Viêm phế quản mãn tính chữa như thế nào là hiệu quả nhất?

(VOH) - Viêm phế quản mãn tính là căn bệnh vô cùng khó chịu bởi những triệu chứng như ho, khạc đờm kéo dài dai dẳng. Vậy liệu viêm phế quản mãn tính có cách chữa dứt điểm hay không?

Trong chương trình Phòng mạch FM, PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã chia sẻ những thông tin cần biết về căn bệnh viêm phế quản mãn tính để mọi người cùng nhận biết sớm và điều trị kịp thời, đúng cách.

1. Viêm phế quản mãn tính là gì?

Bác sĩ Bay cho biết, thuật ngữ phế quản có thể hiểu như sau: quản là một cái ống, phế là phổi, khi chúng ta thở, hơi thở từ mũi đến hầu họng, rồi đi qua thanh quản, vào phế quản và đến tận cùng là phế nang ở trong nhu mô phổi.

Phế quản được chia thành nhiều nhánh gồm phế quản chính, phế quản lớn và phế quản nhỏ (tiểu phế quản). Khi niêm mạc của ống phế quản bị tổn thương, xuất tiết dịch sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm và tình trạng này người ta gọi là viêm phế quản.

Viêm phế quản có thể cấp tính hoặc mãn tính và tình trạng viêm phế quản mãn tính được hiểu là tình trạng viêm kéo dài dai dẳng, cụ thể là viêm phế quản kéo dài liên tục 3 tháng trong một năm và 2 năm liên tiếp.

viem-phe-quan-man-tinh-chua-nhu-the-nao-la-hieu-qua-nhat-voh

Ống phế quản bị viêm làm tăng dịch nhầy (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính

Theo bác sĩ Bay, viêm phế quản cấp tính không được điều trị đúng cách và dứt điểm, bệnh tái đi tái lại nhiều lần là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm phế quản mãn tính.

Viêm phế quản mãn tính có thể bị kích thích và gây ra các triệu chứng khi người bệnh tiếp xúc với những yếu tố sau đây:

  • Thời tiết lạnh.
  • Hút thuốc lá và hít khói thuốc lá (có đến 90% bệnh nhân viêm phế quản mãn tính có hút thuốc lá).
  • Hít khói bụi ngoài môi trường.
  • Tiếp xúc thường xuyên với môi trường bụi, khói tại nơi làm việc.

Khi tình trạng viêm phế quản cấp tính tái đi tái lại, niêm mạc của ống phế quản cứ xuất tiết ra đờm do tiếp xúc với các yếu tố trên, phế quản bị kích thích liên tục như vậy sẽ đưa đến tình trạng viêm phế quản mãn tính.

3. Triệu chứng viêm phế quản mãn tính

Theo như bác sĩ Bay chia sẻ thì viêm phế quản mãn tính thường xuất hiện những triệu chứng sau đây:

  • Ho: Người bệnh bị ho có đờm kéo dài 2 – 3 tháng liên tiếp, không kèm theo sốt hay ho khan. Mỗi khi thời tiết chuyển lạnh thì cơn ho càng đến nhiều hơn.
  • Xuất tiết đờm: Đờm (hay còn gọi là đàm) là “sản vật bệnh lý” được tạo ra bởi xác vi khuẩn, bạch cầu và chất dịch tiết ra trong niêm mạc lồng phế quản. Đờm ở người bệnh viêm phế quản thường có màu trắng trong hoặc trắng đục.

Nhìn chung, ho và khạc đờm là triệu chứng điển hình nhất của bệnh viêm phế quản mãn tính. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng khá giống với các bệnh lý đường hô hấp khác như lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản,…Vì vậy, bác sĩ Bay đã hướng dẫn phân biệt bằng cách dựa vào triệu chứng đi kèm của bệnh cũng như tính chất của cơn ho và màu sắc của đờm. Cụ thể là: 

Bệnh lý

Tính chất của cơn ho và đờm

Viêm phế quản mãn tính

Ho có đờm, kéo dài 2 – 3 tháng. Ít ho khan hoặc bị sốt

Đờm có màu trắng trong hoặc trắng đục

Viêm phế quản cấp tính

Ho khan 1 – 2 ngày đầu. Sau đó ho có đờm. Ho kèm theo sốt.

