Lá lốt có tác dụng gì trong điều trị bệnh mà nhiều người chưa biết?

(VOH) – Lá lốt thường được dùng phổ biến như các loại rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài ra, trong Đông y còn dùng lá lốt để chữa nhiều bệnh lý. Vậy lá lốt có tác dụng gì cho sức khỏe?

Lá lốt là loại rau rất quen thuộc, có thể bạn ăn thường xuyên nhưng không biết rằng nó có thể mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

1. Lá lốt là lá gì?

Lá lốt có tên khoa học là Piper sarmentosum, thuộc họ Hồ tiêu. Một số nơi tại miền Nam còn gọi lá lốt là “lá lốp”.

Lá lốt là cây thân thảo đa niên, sinh trưởng ở những nơi có bóng râm, mát hay những nơi có ánh nắng không quá chói chang. Cây cao trung bình từ 30 – 40cm, thân yếu, có những đốt nhỏ li ti.

la-lot-co-tac-dung-gi-voh-0
Lá lốt thường được ăn sống như rau thơm hoặc chế biến thành các món ăn (Nguồn: Internet)

Lá của cây là dạng lá đơn, có tán rộng, xòe to, ở mặt trên của phiến lá lốt có khoảng 5 – 7 gân màu xanh nổi lên, bề mặt lá thường có màu nhạt hơn.

Lá lốt có vị nồng và cay nhẹ, mùi thơm đặc trưng, có thể ăn sống như rau thơm hoặc chế biến thành các món ăn, chẳng hạn như món bò nướng lá lốt cực kỳ nổi tiếng.

2. Lá lốt có tác dụng gì cho sức khỏe?

Theo các nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau. Trong y học cổ truyền, lá lốt là dược liệu có vị nồng, hơi cay, tính ấm, công dụng của lá lốt là giúp ôn trung (làm ấm bụng), tá hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống), chỉ thống (giảm đau)...

Thông thường, lá lốt được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian hơn là trong y học hiện đại. Người ta thường kết hợp lá lốt với các dược liệu khác để tạo ra một bài thuốc chữa những chứng bệnh cụ thể. Chẳng hạn các tác dụng của lá lốt trong chữa bệnh như:

2.1 Dùng lá lốt chữa thoái hóa khớp

Đông y thường dùng lá lốt để giúp cải thiện tình trạng viêm hoặc các bệnh về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp, khớp bị cứng, khó cử động. Đồng thời còn giúp lưu thông khí huyết, giãn nở các mạch máu trong cơ thể, từ đó giúp lưu thông máu tốt hơn.

Bạn chọn từ 5 - 10 cây lá lốt già, có đủ thân, lá và rễ. Rửa sạch với nước để loại bỏ bụi bẩn, để ráo rồi cho vào nồi đun sôi khoảng 10 phút. Cho ra thau, pha với nước âm ấm và ngâm chân vào từ lúc ấm đến nguội hẳn. Thực hiện liên tục khoảng 1 tuần bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

Xem thêm: 3 cách ngâm chân bằng lá lốt ‘đẩy lùi’ các bệnh về đau nhức xương khớp

2.2 Dùng lá lốt chữa bệnh viêm xoang

Theo y học cổ truyền ghi nhận, một trong những công dụng của lá lốt là giúp giải quyết các vấn đề về đường hô hấp, nhất là bệnh viêm xoang.

la-lot-co-tac-dung-gi-voh-1
Dùng lá lốt có thể chữa bệnh viêm xoang (Nguồn: Internet)

Xông hơi với nước lá lốt chính là một trong những cách được nhiều người áp dụng để làm thuyên giảm bệnh viêm xoang.

Xem thêm: Mách bạn cách chữa viêm xoang từ lá lốt, bỏ qua là phí đi một cách chữa hay

2.3 Dùng lá lốt trị chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân

Sử dụng khoảng 30gr lá lốt tươi, rửa sạch, để ráo nước cho vào thêm 1 lít nước đun sôi trong 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, đợi nước nguội âm ấm, dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày, sẽ giúp làm giảm chứng ra nhiều mồ hôi ở tay và chân.

