Bà bầu bị chảy máu cam có nguy hiểm không?

(VOH) – Nếu như tỷ lệ phụ nữ không mang thai bị chảy máu cam là khoảng 6% thì tỷ lệ bà bầu bị chảy máu cam lại lên đến 20%. Vậy hiện tượng chảy máu cam khi mang thai là bình thường hay bất thường?

Một trong những hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai chính là chảy máu cam. Cứ 10 thai phụ thì sẽ có 2 người gặp phải tình trạng chảy máu cam khi mang thai. Hiện tượng tưởng chừng vô hại nhưng lại mang đến nhiều khó chịu và bất tiện cho mẹ bầu trong sinh hoạt và cuộc sống.

1. Tại sao bà bầu hay bị chảy máu cam?

Nguyên nhân khiến bà bầu bị chảy máu cam thường là do:

  • Khi mang thai, các hormone thai kỳ là estrogen và progesterone gia tăng nhanh chóng. Lượng máu trong cơ thể cũng sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu cho cả mẹ và thai nhi. Các mạch máu ở mũi giãn nở, máu được sản xuất và cung cấp nhiều hơn bình thường sẽ tạo áp lực lớn lên các thành mạch gây ra hiện tượng chảy máu cam khi mang thai.
  • Khi thời tiết thay đổi hay trong giai đoạn chuyển mùa trở nên lạnh khô, nếu bà bầu gặp phải các căn bệnh như viêm xoang, cảm cúm, dị ứng hoặc màng nhầy trong mũi bị khô do thời thời tiết lạnh, ngồi trong phòng máy lạnh... cũng đều có thể bị chảy máu cam.
  • Hiện tượng bà bầu chảy máu cam có thể được gây ra bởi các chấn thương và các bệnh lý như tăng tuyến áp hoặc bệnh rối loạn đông máu.
  • Bà bầu sử dụng một số loại thuốc chống viêm không steroid, thuốc làm thông mũi hoặc thuốc xịt mũi cũng có thể làm mẹ bầu bị chảy máu cam.

ba-bau-bi-chay-mau-cam-co-nguy-hiem-khong-voh

Phụ nữ bị viêm xoang, cảm cúm... gặp thời tiết thay đổi có thể sẽ bị chảy máu cam (Nguồn: Internet)

2. Bà bầu bị chảy máu cam có sao không?

Bị chảy máu cam khi mang thai hiếm khi gây nguy hiểm cho thai phụ, tuy nhiên nó có thể làm tăng nguy cơ bi bị băng huyết sau sinh.

Một nghiên cứu cho thấy, có khoảng 10% phụ nữ bị chảy máu cam khi đang mang thai sẽ bị băng huyết sau sinh. Trong khi ở nhóm phụ nữ không bị chảy máu cam thì tỷ lệ băng huyết sau sinh là 6%. Tuy vậy, chưa có bằng chứng nào khẳng định hiện tượng chảy máu cam khi mang thai sẽ dẫn đến biến chứng này.

Tương tự, hiện tượng chảy máu cũng hiếm khi ảnh hưởng đến cách sinh con, tuy nhiên, nếu thai phụ bị chảy máu cam nặng và kéo dài đến 3 tháng cuối thai kỳ thì nhiều khả năng bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc thai phụ sinh mổ.

3. Bà bầu cần làm gì khi bị chảy máu cam?

Phần lớn hiện tượng chảy máu cam là do sự vỡ mạch máu nhỏ phía trước mũi và hiện tượng này cũng dễ xử lý. Tuy nhiên, nếu chảy máu cam ở phía sau mũi thường là vỡ các mạch máu lớn hơn và chứa nhiều máu hơn nên sẽ khó ngăn chặn hơn.

Khi phát hiện bị chảy máu cam, mẹ bầu có thể thử áp dụng những cách sau đây:

  • Mẹ bầu ngồi xuống và bịt mũi lại trong khoảng 15 – 20 phút, thở bằng miệng.
  • Nghiêng người về phía trước để máu chảy xuống mũi và miệng thay vì xuống cổ họng. Cách này làm giảm lượng máu đi xuống cổ họng và dạ dày, giúp mẹ bầu hạn chế được cảm giác buồn nôn.

ba-bau-bi-chay-mau-cam-co-nguy-hiem-khong-1-voh

Khi bị chảy máu cam bà bầu cần biết cách tự sơ cứu để máu ngừng chảy (Nguồn: Internet)

Thông thường, sau khi thực hiện các bước trên máu sẽ tự động ngừng chảy sau khoảng 20 phút. Để không bị chảy máu cam trong 24 giờ tiếp theo, mẹ bầu nên nhớ:

  • Hạn chế thực hiện những vận động mạnh như tập thể dục
  • Không thổi, ngoáy mũi hay dụi mũi mạnh
  • Tránh uống rượu, bia hoặc đồ nóng vì có thể làm giãn các mạch máu trong mũi.

4. Biện pháp phòng ngừa chảy máu cam khi mang thai

Để tránh tình trạng bà bầu bị chảy máu cam, chị em nên:

  • Uống nhiều nước để giữ độ ẩm cho màng nhầy ở mũi. Ngoài ra, mẹ bầu có thể dùng sáp hoặc dầu bôi (mua tại các nhà thuốc tây) để giữ ẩm cho mũi.
  • Tập hít thở nhẹ nhàng.
  • Để miệng mở thay vì che đi mỗi khi hắt hơi.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường khô, đặc biệt là vào mùa đông hoặc khí hậu khô bằng cách tự tạo không khí ẩm trong nhà.
  • Không ngủ trong phòng quá nóng.
  • Nên tránh xa các chất kích thích như khói thuốc, rượu bia.
  • Nhỏ hoặc xịt dung dịch muối loãng để giúp ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam khi mang thai. Tuy nhiên, không được lạm dụng các loại thuốc giảm đau hoặc thuốc xịt mũi vì chúng có thể gây khô lớp nhầy và kích ứng mũi.

4.1 Những trường hợp cần đi đến bệnh viện

Mẹ bầu nên đến bệnh viện kiểm tra nếu xuất hiện những trường hợp sau đây:

  • Chảy máu cam không ngừng dù đã bịt chặt mũi trong suốt 15 - 20 phút.
  • Bị chảy máu rất nhiều từ phía sau cánh mũi và máu trào ngược ra miệng.

Nhìn chung, hiện tượng chảy máu cam khi mang thai có hơi phiền phức và ảnh hưởng đến cuộc sống mẹ bầu, nhưng tình trạng này phần lớn chỉ là nhất thời và sẽ tự khỏi sau khi sinh con, nên các mẹ bầu có thể yên tâm nhé!