Đờm có màu trắng đục, xanh, vàng, hoặc thậm chí đờm màu đen.

Bệnh ho lao

Ho khan, kho có đờm, đôi khi có lẫn máu.

Ho kèm theo sốt, sụt cân.

Giãn phế quản

Ho có đờm, người bệnh khạc ra đờm với số lượng lớn.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Ho có đờm, người bệnh khạc ra đờm với số lượng lớn.

4. Viêm phế quản mãn tính điều trị dứt điểm được không?

Cũng theo bác sĩ Bay, viêm phế quản mãn tính rất khó chữa trị. Khi chẩn đoán viêm phế quản mạn tính thông thường bác sĩ sẽ không chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Để điều trị viêm phế quản mãn tính có hiệu quả thì người bệnh cần phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời kết hợp với lối sống, sinh hoạt khoa học và ăn uống hợp lý.

viem-phe-quan-man-tinh-chua-nhu-the-nao-la-hieu-qua-nhat-voh

Khi bị ho kéo dài thì nên đi khám để xem có bị viêm phế quản mãn tính hay không? (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, để điều trị tận gốc viêm phế quản mãn tính cần phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh, đó là thuốc lá, khói bụi, môi trường lạnh,…

Nhìn chung, việc điều trị viêm phế quản mãn tính vẫn có thể sử dụng các thuốc điều trị ho để giúp giảm ho, nhưng quan trọng nhất là loại bỏ hoặc tránh xa các yếu tố nguy cơ, các nguyên nhân gây bệnh.

Dưới đây là một số lời khuyên mà bác sĩ Bay dành cho những ai đang mắc bệnh viêm phế quản mãn tính:

  • Hãy tránh xa khói thuốc lá, bỏ hút thuốc lá.
  • Luôn giữ ấm cơ thể, uống nước ấm thay cho nước lạnh.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra đường, sử dụng đồ bảo hộ nếu làm việc trong môi trường nhiều khói bụi.
  • Ăn uống lành mạnh để tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch.

5. Vai trò của Đông y trong điều trị viêm phế quản mãn tính

Bác sĩ Bay cho biết, đối với các bệnh mãn tính thì y học cổ truyền có vai trò rất quan trọng và đạt hiệu quả cao mặc dù việc nghiên cứu, đánh giá chưa nhiều.

Thông qua các kinh nghiệm điều trị, người ta thấy rằng một số bệnh mãn tính, trong đó có viêm phế quản mãn tính mà áp dụng các biện pháp của y học cổ truyền đã mang lại hiệu quả nhất định. Các biện pháp y học cổ truyền không dùng thuốc trong điều trị viêm phế quản mãn tính bao gồm:

  • Tập dưỡng sinh giúp cơ thể được thư giãn, dễ thở.
  • Xoa bóp, bấm huyệt góp phần tăng sức đề kháng, giúp trao đổi khí khi người bệnh lên cơn ho.
  • Tập thở đúng, vỗ lưng giúp tăng cường oxy, tăng thông khí.
  • Châm cứu giúp giảm ho.

Ngoài ra, trong Đông y cũng có một số dược liệu giúp giảm ho, long đờm, tiêu viêm như thiên môn, mạch môn, tang bì, tang diệp, hạnh nhân, cát cánh, trần bì, bạc hà, tô tử (tía tô),…Do đó, người bệnh viêm phế quản mạn tính có thể đến gặp thầy thuốc để được tư vấn và sử dụng các loại thuốc Đông y đúng cách.