Hoặc bạn cũng có thể sử dụng 30gr lá lốt thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 3 chén nước còn 1 chén. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa, cũng cho hiệu quả tương tự.

2.4 Một số tác dụng khác của lá lốt

Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ bưởi bung… sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân để chữa các chứng gai cột sống, đau vùng ngực và bụng do lạnh, chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân, mụn nhọt, đau đầu, đau răng…

3. Bà bầu ăn lá lốt có được không?

Vì lá lốt là một loại rau quen thuộc trong khá nhiều món ăn. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai lại kiêng cử khá nhiều thứ, nên một số mẹ bầu lo ngại ăn lá lốt trong thai kỳ liệu có an toàn cho sức khỏe hay không?

Thật may, tác dụng của lá lốt rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu, chẳng hạn loại lá này chứa các chất dinh dưỡng như chất flavonoid, alcaloid và tinh dầu. Do đó, bà bầu chỉ cần tuân thủ ăn lá lốt trong giới hạn từ 1 – 2 bữa/tuần thì hoàn toàn không lo ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí còn nhận được nhiều lợi ích cho cả mẹ và con.

Xem thêm: Giải tỏa nỗi lo ‘bà bầu ăn lốt được không’ trong giai đoạn thai kỳ?

4. Lá lốt nấu món gì ngon?

Ở Việt Nam, cách dùng lá lốt phổ biến nhất là để gói thịt. Ở miền Bắc, chả lá lốt là một trong nhiều món nổi tiếng, ăn rất ngon. Chả lá lốt có thể ăn với cơm hoặc bún. Trong miền Nam, có món bò cuốn lá lốt được rất nhiều người yêu thích.

la-lot-co-tac-dung-gi-voh-2
Bò cuốn lá lốt là món ăn được rất nhiều người yêu thích (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, lá lốt còn được kết hợp với những nguyên liệu khác để tạo thành các món ăn thơm ngon, bổ dưỡng như:

  • Ếch xào lá lốt
  • Lươn cuốn lá lốt
  • Măng xào lá lốt
  • Trứng rán lá lốt
  • Canh thịt bò lá lốt

Xem thêm: Bỏ túi' 9 món ngon từ lá lốt giúp bữa ăn thêm ngon miệng

5. Tác hại của lá lốt khi ăn quá nhiều

Lá lốt tuy chỉ là một loại rau gia vị nhưng cũng là thuốc trong Đông y. Mặc dù tác dụng của lá lốt tốt cho sức khỏe và còn dùng làm thuốc chữa bệnh nhưng cũng khuyến cáo sử dụng đúng cách, không phải ai cũng có thể ăn lá lốt. Một số đối tượng không nên ăn loại rau này chính là người bị đau dạ dày, nhiệt miệng, táo bón.

  • Người bị đau dạ dày dễ bị kích ứng niêm mạc khi ăn đồ ăn có tính nhiệt như lá lốt.
  • Người bị táo bón, nhiệt miệng vốn là những người bị nóng trong, ăn lá lốt vào cơ thể sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề.
  • Nôn mửa, choáng váng cũng là một trong số những phản ứng bất thường bạn có thể gặp khi ăn quá nhiều lá lốt sống.

6. Thành phần dinh dưỡng có trong lá lốt

Theo Y học hiện đại, trong 100gr lá lốt có những thành phần dinh dưỡng sau đây:

  • Nước: 86.5 g
  • Năng lượng: 39 Kcal
  • Chất đạm: 4.3 g
  • Chất đường bột: 5.4 g
  • Chất xơ: 2.5 g
  • Canxi: 260 mg
  • Sắt: 4.1 mg
  • Magie: 98 mg
  • Photpho: 980 mg
  • Kali: 598 mg
  • Natri: 15 mg
  • Vitamin C: 34 mg
  • Beta-caroten: 4050 µg

Như vậy tác dụng của lá lốt giúp ích trong điều trị bệnh và giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên việc sử dụng cũng cần thận trọng để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra. Tốt nhất trước khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến của người thầy thuốc để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao.