Viêm mũi xuất tiết ở trẻ em là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

(VOH) – Viêm mũi xuất tiết là một bệnh lý về đường hô hấp thường gặp và khá phổ biến ở trẻ em. Nhận biết được nguyên nhân cũng như dấu hiệu của bệnh sẽ giúp bé yêu sớm vượt qua tình trạng này.

Thời tiết mưa nắng thất thường hay vào những thời điểm chuyển mùa trẻ em rất dễ gặp phải các triệu chứng ho, sổ mũi... Đối với những triệu chứng bình thường, mẹ có thể tự chăm sóc trẻ tại nhà, tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu ho nhiều, trẻ bị khò khè, mũi chảy nước, nhiều đờm thì rất có thể trẻ đã bị viêm mũi xuất tiết. Đây là bệnh lý, mẹ không được chủ quan vì bé có thể gặp phải nhiều biến chứng khó lường nếu không được điều trị.

1. Viêm mũi xuất tiết là bệnh gì?

Viêm mũi xuất tiết (hay còn gọi là viêm mũi xoang xuất tiết, viêm mũi họng xuất tiết) là tình trạng mũi và họng có dịch nhầy, thường xuất hiện trong những trường hợp viêm họng cấp, cảm cúm. Viêm mũi xuất tiết ở trẻ em thường xảy ra ở các bé trai nhiều hơn bé gái.

1.1 Dấu hiệu của bệnh viêm mũi xuất tiết

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm mũi xuất tiết thường xuất hiện trong khoảng từ 5 – 7 ngày. Cũng giống như cảm, sổ mũi thông thường, viêm mũi xuất tiết thường bắt đầu bằng các dấu hiệu như hắt hơi, chảy nước mũi trong. Sau đó, trẻ nhanh chóng bị sưng niêm mạc mũi và bị ngạt mũi, tắc mũi thường xuyên.

viem-mui-xuat-tiet-o-tre-em-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh

Trẻ bị viêm mũi xuất tiết thường xuyên bị ngạt, chảy nước mũi liên tục (Nguồn: Internet)

Một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm mũi xuất tiết là:

  • Ngạt mũi: Bé thường bị ngạt cả hai bên mũi và tình trạng tăng nặng khi thay đổi thời tiết hoặc cơ thể suy yếu.
  • Chảy mũi: Bé bị chảy dịch mũi nhiều, liên tục. Dịch mũi chảy xuống họng khiến bé bị ho kéo dài.
  • Niêm mạc mũi đỏ, sưng: Những bé bị viêm mũi xuất tiết khi khám hoặc nội soi mũi sẽ dễ dàng nhìn thấy phần trong lỗ mũi, cuối cuốn mũi sưng đỏ và to, có tụ nhiều dịch.

1.2 Viêm mũi xuất tiết do nguyên nhân nào gây ra?

Viêm mũi xuất tiết ở trẻ em thường được gây ra bởi các nguyên nhân như:

  • Sự thay đổi bất chợt của thời tiết khiến trẻ không kịp thích ứng, nhất là với những bé có cơ địa kém, dễ bị dị ứng. Đặc biệt là vào giai đoạn giao mùa, thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, hoặc từ lạnh sang nóng đột ngột khiến bệnh dễ bùng phát hơn.
  • Ô nhiễm môi trường, không khí, khói bụi, khói thuốc lá, khí thải công nghiệp, khí thải xe cộ... cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tốc lượng vi khuẩn gây bệnh trong khoang mũi.
  • Ngoài ra, những bé có cơ địa dị ứng, sức đề kháng yếu sẽ dễ bị bệnh “tấn công” hơn những bé có sức khỏe tốt.

2. Phương pháp điều trị viêm mũi xuất tiết

Khi trẻ bị viêm mũi xuất tiết, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám. Sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh bác sĩ sẽ đưa ra một số phương pháp để giúp trẻ giảm nhẹ các triệu chứng và đẩy lùi bệnh một cách nhanh chóng:

  • Vệ sinh khoang mũi: Trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0.9%. Thực hiện liên tục trong khoảng từ 3 – 5 ngày  để các dịch tiết, vi trùng, vi khuẩn chảy hết ra ngoài.
  • Dùng thuốc trị viêm mũi xuất tiết: Khi tình trạng nặng, bác sĩ sẽ chỉ định việc dùng thuốc co mạch và giảm xuất tiết, thuốc làm khô niêm mạc và thuốc chống viêm mũi xoang xuất tiết.

viem-mui-xuat-tiet-o-tre-em-la-gi-co-nguy-hiem-khong-1-voh

Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách vệ sinh mũi để giảm nhẹ trị chứng của bệnh (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Cha mẹ không được tự ý cho trẻ dùng thuốc khi không có đơn thuốc từ bác sĩ. Không nên dùng kháng sinh cho trẻ vì bệnh viêm mũi xuất tiết không cần dùng đến kháng sinh.

Ngoài ra, trong một số trường hợp bác sĩ có thể sẽ chỉ định bệnh nhi thực hiện thêm một số phương pháp trị viêm mũi xuất tiết như:

  • Dùng khí dung
  • Chiếu tia sóng ngắn vào vùng mũi
  • Điện di dung dịch Novocain 5%
  • Đốt cuốn mũi dưới bằng côte điện.

2.1 Các biến chứng trẻ có thể gặp khi bị viêm mũi xuất tiết

Viêm mũi xuất tiết nếu không được điều trị, có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác như: viêm mũi, họng, viêm xoang. Nghiêm trọng hơn, tình trạng có thể gây giảm thị lực và bệnh viêm tai giữa.

3. Phòng tránh viêm mũi xuất tiết cho trẻ bằng cách nào?

Cha mẹ có thể chủ động phòng ngừa bệnh viêm mũi xuất tiết cho trẻ bằng những cách đơn giản sau:

  • Đeo khẩu trang: Nên tập cho trẻ thói quen đeo khẩu trang khi đi ra đường, nhất là vào những thời điểm buổi sáng sớm và buổi chiều. Cho bé mặc áo tay dài đủ ấm.
  • Tăng sức đề kháng cho trẻ: Cho bé ăn nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho con.
  • Vệ sinh mũi cho trẻ: Khi bé tiếp xúc với những nguồn không khí ô nhiễm, nhiều khói bụi trên đường đi học, đi chơi... cha mẹ có thể nhỏ vài giọt nước nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi của trẻ để giúp làm sạch mũi cho bé. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết cách xì mũi, hỉ mũi thì cha mẹ có thể dùng giấy mềm, quấn thành bấc loa kèn để nhẹ nhàng làm sạch phía trong mũi cho con.