Bệnh Crohn là gì và có điều trị được không?

(VOH) - Đau bụng dữ dội là triệu chứng điển hình nhất của bệnh Crohn. Đây là bệnh gây ra tình trạng loét hình thành trong đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn. Vậy thực chất đây là căn bệnh gì?

1. Bệnh Crohn là gì?

Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột (IBD) có thể ảnh hưởng ở cả ruột non, ruột già, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn.

Bệnh Crohn có thể xảy ra ở bất kỳ giới tính nào, độ tuổi nào, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết các ca mắc bệnh đều nằm trong khoảng độ tuổi từ 16 – 30 và 60 – 80.

benh-crohn-la-gi-va-co-dieu-tri-duoc-khong-voh-1

Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột (Nguồn: Internet)

2. Triệu chứng của bệnh Crohn

 Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn thường từ nhẹ đến nặng và có thể phát triển dần hoặc xảy ra đột ngột mà thường không có dấu hiệu cảnh báo nào.

Triệu chứng thường thấy nhất của bệnh Crohn là đau bụng và tiêu chảy. Đau bụng thường khu trú ở hố chậu phải hoặc ở hạ vị dưới dạng đau nhói. Cơn đau liên tục hoặc có đợt bộc phát, nhất là khi có biến chứng như nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn.

Tiêu chảy thường xảy ra trung bình từ 5 – 6 lần, có thể xen kẽ với những đợt táo bón. Phân lỏng có màu bình thường trừ khi có biến chứng chảy máu. Trong trường hợp tổn thương lan rộng sẽ có hiện tượng phân sống do kém hấp thu.

Bệnh Crohn ở trẻ em, biểu hiện phổ biến nhất là tình trạng suy dinh dưỡng. Trẻ em mắc bệnh Crohn có thể giảm cân do mất cảm giác ngon miệng và gây hấp thụ carbohydrate hay chất béo. Ngoài ra, trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ có thể cao hơn nếu có bội nhiễm.

Nhìn chung, tùy vị trí tổn thương kết hợp mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau. Trong tổn thương đại tràng thường kèm theo đại tiện phân có máu đỏ tươi, trong tổn thương hậu môn có kèm các tổn thương hồng ban, các vết nứt, các vết loét sâu hoặc xơ hẹp hậu môn. Trong tổn thương miệng và thực quản thường kèm theo loét niêm mạc hoặc loét dạng nốt như trong tổn thương ruột non.

3. Vì sao mắc bệnh Crohn?

Nguyên nhân gây bệnh Crohn đến nay vẫn chưa được biết rõ, các yếu tố nguy cơ ngày nay đang được đề cập nhiều là tự miễn, nhiễm trùng do virus hoặc có thể phối hợp nhiều nguyên nhân.

Bên cạnh đó, bệnh Crohn còn mang tính chất gia đình, nhất là anh em sinh đôi đồng hợp tử.

Mặc dù chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng ở những bệnh nhân bị Crohn, nhưng không thể xác định chắc chắn rằng chế độ ăn uống là nguyên nhân của căn bệnh này.

Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh Crohn cao xảy ra nhiều hơn ở những người sống trong các thành phố và các quốc gia công nghiệp, có thể do yếu tố môi trường, bao gồm chế độ ăn giàu chất béo trong thực phẩm hoặc tinh chế.

4. Bệnh Crohn có nguy hiểm không?

Nếu không tích cực điều trị bệnh Crohn, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng sau:

4.1 Tắc ruột

Biến chứng tắc ruột xảy ra đột ngột hoặc từ từ, trong đó tắc ruột đột ngột là hậu quả của thức ăn bị ứ lại ở chỗ đoạn ruột bị hẹp, còn tắc ruột từ từ là hậu quả của chít hẹp ruột hoàn toàn do tổn thương.

4.2 Chảy máu tiêu hóa

Biến chứng này thường là chảy máu với số lượng ít và dai dẳng. Nó có thể gây thiếu máu nhược sắc, đôi khi có thể gây xuất huyết nặng ồ ạt.

4.3 Tăng nguy cơ ung thư đại tràng

Bệnh Crohn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Mặc dù nguy cơ này tăng ở bệnh nhân bị Crohn nhưng hơn 90% bệnh nhân bị viêm ruột không thấy phát triển ung thư và rò xung quanh hậu môn.

Để phòng tránh biến chứng bệnh Crohn thì ngay khi có những dấu hiệu như đau bụng và tiêu chảy kéo dài thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị đúng cách.

5. Điều trị bệnh Crohn bằng cách nào?

benh-crohn-la-gi-va-co-dieu-tri-duoc-khong-voh-2

Khi có dấu hiệu đau bụng hay tiêu chảy kéo dài bạn nên đi khám để xác định xem có phải bệnh Crohn hay không? (Nguồn: Internet)

Hiện nay, không có phương pháp nào có thể điều trị hoàn toàn bệnh Crohn. Bác sĩ có thể đưa ra các biện pháp nhằm làm giảm các triệu chứng, kiểm soát tình trạng viêm và ngăn ngừa biến chứng. Các biện pháp này có thể bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật và duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Nếu bạn chỉ bị tiêu chảy nhẹ, bạn có thể bổ sung nước và dung dịch Oresol cùng chế độ dinh dưỡng phù hợp để tránh mất nước và suy dinh dưỡng.

Nếu bạn bị tiêu chảy nghiêm trọng và không khỏi sau 3 ngày thì có thể dùng thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau nếu xuất hiện cơn đau nghiêm trọng.

Nếu việc sử dụng thuốc và chế độ dinh dưỡng lành mạnh không thể giúp bạn kiểm soát bệnh Crohn, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bạn vẫn cần dùng thuốc để giảm nguy cơ tái phát bệnh.

6. Làm sao để phòng tránh bệnh Crohn?

Mặc dù nguyên nhân bệnh Crohn vẫn chưa xác định rõ ràng nhưng bạn có thể phòng tránh căn bệnh này bằng cách loại trừ các yếu tố nguy cơ.

Bạn có thể phòng tránh bệnh Crohn bằng cách:

  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau và trái cây để có chất xơ làm cho hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn.
  • Hạn chế các thực phẩm công nghiệp đóng hộp, các món ăn nhiều gia vị và dầu mỡ.
  • Hạn chế tối đa việc uống nhiều bia, rượu.
  • Không hút thuốc vì thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh Crohn.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng thần kinh, giảm stress bằng cách tham gia các hoạt động thể dục thể thao, đi du dịch, giao lưu bạn bè,…