‘Gỡ rối’ thắc mắc quả núc nác có tác dụng gì qua 9 bài thuốc Đông y

(VOH) - Quả núc nác là vị thuốc mọc hoang ở nhiều vùng núi nước ta. Vị thuốc này có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống dị ứng và làm giảm tính thấm của các màng mao mạch.

Quả núc nác có vị đắng tính mát nên trong Đông y dược liệu này mang lại nhiều tác dụng trị bệnh bất ngờ. Vậy quả núc nác có tác dụng gì và cách sử dụng như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây.

1. Tìm hiểu chung về núc nác

Núc nác hay còn gọi nam hoàng bá, hoàng bá nam, mộc hồ điệp, ngọc hồ điệp, vân cố chỉ, bạch ngọc chỉ (tên khoa học: Oroxylum indicum) là một loài thực vật có hoa trong họ Chùm ớt (Bignoniaceae). Loại cây này thường mọc hoang ở miền núi, nhiều nơi còn dùng làm cảnh. 

Cây cao từ 7 - 10 m, thân nhẵn ít phân nhánh, có nhiều sẹo lá, vỏ màu xám, bẻ ra có màu vàng. Lá có dạng kép lông chim hai lần, dài tới 1.5m. Hoa màu đỏ tím to, mọc thành chùm ở đầu cành. Quả núc nác nang to, dẹp, dài tới 80cm, rộng 5 - 7 cm. Hạt dẹt có cánh mỏng màu trắng ngà.

go-roi-thac-mac-qua-nuc-nac-co-tac-dung-gi-qua-9-bai-thuoc-dong-y-voh-1
Quả núc nác nang to, dài 80cm và dẹp (Nguồn:Internet)

2. Thành phần dinh dưỡng có trong quả núc nác

Trong quả núc nác có chứa có thành phần như nước, protein, glucid, chất xơ, tro, caroten và vitamin C. Tài liệu gần đây cho biết, trong vỏ cây núc nác có một hỗn hợp flavonoid, hai chất chủ yếu là baicalein và oroxylin, tác dụng chống choáng phản vệ, chống viêm dị ứng, điều trị vẩy nến, hen phế quản trẻ em,...

3. Quả núc nác có tác dụng gì? 

3.1 Trị các chứng vàng da, dị ứng mẩn ngứa, sởi, viêm họng, ho khan, đau dạ dày, lỵ, viêm đường tiết niệu, tiểu tiện ra máu, tiểu buốt

Để điều trị các bệnh trên, bạn có thể tham khảo về bài thuốc từ núc nác. Bạn dùng 8-16g vỏ thân hoặc vỏ rễ núc nác, đem sắc uống. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng bài thuốc này làm nước ngâm rửa đều tốt. 

3.2 Trị dị ứng, nổi mụn mẩn ngứa

Bài thuốc từ núc nác sau đây giúp trị dị ứng, mẩn ngứa rất hiệu quả. Bạn cần chuẩn bị vỏ núc nác, sài đất, sâm đại hành đồng lượng nấu thành cao đặc, thoa vào nơi bị bệnh là được. Một lưu ý khi sử dụng phương pháp này là bạn phải đảm bảo rửa sạch các vết ngứa bằng nước đun sôi để hơi ấm hay nước muối loãng và lau khô trước khi thoa lên.

3.3 Trị hắc lào, nấm da

Tác dụng của núc nác còn có công hiệu trong việc điều trị hắc lào. Đầu tiên, bạn cần rửa sạch chỗ hắc lào bằng nước sôi để hơi ấm hoặc nước muối 0,9%, rồi lau khô. Tiếp theo, bạn cắt ngang một quả chuối còn xanh (loại chuối cơm hoặc chuối tây), chà nhẹ mặt cắt quả chuối vào chỗ bị hắc lào nhiều lần. Sau đó, bạn đem vỏ tươi núc nác cạo bỏ lớp vỏ bần màu xám bên ngoài, thái nhỏ, giã nát, vắt lấy dịch, rồi chấm nhiều lần vào nơi bị bệnh. Bạn sử dụng bài thuốc này 2-3 lần/ngày.

