Ăn nhiều trứng vịt lộn có tốt không và những lưu ý cần nhớ ?

(VOH) - Trứng vịt lộn là món ăn giàu dưỡng chất, được rất nhiều người ưa thích nên nhiều người cứ thèm là ăn 1, 2 thậm chí rất nhiều trứng cùng lúc. Thế nhưng liệu ăn nhiều trứng vịt lộn có tốt không?

Trứng vịt lộn (hột vịt lộn) là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giúp bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, do trứng vịt lộn có thành phần dinh dưỡng cao nên bạn cần ăn có giới hạn và đúng cách. Ăn nhiều trứng vịt lộn có thể sẽ không tốt cho sức khỏe.

1. Ăn trứng lộn nhiều có tốt không?

Trứng vịt lộn khá ngon và còn có thể chế biến được rất nhiều món ăn nên phần lớn mọi người đều khá thích ăn, thậm chí có người còn ăn trứng vịt lộn mỗi ngày với số lượng nhiều. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trứng vịt lộn chỉ nên ăn trong chừng mực cho phép, ăn nhiều trứng vịt lộn có thể khiến bạn phải đối mặt bới những vấn đề sức khỏe sau:

1.1 Tăng lượng cholesterol trong máu

Trứng vịt lộn có chứa hàm lượng cholesterol cao, do đó ăn nhiều trứng vịt lộn có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu, dẫn đến nguy cơ mắc phải các vấn đề về bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường.

1.2 Dư thừa vitamin A

Hàm lượng vitamin A trong trứng vịt lộn là cực kỳ cao, nếu bạn ăn quá nhiều trứng vịt lộn và ăn một cách thường xuyên, bạn có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thừa vitamin A.

an-nhieu-trung-vit-lon-co-tot-khong-voh-0
Ăn nhiều trứng vịt lộn có thể gây tăng cân (Nguồn: Internet)

Thừa vitamin A có thể gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe chẳng hạn như: rụng tóc, nứt môi, bong da, khô da, yếu xương,... Trường hợp nặng có thể gây ngộ độc vitamin A cấp tính hoặc mãn tính, cùng rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Xem thêm: Những tác hại nguy hiểm khi thừa vitamin A quá nhiều trong cơ thể

1.3. Có thể làm tăng cân

Trứng vịt lộn cung cấp các dưỡng chất nuôi dưỡng cơ thể, giúp sản sinh nhiều năng lượng. Vì vậy, với những người gầy ăn trứng vịt lộn có thể giúp tăng cân những nếu bạn muốn giảm cân thì tốt nhất là không nên ăn nhiều món ăn này.

2. Ăn trứng vịt lộn bao nhiêu là đủ?

Thông thường, số lượng ăn trứng vịt lộn hợp lý ở người lớn sẽ là khoảng 2 quả cho một lần ăn và tốt nhất không ăn quá 2 quả/tuần. Trẻ em chỉ nên ăn tối đa 1 quả cho một lần ăn và cũng không ăn quá 1 quả/tuần.

Ngoài ra, khi ăn trứng vịt lộn bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

2.1 Ăn trứng vịt lộn kèm theo rau răm

Nhiều người có thói quen không ăn kèm rau răm với trứng vịt lộn, nhưng đây là một sai lầm tai hại.

Bởi theo Đông y, rau răm có vị cay nồng, tính ấm, mùi thơm hắc, có tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, giúp làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt, chống lạnh bụng, say nắng. Trong khi trứng vịt lộn là một món bổ dưỡng, cũng là món ăn bài thuốc có công hiệu dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể mau trưởng thành, cải thiện khả năng sinh lý.

Do đó, việc ăn kèm rau răm với trứng vịt lộn sẽ giúp làm giảm bớt ham muốn tình dục từ tác dụng của trứng vịt lộn, mang tới sự cân bằng âm dương cho cơ thể và giúp người ăn không bị lạnh bụng, đầy hơi, tránh được các trục trặc về tiêu hóa.

2.2 Ăn trứng vịt lộn vào thời điểm thích hợp

an-nhieu-trung-vit-lon-co-tot-khong-voh-1
Thời điểm tốt nhất ăn hột vịt lộn là vào buổi sáng (Nguồn: Internet)

Nếu như ở miền Bắc, người ta thường ăn trứng vịt lộn buổi sáng thì ở miền Nam lại hay ăn trứng vịt lộn bắt đầu từ chiều cho đến tối. Thế nhưng, theo lời khuyên từ các chuyên gia, thời điểm ăn trứng vịt lộn tốt nhất là vào buổi sáng.

Nên tránh ăn trứng vịt lộn vào buổi tối vì đây là món ăn khó tiêu, có thể khiến bạn bị khó chịu, đầy hơi, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

2.3 Không ăn trứng vịt lộn đã chín để qua đêm

Trứng vịt lộn đã chín sau để qua đêm có thể bị giảm chất dinh dưỡng và sản sinh ra vi khuẩn có hại. Do đó, tốt nhất là không nên ăn trứng vịt lộn đã để qua đêm.

