Bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì?

(VOH) – Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát tiểu đường, đặc biệt là trái cây, vì một số loại hoa quả có thể làm thay đổi lượng đường huyết. Vậy người bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì?

Có rất nhiều người lầm tưởng rằng việc ăn hoa quả, trái cây sẽ làm tăng lượng đường huyết nên đã loại bỏ thực phẩm này khỏi chế độ dinh dưỡng của mình. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu đánh giá, mặc dù trái cây chứa nhiều đường tự nhiên nhưng cũng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác như vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa... nên rất có lợi cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

1. Vai trò của trái cây trong việc điều tiết bệnh tiểu đường

Hầu hết các loại trái cây đều có hàm lượng nước lớn (chiếm 75 – 95%) giúp bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể. Vitamin C trong trái cây giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật...

Chất xơ trong các loại trái cây giúp giảm khả năng béo phì, đau tim và đột quỵ (nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì cũng liên quan đến bệnh tiểu đường tuyp 2).

Hầu hết trong các loại trai cây đều chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng lại có ít chất béo và natri. Ngoài ra, trong trái cây cũng nhiều các chất dinh dưỡng mà không thể tìm thấy ở những thực phẩm khác. Chẳng hạn như: chuối chứa kali và tryptophan – một axit amin quan trọng; Trái cây có mùi như cam, quýt chứa một lượng cao vitamin C và A, là những chất chống oxy hóa mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, trái cây cũng có thể đáp ứng khẩu vị hảo ngọt của bạn mà không cần đến bánh kẹo hay những thực phẩm khác có giá trị dinh dưỡng thấp.

2. Người bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì?

Hiệp hội tiểu đường Mỹ đã tuyên bố rằng, bất kỳ loại trái cây nào cũng đều tốt để ăn, miễn là không bị dị ứng với loại trái cây đó. Và với bệnh nhân tiểu đường thì họ có thể ăn tất cả các loại trái cây nhưng cần ăn với số lượng hạn chế.

benh-tieu-duong-nen-an-trai-cay-gi-voh

Hầu hết các loại trái cây đều tốt cho người bị tiểu đường nếu ăn với mức độ vừa phải (Nguồn: Internet)

Một số loại trái cây tốt cho người tiểu đường là những loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp (GI), ví dụ như: táo, cam, dâu tây, chanh và mận.

Những loại trái cây như nho xoài, chuối, mãng cầu, sầu riêng, mít, vải, nhãn... có thể ăn nhưng ăn với số lượng hạn chế, khoảng 1  hoặc 2 miếng. Vì chúng có hàm lượng đường cao, ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.

Các loại trái cây như bưởi, cam, chanh, ổi, táo... có thể ăn với số lượng nhiều hơn. Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo, người bị tiểu đường nên tránh ăn các loại trái cây quá chín vì lúc này lượng đường trong trái cây đang ở mức cao nhất. Cũng không nên ăn trái cây đã chế biến sẵn vì sẽ được cơ thể hấp thu nhanh, làm tăng lượng đường trong máu.

2.1 Người bị tiểu đường có nên uống nước ép trái cây?

Các loại nước ép trái cây không phải là thức uống lý tưởng cho các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, thậm chí với cả những loại nước ép đóng hộp có ghi nhãn là không đường (sugar – free).

Nước ép trái cây là một trong những nguyên nhân khiến cho hàm lượng đường trong máu tăng lên đột ngột. Trái cây pha trộn như sinh tố, trái cây mix.. cũng có hàm lượng đường cao. Ngoài ra, nhiều chế phẩm trái cây còn khiến cơ thể mất một số chất dinh dưỡng như vitamin và chất xơ.

3. Người bị tiểu đường nên ăn trái cây khi nào?

Các bác sĩ cho biết, nếu bệnh nhân tiểu đường ăn trái cây ngay sau bữa ăn trưa hoặc tối có thể làm gia tăng lượng đường trong máu. Vì thế, cần phải có khoảng cách ít nhất 2 giờ sau các bữa ăn mới nên ăn trái cây, trái cây ăn lúc này sẽ không làm đường huyết của người bệnh bị tăng đột ngột.

Như vậy, thời gian ăn trái cây lý tưởng nhất cho người bị tiểu đường là khoảng 11 giờ sáng hoặc vào buổi tối khoảng 5 giờ chiều.

Tóm lại, trái cây là loại thực phẩm bổ dưỡng và tốt cho người bệnh tiểu đường. Việc từ bỏ trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày dễ khiến cho bệnh nhân thiếu chất, suy kiệt và khiến bệnh lâu hồi phục hơn. Điều quan trọng là người bệnh cần ăn trái cây đúng loại và đúng cách để hạn chế việc tăng đường huyết.