3.4 Trị tổ đỉa, giang mai lở loét

Hỗ trợ điều trị tổ đỉa, giang mai lở loét từ bài thuốc núc nác sẽ mang đến công hiệu rõ rệt. Bạn sử dụng 30g vỏ núc nác và 30g thổ phục linh, đem sắc uống ngày 1 thang. Bạn sử dụng bài thuốc này từ 3 - 4 tuần, nghỉ 1 tuần rồi uống liệu trình mới. Ngoài ra, bạn có thể dùng 30g vỏ núc nác, 30g rễ khổ sâm, 50g quả ké đầu ngựa, 50g thổ phục linh, 50g hạ khô thảo, 20g sinh địa và 15g chi tử. Tất cả tán thành bột mịn, làm hoàn, mỗi ngày uống 3 lần trước bữa ăn 1 giờ.

go-roi-thac-mac-qua-nuc-nac-co-tac-dung-gi-qua-9-bai-thuoc-dong-y-voh-2
Tác dụng của núc nác giúp trị tổ đỉa, giang mai hiệu quả (Nguồn:Internet)

3.5 Trị mẩn ngứa ở trẻ em

Bên cạnh đó, tác dụng của núc nác còn có công hiệu trị mẩn ngứa ở trẻ nhỏ. Bạn chỉ cần lấy 100g vỏ núc nác, 50g hạt xà sàng, đem sắc nước rồi dùng rửa ở nơi ngứa lở. Bài thuốc này sử dụng mỗi ngày 1 lần, làm liên tục 3-4 ngày. Để tăng hiệu quả trị liệu, bạn có thể dùng thêm 15g vỏ núc nác, 15g thổ phục linh, 15g ké đầu ngựa, 15g cam thảo dây, 20g kim ngân hoa, 20g sinh địa. Tất cả đem sắc uống 3 lần/ngày trước bữa ăn 1 giờ.

3.6 Trị viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu ra máu

Để hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu ra máu, bạn có thể sử dụng bài thuốc từ núc nác. Bạn cần chuẩn bị vỏ núc nác, cây mã đề, rễ cỏ tranh (nếu tiểu ra máu thì sao đen), đem sắc uống ngày 1 thang và sử dụng liên tục 5-7 thang, bệnh sẽ thuyên giảm.

3.7 Trị đại tràng thực nhiệt gây táo bón

Người bị mắc chứng táo bón cũng có thể sử dụng bài thuốc từ núc nác. Bạn sử dụng 15g vỏ núc nác và 15g lá cối xay. Tất cả đem sắc uống mỗi ngày 1 thang và sử dụng bài thuốc này liên tục vài ngày.

3.8 Trị chứng kiết lỵ, đau dạ dày ợ chua, ợ hơi

Ngoài ra, tác dụng của núc nác còn giúp trị chứng kiết lỵ, ợ chua rất hiệu quả. Bạn cần dùng hạt núc nác đã sao vàng rồi tán thành bột mịn, ngày uống 10-16g, chia 2 làm lần trước bữa ăn 1 giờ.

3.9 Trị viêm phế quản, ho lâu ngày

Để trị viêm phế quản hiệu quả, bạn nên sử dụng bài thuốc từ núc nác. Bạn cần chuẩn bị 10g hạt núc nác nấu với 30g đường phèn. Tất cả đem sắc uống, mỗi ngày 3 lần và sử dụng trước bữa ăn 1 giờ. Nếu ho, họng đau, mất tiếng, bạn cũng có thể dùng 12g hạt núc nác, 12g khoản đông hoa và 12g tang bạch bì, đem sắc uống mỗi ngày 3 lần trước bữa ăn 1 giờ.

Lưu ý: 

  • Núc nác tính hàn nên không được dùng cho người tỳ vị hư hàn, người mắc chứng đầy bụng, đi ngoài phân lỏng, đau bụng tiêu chảy.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cảm lạnh gây ho, nóng sốt, chảy nước mũi cũng nên hạn chế dùng.
  • Núc nác là dược liệu được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh nên tham khảo ý kiến với bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi sử dụng.

Bài viết trên đây đã giúp bạn tìm hiểu quả núc nác có tác dụng gì cũng như cách sử dụng và lưu ý khi sử dụng dược liệu này. Mong rằng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích để bạn có thể sử dụng vị thuốc đúng cách, an toàn và tốt cho sức khỏe.