên nhân.

2.1 Con đường lây truyền và đối tượng dễ bị viêm khớp phản ứng

Viêm khớp phản ứng là một trong những bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, các vi khuẩn gây ra bệnh lại có thể lây từ người này sang người khác thông qua đường tình dục hoặc trong thực phẩm bị ô nhiễm.

Những người có nguy cơ cao bị viêm khớp phản ứng thường là nam giới trong độ tuổi từ 20 – 40 tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc phải căn bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.

Những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp phản ứng là:

  • Những người nằm trong độ tuổi từ 20 – 40 tuổi.
  • Phụ nữ và nam giới đều có thể bị viêm khớp phản ứng, nhưng nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn.
  • Trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ bị viêm khớp phản ứng thì bạn cũng có khả năng cao mắc phải căn bệnh này.
  • Những người có kháng nguyên bạch cầu HLA-B27 sẽ có nguy cơ mắc viêm khớp phản ứng cao hơn. Tuy nhiên, nếu bạn không có kháng nguyên này không có nghĩa là bạn không mắc bệnh.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp phản ứng

Triệu chứng viêm khớp phản ứng thường bắt đầu 1 – 3 tuần sau khi cơ thể bạn bị nhiễm trùng. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp đó là:

  • Đau và cứng khớp: Các hiện tượng đau khớp liên quan đến viêm khớp thường xảy ra nhiều nhất ở đầu gối, mắt cá chân, bàn chân. Một số trường hợp có thể bị đau ở gót chân, lưng hoặc mông.
  • Viêm mắt: Người bị viêm khớp phản ứng có thể bị viêm mắt (viêm kết mạc), đỏ, ngứa và nóng mắt.
  • Ngón chân hoặc ngón tay bị sưng: Đôi khi bạn sẽ thấy các ngón chân hoặc ngón tay của bạn bị sưng phồng lên.
  • Vấn đề tiết niệu: Người bị viêm khớp phản ứng có thể làm tăng tần suất và có cảm giác khó chịu khi đi tiểu (nóng bức hoặc cảm giác châm chích khi tiểu tiện). Nam giới có thể gặp tình trạng tiểu mủ vô khuẩn (dương vật chảy ra chất không phải nước tiểu và không chứa vi khuẩn.
  • Các triệu chứng viêm khớp phản ứng khác có thể gặp phải là sốt nhẹ, mệt mỏi, đau gót chân, đau thắt lưng, lở miệng và lưỡi nhưng không đau, nổi mụn nhọt ở đầu dương vật, phát ban ở lòng bàn chân.

viem-khop-phan-ung-la-gi-lam-sao-nhan-biet-voh

Viêm khớp phản ứng có thể gây đau ở gót chân (Nguồn: Internet)

4. Viêm khớp phản ứng có nguy hiểm không?

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm khớp phản ứng có thể kéo dài từ 3 đến 12 tháng. Tuy nhiên, nếu bạn có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh kết hợp với điều trị thì bạn có thể trở về với thói quen bình thường trong vòng 2 – 6 tháng sau sự khởi đầu của viêm khớp phản ứng.

Tuy nhiên, có đến một nửa những người bị viêm khớp phản ứng sẽ bị tái phát trở lại các dấu hiệu và triệu chứng bệnh. Có thể tình trạng tái phát là kết quả của tái nhiễm.

Ngoài ra, có tới 10 - 20% viêm khớp phản ứng là giai đoạn báo hiệu của bệnh viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến - là các bệnh khớp mạn tính ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động khớp, cột sống.

5. Chẩn đoán và điều trị viêm khớp phản ứng như thế nào?

Mức độ nặng nhẹ của bệnh viêm khớp phản ứng rất khác nhau, tiến triển bệnh cấp tính hoặc mãn tính. Và hiện nay cũng chưa có tiêu chuẩn xác định bệnh viêm khớp phản ứng nào được thống nhất, trừ hội chứng Reiter.

Việc chẩn đoán viêm khớp phản ứng chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm tốc độ lắng máu (ESR), kiểm tra dịch (nước tiểu, phân, chất nhầy cổ họng...), chụp X-quang và tiền sử nhiễm khuẩn (chủ yếu là đường tiết niệu – sinh dục, đường tiêu hóa).

Mục tiêu điều trị bệnh viêm khớp phản ứng chủ yếu là giúp làm giảm các triệu chứng và điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào do vi khuẩn tiềm ẩn vẫn có thể có mặt bên trong. Các phương pháp điều trị bao gồm:

5.1 Dùng thuốc kháng sinh và kháng viêm

Các loại thuốc kháng sinh thường dùng để điều trị nhiễm trùng, thuốc kháng viêm không chứa thành phần steroid giúp giảm đau, cứng và sưng khớp.

viem-khop-phan-ung-la-gi-lam-sao-nhan-biet-2-voh

Một trong những phương pháp điều trị viêm khớp phản ứng là dùng thuốc (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp bị viêm khớp phản ứng mãn tính, có thể sẽ cần thêm phương pháp khác để tăng miễn dịch và giảm đau như tiêm cortisone vào khớp.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc nhỏ mắt nếu bạn có triệu chứng nhiễm trùng ở mắt.

5.2 Tập thể dục và vật lý trị liệu

Tập thể dục có thể giúp những người bị viêm khớp phản ứng cải thiện được chức năng khớp. Bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp vật lý phù hợp để phát triển các cơ quanh khớp bị ảnh hưởng, tăng hỗ trợ khớp. Thực hiện đều đặn các bài tập sẽ giúp làm tăng tính linh hoạt các khớp nối và làm giảm độ cứng.

Ngoài ra, để giúp hạn chế diễn tiến của viêm khớp phản ứng, người bệnh cần uống thuốc vài tái khám theo chỉ định bác sĩ; Dùng miếng dán nóng hoặc tắm nước nóng để giúp giảm tình trạng co cứng và đau, dán miếng dán lạnh giúp giảm sưng; Giữ tư thế ngồi, đứng và ngủ đúng cách.

6. Cách phòng ngừa bệnh viêm khớp phản ứng

Yếu tố di truyền đóng vai trò trong việc có khả năng phát triển bệnh viêm khớp phản ứng hay không. Mặc dù không thể thay đổi cấu trúc gen nhưng bạn có thể giảm tiếp xúc các vi khuẩn có khả năng dẫn đến viêm khớp phản ứng.

Đảm bảo thực phẩm được lưu trữ ở nhiệt độ thích hợp và được nấu chín đúng cách. Điều này sẽ giúp tránh được các vi khuẩn truyền qua thực phẩm có thể gây viêm khớp phản ứng, bao gồm cả Salmonella, Yersinia, shigella và campylobacter.

Ngoài ra, thực hiện các biện pháp “quan hệ vợ chồng” an toàn như dùng bao cao su để ngăn chặn bệnh truyền qua đường tình dục.