8 cách giảm đau cho trẻ sau khi tiêm phòng

(VOH) – Tiêm phòng là cách tốt nhất giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến. Nếu bé bị đau sau tiêm, mẹ có thể áp dụng các cách giảm đau cho trẻ sau khi tiêm phòng dưới đây.

Theo lịch tiêm phòng cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mỗi bé sẽ phải tiêm hơn 10 mũi, nếu tiêm thêm dịch vụ số lượng từ 20 mũi trở lên trước khi bé tròn 2 tuổi. Đó là lý do vì sao nhiều mẹ muốn tìm cách giảm đau cho bé sau khi tiêm phòng.

1. Tại sao ba mẹ lại quan tâm giảm đau cho trẻ sau khi tiêm phòng?

Sau khi tiêm phòng trẻ sẽ bị đau ở chỗ tiêm, nhiều ba mẹ sẽ muốn giảm đau cho trẻ sau khi tiêm. 3 lý do quan trọng mẹ cần nhớ khi cho trẻ đi tiêm:

  • Tiêm phòng cho trẻ em là việc thiết yếu giúp bé ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh.
  • Khi tiêm sẽ tạo cảm giác đau giúp phát triển nỗi sợ hãi của bé đối với bác sĩ, y tá và kim tiêm.
  • Các bậc cha mẹ thường thương yêu con không kiềm lòng khi chứng kiến bé chịu đau, phản ứng phụ sau khi tiêm nên thường trĩ hoãn việc tiêm phòng.

2. Hướng dẫn 8 cách giảm đau cho trẻ sau khi tiêm phòng

Thực tế, phản ứng sau tiêm vacxin thường gặp nhất là sốt, đau và sưng nóng quanh vị trí tiêm. Vì đau nên trẻ sẽ quấy khóc và có thể bỏ bú, ăn kém. Tuy nhiên, tình trạng này nếu có cũng chỉ kéo dài 1 - 2 ngày nên cha mẹ không nên quá lo lắng.

Để giúp giảm đau cho bé sau khi tiêm phòng các mẹ có thể áp dụng các cách đơn giản sau đây:

2.1 Bế hoặc ôm trẻ

Mẹ nên bế trẻ hoặc ôm trẻ ở tư thế đứng, giữ bé dịu dàng trước, trong và sau tiêm. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy an toàn và dễ chịu hơn.

2.2 Cho trẻ bú

Cho trẻ bú có thể giúp trẻ giảm đau khi tiêm chủng. Những bé được bú mẹ trong khi tiêm vắc-xin sẽ ít khóc hơn so với những bé không được bú. Việc trẻ tập trung bú mẹ trong khi tiêm sẽ giúp trẻ quên đi cơn đi cơn đau nhanh chóng.

7-cach-giam-dau-cho-be-sau-khi-tiem-phong-voh

Cho trẻ bú sau khi tiêm là cách giúp trẻ giảm đau khi tiêm ngừa (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng, mẹ nên cho trẻ bú sau khi đã tiêm xong như một sự trấn an, bởi nếu bú trước, rất có thể, bé sẽ nôn trớ trong quá trình tiêm chủng.

1.3 Thêm một chút đường

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, đường có thể giúp giảm cảm giác đau nhói khi tiêm vắc-xin, đặc biệt hữu ích đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Vì thế, mẹ có thể thử cho trẻ uống một chút nước đường trước khi tiêm hoặc nhúng núm vú giả vào dung dịch nước đường để trẻ ngậm trong khi tiêm chủng.

2.4 Phân tán sự chú ý của trẻ

Phân tán sự chú ý của trẻ là một trong những cách giảm đau cho trẻ trong khi tiêm phòng rất hiệu quả. Để giúp trẻ không khóc sau khi tiêm chủng, mẹ hãy mang theo một số đồ vật mà bé thích thú có thể thu hút sự chú ý của trẻ như trái bóng, thứ đồ chơi yêu thích của bé hay một loại đồ chơi có thể tạo ra âm thanh...

Ngoài ra, việc cho bé xem tivi cũng có thể giúp bé quên đi cơn đau.

