8 tác dụng của rau mùi tốt cho sức khỏe ít người biết

(VOH) – Rau mùi không chỉ là loại rau dùng trong ẩm thực mà nó còn được xem như một vị thuốc quý. Vậy tác dụng của rau mùi là gì? Bài viết sau sẽ mang đến bạn những thông tin thú vị về loại rau này.

Rau mùi (hay còn gọi là ngò, ngò rí, hồ tuy, mùi ta, ngổ, ngổ thơm...), có tên khoa học là Coriandrum Sativum L. là loài cây thân thảo thuộc họ Hoa Tán, có nguồn gốc bản địa từ Tây Nam Á về phía tây đến tận Châu Phi. Đây là một trong những loài cây được trồng lâu đời nhất trên thế giới.

Ở Việt Nam, rau mùi được dùng để ăn sống hoặc làm gia vị nêm các món nộm, súp, canh, salad... điều chế các loại nước sốt, trang trí trên các món ăn cho đẹp vì màu xanh tươi và mùi thơm của lá.

1. Tác dụng của rau mùi ta là gì?

Toàn cây rau mùi có chứa tinh dầu với thành phần chính là cilantro (65 – 70%). Vì thế, tính năng công dụng của mùi trong Đông - Tây y đều tương tự các cây cỏ có tinh dầu như: gây hưng phấn thần kinh, tăng trí nhớ, kích thích ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt hơn, chữa nôn trướng bụng, giảm đau răng đau thắt dạ dày ruột...

Một số công dụng cụ thể của rau mùi chính là:

1.1 Chống viêm

Rau mùi chứa hàm lượng cao axit béo omega 3 và omega 6, do đó một trong những tác dụng của rau mùi là giúp bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh viêm. Ngoài ra, trẻ em ăn rau mùi còn giúp hỗ trợ sự phát triển trí não.

1.2 Bảo vệ mắt, giúp sáng mắt

Do có chứa hàm lượng beta carotene cao cùng với rất nhiều chất chống oxy hóa, rau mùi có thể làm giảm các bệnh liên quan đến mắt và cải thiện thị lực rất tốt. Đặc biệt, rau mùi còn có công dụng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.

1.3 Tăng cường hệ miễn dịch

Hàm lượng vitamin C có trong rau mùi có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Rau mùi cũng chứa nhiều chất diệp lục nên có thể chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm gây ra.

1.4 Bảo vệ tim mạch

Rau mùi giúp thanh lọc máu và loại bỏ homocysteine - axit amin gây thiệt hại cho các mạch máu và hệ thống tim mạch. Hàm lượng folate có nhiều trong rau mùi làm giảm lượng enzyme có hại cho cơ thể, từ đó ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ.

8-tac-dung-cua-rau-mui-tot-cho-suc-khoe-it-nguoi-biet-voh

Ăn rau mùi giúp bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ (Nguồn: Internet)

1.5 Giúp xương chắc khỏe

Rau mùi được xem là một nguồn cung cấp canxi tuyệt vời, giúp cho quá trình hình thành và duy trì xương khỏe mạnh lâu dài.

1.6 Hỗ trợ chữa mất ngủ

Rau mùi được sử dụng như một loại thảo mộc thiên nhiên có tác dụng làm dịu thần kinh, hỗ trợ giấc ngủ sâu.

1.7 Ngừa ung thư

Các chất chống oxy hóa trong rau mùi bao gồm beta carotene, vitamin C, vitamin E, ferulic, axit caffeic, kaempferol và quercetin được chứng minh là những chất chống oxy hóa có tác dụng làm giảm nguy cơ mất cân bằng oxy hóa trong các tế bào, từ đó giúp ngăn ngừa bệnh ung thư.

1.8 Giúp loại bỏ kim loại nặng trong cơ thể

Rau mùi là một trong số ít những loại thảo dược được sử dụng để hỗ trợ loại bỏ lượng kim loại nặng, khử độc thủy ngân, nhôm và những chất có hại khác. Bạn chỉ cần trộn nước ép rau mùi với bột Chlorella (một loại tảo đơn bào) và sử dụng hàng ngày. Hỗn hợp nước uống này có thể được bảo quản trong tủ lạnh.

2. Công dụng của hạt rau mùi

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - GS. Đỗ Tất Lợi, cả rễ, lá và quả mùi đều là vị thuốc chữa bệnh, trong đó hạt mùi phơi hay sấy khô là bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu.