2.4 Không nên uống trà ngay sau khi ăn trứng vịt lộn

Một số người có thói quen uống tách trà ngay sau khi ăn trứng vịt lộn, tuy nhiên đây là việc cần tránh. Trong lá trà có chứa axit tanic khi kết hợp với chất protein trong trứng vịt lộn có thể gây ra tình trạng khó tiêu.

Ngoài trà ra thì khi ăn trứng vịt lộn xong thì bạn không nên uống sữa tươi, sữa đậu nành, không ăn óc lợn, tỏi, quả hồng, nước cam ép và các loại thịt rùa, thỏ, ngỗng.

3. Những người không nên ăn trứng vịt lộn

Trứng vịt lộn không phải là thực phẩm lành mạnh cho tất cả mọi người. Vẫn có một số người phải cần phải loại bỏ món ăn này điển hình như:

3.1 Người bị tim mạch không nên ăn trứng vịt lộn

Vì trứng vịt lộn giàu hàm lượng protein, cholesterol cao nên những người mắc bệnh tim mạch ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ làm tăng cholesterol xấu ( LDL ) trong máu làm tổn hại tim mạch, gia tăng mắc bệnh xơ vữa động mạch, tắc nghẽn động mạch dễ dẫn tới đột quỵ.

3.2 Người bị bệnh gan

Trứng vịt lộn giàu protein, vì vậy sẽ khiến gan hoạt động quá sức nếu ăn quá nhiều và dễ dẫn đến tình trạng suy gan. Ngoài ra ăn nhiều sẽ làm cho dạ dày khó chịu, đầy bụng chướng hơi, khó tiêu,...

3.3 Người bị bệnh thận

Trong trứng vịt lộn còn chứa hàm lượng ure, nếu ăn nhiều sẽ làm cho cơ thể tăng ure, gây tổn thương cho thận, dễ gây nhiễm độc đường tiết niệu. Vì người mắc bệnh thận nên quá trình trao đổi chất diễn ra khó khăn, lượng nước tiểu thấp nên không thể thải hết độc tố ra ngoài cơ thể vì thế người bị bệnh thận không nên ăn trứng vịt lộn.

3.4 Người bị bệnh gout

an-nhieu-trung-vit-lon-co-tot-khong-voh-2
Người mắc bệnh gout không nên ăn nhiều hột vịt lộn (Nguồn: Internet)

Khi nạp nhiều lượng protein vào cơ thể sẽ khiến tình trạng những người bệnh gout thêm phần trầm trọng, vì trứng vịt lộn rất giàu protein nên người bị bệnh gout không nên ăn.

3.5 Người bị cao huyết áp

Những người bị cao huyết áp không nên ăn trứng vịt lộn nhiều vì sẽ gây tắc động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Vì chứa hàm lượng cholesterol cao và chất đạm, 2 chất là nguyên nhân dễ gây bệnh cao huyết áp

3.6 Không cho trẻ dưới 5 tuổi ăn trứng vịt lộn

Trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của bé ở giai đoạn này còn chưa phát triển hoàn thiện, dễ gây trướng bụng, rối loạn tiêu hóa, có hại cho sức khỏe.

Với những bé trên 5 tuổi thì chỉ nên cho ăn 1/2 quả trứng vịt lộn mỗi lần. Mỗi tuần từ 1 đến 2 lần là đủ.

3.7 Người đang bị sốt

Vì trong trứng vịt lộn chứa hàm lượng protein cao, người ăn trứng vịt lộn sẽ có nhiệt độ cơ thể cao hơn người không ăn vì vậy nếu những người đang bị sốt mà ăn thì sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, dễ bị co giật và biến chứng lên não.

3.8 Phụ nữ mang thai hạn chế ăn trứng vịt lộn

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định bà bầu ăn trứng vịt lộn sẽ tốt hoặc không tốt. Nhưng về cơ bản thì đây là món ăn giàu dinh dưỡng, nên cũng tốt cho bà bầu. Tuy nhiên, vì trứng vịt lộn quá nhiều chất dinh dưỡng nên phụ nữ mang thai không nên ăn hàng ngày, tốt nhất là chỉ nên ăn 2 quả mỗi tuần tuần và không nên ăn 2 quả cùng lúc.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai khi ăn trứng vịt lộn thì không nên ăn kèm vì rau răm có sẽ hại cho thai nhi. Bên cạnh đó, trứng vịt lộn có lượng đạm cao, ăn nhiều gây chậm tiêu, sinh nhiều cholesterol. Do đó, giai đoạn cuối thai kỳ thai phụ nên hạn chế ăn món ăn này.

Xem thêm: Bà bầu ăn trứng vịt lộn - nên hay không nên?

Trên đây là một số thông tinh về vấn đề “ăn nhiều trứng vịt lộn có tốt không?” Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích khi ăn trứng vịt lộn, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.