Bị chín mé là gì? Có nguy hiểm không?

( VOH ) - Cắt móng tay, móng chân tuy đơn giản nhưng thực hiện không đúng cách và an toàn bạn dễ bị chín mé. Vậy chín mé là bệnh gì? Phải xử lý như thế nào khi bị chín mé?

1. Bị chín mé là gì?

Chín mé là tình trạng nhiễm trùng tạo mủ hoặc áp xe ở khóe hay đầu múp các ngón tay, ngón chân. Chín mé là bệnh ngoài da thường gặp, nếu không biết cách chữa trị và giữ vệ sinh thì bệnh sẽ diễn biến dai dẳng, dễ tái phát.

2. Vì sao bị chín mé?

Tác nhân gây chín mé thường là tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu gây mủ đi vào cơ thể bằng cách xâm nhập qua vết xước, vết châm, vết thương nhỏ. Đặc biệt, vi khuẩn có điều kiện sinh sôi, nảy nở dễ dàng ở những người bị ra mồ hôi nhiều, khiến bụi bám vào da.

bi-chin-me-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Lấy khóe móng quá sâu dễ bị chín mé (Nguồn: Internet)

Việc cắt móng tay, móng chân quá sát và thường xuyên lấy khóe sẽ dễ gây ra các vết thương nhỏ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây chín mé.

Thông thường, khi bị vết xước nhỏ, người bệnh chủ quan cho rằng đó chỉ là “chuyện nhỏ” vì không gây đau đớn nhiều. Do đó, hầu hết các trường bị chín mé đều không chữa trị ở giai đoạn nhẹ, chỉ đến khi bệnh quá nặng mới đi khám. Việc điều trị lúc này sẽ trở nên khó khăn và tốn kém hơn.

3. Các giai đoạn tiến triển của bệnh

Chín mé thường xảy ra khoảng 1 – 3 ngày đầu, ở đầu ngón tay, ngón chân xuất hiện một chỗ sưng phồng, tấy đỏ và ngứa. Sau đó đau nhức, khó chịu, có khi cứng ngón, khó cử động.

Khoảng ngày thứ 4 – 7, tình trạng viêm lan rộng ra chung quanh cả ngón, người bệnh có cảm giác nhức nhối, căng tức, đau giật theo nhịp mạch đập, có thể sốt nhẹ.

Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh chín mé có thể gây những biến chứng như viêm xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp hoặc nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có thể gây tử vong.

Lưu ý: Bạn cần phân biệt chín mé với một số bệnh da liễu xảy ra ở đầu ngón như tổ đỉa (thường gây ngứa, ít đau, sưng nhẹ), viêm cấp quanh móng (chân móng sưng nhức, có thể chảy mủ), bị chín mé do ung thư hắc tố (xảy ra chủ yếu ở ngón tay cái hoặc ngón chân cái, đầu ngón bị sưng, thường có màu đen).

4. Cách chữa chín mé hiệu quả

Khi bị chín mé cần giữ vệ sinh sạch sẽ chỗ bị chín mé để tránh bị nhiễm trùng thêm. Có thể ngâm rửa bằng thuốc tím pha loãng, sau đó bôi mỡ kháng sinh.

Nếu chín mé làm mủ thì cần rạch thoát mủ, dẫn lưu, kết hợp dùng thuốc kháng sinh. Khi vết thương sưng đau nhiều, đáp ứng kém với điều trị thì cần chụp X-quang để xác định tình trạng biến chứng của chín mé.

Bên cạnh việc điều trị, người bị chín mé nên kiêng các thực phẩm dễ khiến tình trạng sưng viêm tồi tệ hơn như đường, chất tạo ngọt, xôi nếp, đậu phộng, thức ăn nhanh,…để sớm đẩy lùi được bệnh.

Bị chín mé là gì? Có nguy hiểm không? 2

Điều trị chín mé cần rạch dẫn lưu mủ ra ngoài (Nguồn: Internet)

5. Mẹo chữa chín mé đơn giản tại nhà

5.1 Ngâm nước ấm

Nước ấm có thể giúp giảm đau do bệnh chín mé. Bạn có thể cho muối hoặc muối Epsom vào nước để giảm đau tốt hơn. Muối nồng độ cao sẽ giúp giảm sưng do chín mé.

Cách thực hiện

  • Đổ nước ấm vào vật đựng đủ sâu để ngâm vùng da bị chín mé. Ngâm nước ấm khoảng 15 phút.
  • Ngâm nước ấm mỗi khi cơn đau tái phát.
  • Sau khi ngâm nước ấm, dùng băng khô quấn quanh vùng bị chín mé để ngăn nhiễm trùng lây lan.

5.2 Ngâm nước có xà phòng kháng khuẩn

Nếu mụn nước đã bị bóp vỡ, bạn có thể cho xà phòng thường hoặc xà phòng kháng khuẩn vào nước ấm để ngâm ngón bị chín mé.

Nghiên cứu cho rằng xà phòng thường cũng hiệu quả tương tự xà phòng kháng khuẩn trong việc bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và nhiễm trùng. Cho xà phòng vào nước sẽ giúp ngăn bệnh chín mé lây lan vì nước dịch tiết ra sẽ hòa tan vào nước.

5.3 Dùng túi đá viên

Cảm giác cực lạnh sẽ làm tê liệt dây thần kinh quanh vùng da bị chín mé và có tác dụng giảm đau. Ngoài ra, đá viên còn làm chậm tuần hoàn máu đến vùng nhiễm trùng, giảm tình trạng viêm và sưng gây đau (nếu có). Bạn có thể mua túi đá viên tại hiệu thuốc hoặc tự gói đá viên trong khăn, nhẹ nhàng chườm túi đá lên vùng da bị chín mé.

6. Biện pháp phòng tránh chín mé

Chín mé xảy ra một phần là do thói quen không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, do đó, để không bao giờ bị chín mé, bạn cần lưu ý:

  • Rửa tay, chân sạch sẽ mỗi ngày.
  • Tránh ngâm tay, chân trong nước quá lâu.
  • Không đi chân đất, để tránh cát bụi bám dính vào khóe chân.
  • Không đi giày, dép quá chật khiến cho các ngón chân bị tổn thương.
  • Khi cắt móng cần lưu ý không cắt quá sát vào da hoặc lấy khóe sâu ở hai bên của ngón chân, ngón tay.
  • Không cắt móng theo hình vòm cung và quá sát với phần thịt, nên cắt thẳng và làm nhẵn các góc bằng giũa, đồng thời giữ vệ sinh cho móng để tránh bị tái lại.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh chín mé và biết cách điều trị hiệu quả cũng như phòng ngừa đúng cách.