8-tac-dung-cua-rau-mui-tot-cho-suc-khoe-it-nguoi-biet-1-voh

Hạt rau mùi là bộ phận được dùng làm thuốc chủ yếu (Nguồn: Internet)

Theo kết quả nghiên cứu được ghi nhận trong Pubmed (Thư viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ), thì hạt mùi chứa tinh dầu, chủ yếu là linalool (58.22%) có tác dụng kháng khuẩn, được dùng ngoài da. Dịch chiết từ cây mùi có tác dụng hạ đường huyết và chống gốc tự do, tác dụng giúp lợi tiểu, hạ huyết áp.

Trong Đông y, hạt mùi thường dùng làm thuốc bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi, làm mạnh dạ dày, lợi tiểu, hạ sốt, giải cảm, chữa ho, ngạt mũi.

2.1 Một số cách dùng rau mùi chữa bệnh theo Đông Y

  • Giúp lợi sữa, chữa thiếu sữa, mất sữa: Dùng là rau mùi khô (50g), hạt mùi (20g) sắc đặc, uống mỗi lần 1 chén, ngày 2 lần. Hoặc dùng hạt mùi (12g), gạo nếp lức (30g) nấu cháo ăn.
  • Chữa loét niêm mạc lưỡi: Lá rau mùi (20g), lá rau húng chanh (12 lá), ngâm nước muối. Nhai kỹ, ngậm nuốt từ từ rất có hiệu quả.
  • Chữa đau bụng lâm râm sau khi ăn, đầy hơi chướng bụng: Rau mùi 1 nắm, vỏ quýt (8 -10g), sắc và uống ngay khi nước sắc còn ấm.
  • Chữa kiết lỵ: Nếu bị đau bụng mót rặn đi ngoài không được hoặc ra ít kèm theo máu thì dùng hạt mùi 1 vốc sao thơm tán nhỏ, pha với nước uống, mỗi lần uống khoảng 8g.
  • Chữa lòi dom: Hạt mùi đốt lên rồi tắt lửa cho khói lên để xông hậu môn.

Lưu ý: Không dùng rau và hạt mùi khi đang dùng các thuốc Đông y như: bạch truật, đan bì.

3. Ai cần hạn chế ăn rau mùi?

Tuy rau mùi có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng với những đối tượng sau đây thì nên hạn chế sử dụng loại rau này để không gặp phải tác dụng phụ:

  • Người bị bệnh gan: Rau mùi chứa một số tinh dầu dễ bay hơi kích hoạt các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Vì vậy, nếu ăn quá nhiều rau mùi, các thành phần trong rau sẽ làm việc ngược lại, tăng bài tiết mật và làm tổn hại đến gan.
  • Người mắc bệnh dạ dày: Rau mùi có thể giúp chữa được nhiều vấn đề tiêu hóa nhưng nếu lạm dụng nó, dạ dày có thể bị ảnh hưởng, kéo theo các hiện tượng rối loạn tiêu hóa khác.
  • Nam giới nên hạn chế ăn: Ăn rau mùi thường xuyên sẽ làm giảm lượng testosterone trong cơ thể, từ đó khả năng sản xuất tinh trùng cũng yếu đi. Đặc biệt, nếu ăn vào ban đêm, nam giới có thể gặp phải tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.
  • Ngoài ra, cần hạn chế dùng rau mùi cho những người bị hen phế quản hoặc viêm phổi mãn tính vì có thể gây các phản ứng kích ứng, dị ứng đường thở, đôi khi có thể nguy hiểm đến tính mạng.

4. Giá trị dinh dưỡng trong rau mùi

Rau mùi được xem là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhờ chứa nhiều hàm lượng chất dinh dưỡng như: vitamin A, vitamin C, K, B và các khoáng chất quan trọng trong cơ thể như canxi, kali, sắt.... Thống kê từ bảng Thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế như sau:

Thành phần dinh dưỡng

Hàm lượng (trong 100g phần ăn được)

Nước

93.3 g

Năng lượng

16 Kcal

Chất đạm

2.6 g

Chất béo

05 g

Chất xơ

1.8 g

Canxi

133 mg

Sắt

4.5 mg

Magie

26 mg

Phot pho

34 mg

Kali

521 mg

Đồng

225 µg

Vitamin C

140 mg

Vitamin B1

0.11 mg

Vitamin PP

1.3 mg

Vitamin E

2.5 mg

Vitamin K

310 µg

Folate

62 µg