Xông lá trầu chữa bệnh có thật sự an toàn?

(VOH) – Xông lá trầu được biết đến như một phương thuốc dân gian để chữa các bệnh viêm loét, phụ khoa.... Thế nhưng, thực tế việc dùng lá trầu để xông có thật sự tốt và an toàn?

Cây trầu không được trồng nhiều khắp nơi ở nước ta để lấy lá ăn trầu hoặc dùng trong các mâm sính lễ cưới hỏi... Ngoài ra, nó còn được xem là một dược liệu để chữa nhiều căn bệnh.

Theo y học cổ truyền, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn. Còn với nghiên cứu y học hiện đại, trong 100g lá trầu không chứa tới 2.4% tinh dầu. Các thành phần chính của tinh dầu trầu không có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ... và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng nấm.

Chính vì những đặc tính trên nên trong dân gian đã sử dụng lá trầu không để chữa bệnh, một trong những cách thông dụng nhất là xông lá trầu.

1. Xông lá trầu có tác dụng gì?

Có rất nhiều cách chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian và xông lá trầu là một trong những cách chữa được rất nhiều người áp dụng. Nhiều người xông lá trầu vùng kín để chữa bệnh phụ khoa, có người xông lá trầu ở hậu môn để chữa bệnh trĩ, thậm chí một số người còn xông mắt bằng lá trầu không để chữa đau mắt đỏ,...

xong-la-trau-co-tac-dung-gi-voh

Xông lá trầu chữa bệnh phụ khoa là phương pháp chữa bệnh dân gian chưa được kiểm chứng (Nguồn: Internet)

Thế nhưng, theo bác sĩ Lê Huy Tuấn – Chuyên khoa sản, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh Hà Nội, mặc dù không phải tất cả các cách trị bệnh bằng phương pháp dân gian đều sai, tuy nhiên, với việc xông lá trầu thì mọi người không nên áp dụng, bởi cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào cho thấy việc xông lá trầu vào vùng kín, hậu môn, mắt... có thể chữa khỏi được bệnh và cũng không hiệu quả.

Ngoài ra, bác sĩ Phạm Ngọc Đông – Phó Trưởng khoa Kết giác mạc, BV Mắt Trung ương cho biết, người bệnh không nên xông lá trầu khi bị bệnh đau mắt đỏ. Bởi khi mắt đang bị tổn thương, các tế bào tại mắt đang yếu nếu tiếp xúc với nước nóng và tinh dầu lá trầu không có thể gây ra bỏng mắt và làm tổn thương giác mạc như trợt giác mạc, xuất huyết dưới kết mạc, sưng nề...

Như vậy, chúng ta không phủ nhận những tác dụng của lá trầu không đối sức khỏe con người, tuy nhiên việc xông lá trầu để chữa bệnh các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt đỏ,... vẫn cần được cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện, bởi đây là những kinh nghiệm dân gian chưa được khoa học kiểm chứng. Cách tốt nhất để thoát khỏi những căn bệnh này vẫn là nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị an toàn.