5 nguyên nhân khiến trẻ bị ho khan và biện pháp khắc phục

(VOH) – Ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể để tống xuất đờm nhớt ra bên ngoài, giúp đường thở được thông thoáng hơn. Tuy nhiên, nếu trẻ bị ho khan thì đó lại là 1 vấn đề khác mà cha mẹ cần quan tâm.

Trẻ nhỏ rất dễ mắc phải các bệnh lý về đường hô hấp và có thể bị ho khan cả ngày lẫn đêm. Việc hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị sẽ giúp bé đối phó hiệu quả với tình trạng này.

1. Trẻ bị ho khan là như thế nào?

Ho khan là một kiểu ho tạo ra ít hoặc không chất nhầy (đờm). Thông thường, trẻ bị ho khan là do nhiễm virus cảm cúm dẫn đến kích thích dây thần kinh trong họng.

Ho khan là bệnh lý đường hô hấp do những ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài hoặc nội tố bên trong tác động. Có thể gặp ở nhiều độ tuổi nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc phải nhất. Trường hợp đặc biệt thì trẻ sơ sinh mới chỉ vài tuần tuổi cũng có thể bị.

5-nguyen-nhan-khien-tre-bi-ho-khan-va-bien-phap-khac-phuc-voh

Nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng ho khan ở trẻ em (Nguồn: Internet)

2. Những nguyên nhân bé bị ho khan

Trẻ ho khan có rất nhiều nguyên nhân gây ra như:

  • Trẻ nhiễm virus: Phần lớn trẻ ho khan nhiều là do nhiễm virus. Trẻ bị ho khan do nhiễm virus có thể bị ho khi bắt đầu mắc bệnh, ở giữa hoặc cuối của giai đoạn nhiễm bệnh. Thậm chí tình trạng ho có thể kéo dài sau khi các triệu chứng khác đã hết.
  • Chảy dịch mũi sau: Khi chất nhầy dư thừa hình thành trong khoang mũi của bé nhỏ xuống phía sau cổ họng. Theo thời gian, chúng sẽ kích thích dây thần kinh phía sau cổ họng và gây ho khan.
  • Ô nhiễm không khí: Các chất gây ô nhiễm trong không khí cũng có thể gây ra tình trạng ho khan ở trẻ em, nếu như bé sống và tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm.
  • Do thời tiết: Thời tiết giao mùa, nhất là khi trời lạnh khiến cổ họng trẻ bị khô, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, cộng với sức đề kháng kém sẽ khiến trẻ dễ mắc chứng ho khan.
  • Do mắc các bệnh đường hô hấp: Khi bị viêm phế quản, bé thường có biểu hiện là ho (có thể ho khan hoặc ho có đờm). Đây là cơ chế bình thường khi cơ thể của con đang chống lại bệnh tật. Ho cũng thường là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và bệnh hen suyễn.

3. Có thể trị ho khan cho trẻ bằng cách nào?

Khi trẻ bị ho khan, cha mẹ có thể áp dụng một số cách sau đây để giúp bé giảm ho:

3.1 Cho trẻ uống đủ nước

Một trong những cách hiệu quả làm giảm triệu chứng ho khan ở trẻ là giúp bé cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Việc bổ sung đủ nước sẽ giúp bé hạn chế được các bệnh do mất nước, giúp dưỡng ẩm và làm dịu cơ đau, ngứa cổ họng.

3.2 Đảm bảo độ ẩm cho mũi họng của bé

Đảm bảo đủ độ ẩm cho cổ họng và mũi của bé sẽ giúp bé giảm ho tạm thời. Mẹ có thể sử dụng máy xông mũi họng hoặc sử dụng phòng tắm hơi để cung cấp độ ẩm cho mũi họng của bé.

3.3 Có chế độ ăn uống phù hợp

5-nguyen-nhan-khien-tre-bi-ho-khan-va-bien-phap-khac-phuc-1-voh

Các loại thức ăn lỏng như cháo hoặc súp sẽ giúp trẻ dễ ăn và dễ hấp thu hơn (Nguồn: Internet)

Đối với trẻ bị ho khan, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ nâng cao sức đề kháng để chống lại virus và các tác nhân gây bệnh. Thời điểm này mẹ có thể cho bé ăn súp hoặc cháo loãng để trẻ dễ ăn và cũng dễ hấp thu.

3.4 Sử dụng thuốc trị ho và một số tinh dầu thiên nhiên

Với những trẻ lớn, mẹ đã có thể điều trị tình trạng trẻ bị ho khan bằng thuốc. Tuy nhiên, những trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi) thì không nên dùng thuốc ho dạng viên nén vì có thể gây nghẹt đường thở rất nguy hiểm. Mẹ có thể đưa bé thăm khám bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.

Ngoài ra, một số loại tinh dầu như tinh dầu bạc hà, tinh dầu bạch đàn... cũng có thể giúp làm giảm tình trạng ho khan ở trẻ.

3.5 Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị ho khan mẹ nên cho bé bú nhiều hơn. Nếu tình trạng không giảm, cách tốt nhất là đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn. Không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định.

Ngoài ra, một số kinh nghiệm dân gian cho rằng, thêm tỏi vào trong những món ăn của trẻ lớn cũng có thể giúp bé giảm ho khan, do tỏi có tác dụng nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Hoặc cho bé ngậm một thìa cafe mật ong cũng có tác dụng tương tự. Tuy nhiên, với mẹo dùng mật ong thì không sử dụng với bé dưới 1 tuổi vì mật ong có chứa bào tử vi khuẩn botulinum gây ngộ độc.

Điều quan trọng nhất khi trẻ bị ho khan là cha mẹ cần chú ý đến những sự thay đổi sức khỏe hàng ngày của con. Nếu trẻ có những tiến triển xấu thì tốt nhất là đưa bé đi thăm khám để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn những biện pháp điều trị kịp thời.