7-cach-giam-dau-cho-be-sau-khi-tiem-phong-2-voh

Phân tán sự chú ý của trẻ cũng là cách để bé ít chú ý hơn vào mũi tiêm (Nguồn: Internet)

Với trẻ lớn hơn, mẹ hãy nói chuyện với bé, chỉ cho bé thấy một vài chi tiết xung quanh hoặc kể cho bé một vài chuyện đùa... để bé ít chú ý hơn vào mũi tiêm.

2.5 Xoa lên da của trẻ

Một cách giảm đau cho trẻ sau khi tiêm là xoa lên vùng da xung quanh chỗ tiêm nhưng tuyệt đối không xoa trực tiếp lên vết tiêm của trẻ. Việc massage nhẹ nhàng có thể giúp trẻ thư giãn và giảm cảm giác đau do việc tiêm chủng gây ra.

2.6 Tiêm các mũi tiêm phối hợp

Vắc-xin phòng nhiều bệnh khác nhau có thể được phối hợp trong cùng 1 mũi tiêm, chẳng hạn như vacxin 5 trong 1, hay vacxin 6 trong 1 để giảm số lần tiêm cho trẻ, từ đó giúp trẻ giảm bớt đau khi tiêm chủng. Mẹ có thể trao đổi với bác sĩ về việc tiêm các loại vắc-xin phối hợp thay vì các mũi tiêm đơn thông thường.

2.7 Giữ bình tĩnh

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành vi của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến khoảng 50% cảm xúc của trẻ khi đi tiêm. Vì thế, hãy thư giãn bởi trẻ chỉ cảm thấy đau vì tiêm chủng trong một vài phút, nhưng sự bảo vệ do tiêm chủng đem lại cho trẻ sẽ kéo dài một vài năm thậm chí cả đời.

2.8 Sử dụng gel hoặc kem gây tê

Các loại kem bôi ngoài da khi tiêm chỉ có tác dụng giảm đau trong vòng 1 tiếng. Một số loại gel hoặc kem có tác dụng mát da, giảm đau sau khi tiêm ngừa. Tuy nhiên cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại gel hoặc kem gây tê trước khi sử dụng cho bé.

3. Cách giảm đau khi vết chích ngừa bị sưng

Một số trẻ sau khi tiêm phòng, ngay tại chỗ tiêm bị sưng to, nổi cục khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, đây là một hiện tượng bình thường bởi một số trẻ có cơ địa quá nhạy cảm sẽ xuất hiện hiện tượng da bị sưng đỏ, nổi cục cứng. Việc này thường kéo dài từ 6 – 8 tiếng.

Để giảm đau, mẹ có thể chườm lạnh cho bé trong vài phút. Trong trường hợp vết tiêm sưng to, xuất hiện hạch sưng kéo dài nhiều tuần thì mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế.

Trẻ cũng có thể bị sốt nhẹ khoảng 38 độ C và kéo dài từ 1 - 2 ngày. Vì thế, mẹ cần lưu ý đến một số cách chăm sóc bé chích ngừa bị sốt như mặc quần áo thoáng mát, uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ...

7-cach-giam-dau-cho-be-sau-khi-tiem-phong-1-voh

Vết tiêm cho trẻ sơ sinh thường được thực hiện ở bắp tay, bắp đùi hoặc mông (Nguồn: Internet)

4. Cách giảm đau sau khi tiêm bắp

Các vết tiêm cho trẻ sơ sinh có thể được thực hiện ở bắp tay, bắp đùi hoặc mông. Với trẻ dưới 1 tuổi, vị trí thích hợp nhất được xác định là tại bắp đùi – nơi có rất nhiều mô và không có dây thần kinh chính nào đi qua.

Và cách giảm đau sau khi tiêm bắp cho bé cũng tư tương tự như khi vết đau bị sưng, tấy đỏ.

5. Một số lưu ý mẹ cần nhớ sau khi bé đã tiêm phòng

Sau khi tiêm, mẹ cần nhớ:

  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn (đối với trẻ trên 6 tháng tuổi).
  • Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt trên 38.5 độ C, quấy khóc.
  • Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ.
  • Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
  • Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.

Trẻ em cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở y tế tiêm chủng. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như: nôn trớ, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ.... cần báo ngay với nhân viên y tế gần nhất.

Trong các trường hợp trẻ phản ứng nặng sau tiêm như sốt cao kèm theo co giật, tím tái, khó thở hoặc có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy gan cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm là rất hiếm xảy ra.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái