Cách bảo vệ sức khỏe và chăm sóc trẻ mùa nắng nóng

(VOH) - Thời tiết oi bức, nắng nóng mùa hè sẽ khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, sốt virus, nổi rôm sảy... Vì thế, cha mẹ cần phải biết cách chăm sóc trẻ mùa nắng nóng.

Chăm sóc trẻ em mùa nắng nóng là vấn đề quan trọng mà các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, vì vấn đề sức khỏe của trẻ luôn chịu ảnh hưởng từ thời tiết.

1. Những căn bệnh mùa nắng nóng trẻ thường gặp

Mùa hè là thời điểm những đợt nắng nóng kéo dài gây ra tình trạng nổi rôm sảy, mất nước, say nắng, kém ăn, khó ngủ… ở trẻ em. Ngoài ra, trẻ cũng rất dễ gặp phải các căn bệnh sau đây:

1.1 Viêm đường hô hấp cấp tính

Mùa hè khiến thời tiết trở nên oi bức và làm bùng phát những căn bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính như: viêm họng, viêm mũi xuất tiết, viêm amidan, viêm VA...

Hầu hết những nguyên nhân gây bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi là do nhiễm siêu vi trùng. Trẻ bị nhiễm bệnh thường có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi nghẹt mũi, thâm chí nhức đầu, buồn nôn... khiến trẻ mệt đừ và khó ăn uống. Một số trường hợp trẻ có thể bị nhiễm vi khuẩn, thường là vi khuẩn Hib và phế cầu khuẩn. 

1.2 Tiêu chảy 

cach-bao-ve-suc-khoe-va-cham-soc-tre-mua-nang-nong-voh

Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh thường gặp vào mùa hè (Nguồn: Internet)

Vào mùa hè trẻ rất dễ bị tiêu chảy cấp. Nguyên nhân là do nắng nóng khiến thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Trẻ thường xuyên khát nước vào mùa hè nên có thể uống phải những loại nước không đảm bảo vệ sinh.

1.3 Nhiễm siêu vi

Mùa nắng nóng cũng là thời điểm trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khuẩn khiến trẻ bị sốt cao, phát ban, nhức đầu, nhức mắt, biếng ăn, mệt mỏi...

Thông thường, trẻ bị sốt siêu vi có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày, nhưng cũng có một số siêu vi có khả năng gây hại cho trẻ như: siêu vi gây bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, siêu vi bệnh cúm...

Ngoài ra, có những căn bệnh ‘đến hẹn lại lên’ thường xuất hiện vào mùa hè mà các bậc phụ huynh cũng cần phải đặc biệt lưu ý chính là: bệnh thủy đậu, nhóm bệnh sởi – quai bị - rubella, viêm não Nhật Bản, viêm màng não ở trẻ em...

2. Làm cách nào để bảo vệ sức khỏe trẻ trước thời tiết nắng nóng?

Nếu bé gặp phải các triệu chứng như không nhìn rõ mọi vật xung quanh, mệt mỏi, buồn ngủ bất thường hay đau đầu, sốt, liên tục đòi uống nước, không đi tiểu trong nhiều giờ, buồn nôn hoặc nôn, hít thở nhanh hoặc sâu hơn bình thường, ngứa khắp người, đau cơ, co thắt cơ bắp… thì cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để có thể thăm khám bệnh chính xác.

Nhiệt độ ngoài trời thay đổi thế nhưng cơ thể của trẻ lại khó có thể điều chỉnh và thích nghi với sự thay đổi của thời tiết giống như người lớn. Vì thế, cha mẹ cần biết cách chăm sóc sức khỏe trẻ thật cẩn thận bằng các biện pháp sau đây:

2.1 Tiêm ngừa phòng bệnh đủ liều, đúng lịch

Cha mẹ cần chủ động thực hiện lịch tiêm ngừa phòng bệnh cho trẻ với tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc-xin sẽ giúp bảo vệ sức khỏe trẻ tốt nhất.

2.2 Tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn

Để phòng tránh các bệnh mùa hè cha mẹ nên giữ môi trường xung quanh bé được thông thoáng, trong lành. Làm mát căn phòng của con bằng cách dùng rèm giữ nhiệt để đảm bảo không khí có thể lưu thông. Có thể dùng quạt nhưng không đặt hướng gió trực tiếp về phía con. Nếu bật điều hòa phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp.

Tạo cho bé thói quen vệ sinh cá nhân trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để loại bỏ những tác nhân gây bệnh từ chính đôi tay của bé.

2.3 Uống đủ nước

Với trẻ sơ sinh và trẻ trong giai đoạn nhũ nhi, mẹ cần thực hiện tốt việc ‘nuôi con bằng sữa mẹ’, vì sữa mẹ ngoài dưỡng chất quan trọng còn có một lượng kháng thể rất dồi dào giúp trẻ phòng tránh bệnh tật.

cach-bao-ve-suc-khoe-va-cham-soc-tre-mua-nang-nong-1-voh

Uống đủ nước sẽ giúp cơ thể bé mát mẻ và tăng cường sức đề kháng (Nguồn: Internet)

Với những trẻ lớn hơn, mẹ có thể cho bé uống những loại nước giàu khoáng chất và vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước lọc đun sôi để nguội... để giúp cơ thể bé luôn mát mẻ và tăng sức đề kháng.

2.4 Giữ mát cơ thể của bé

Làm mát cho bé bằng khăn ướt, đặt khăn ướt xung quanh nôi. Lưu ý, mẹ cần đảm bảo việc kiểm tra thường xuyên để nhiệt độ phòng không quá lạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Cho con mặc quần áo rộng rãi. Với trẻ nhỏ, nên tắm bằng nước ấm hoặc lau bằng khăn ấm thay vì sử dụng nước lạnh trong bồn tắm.

2.5 Đi lại

Trong điều kiện cho phép, mẹ có thể đưa trẻ đến những nơi mát mẻ vào những thời điểm nắng nóng. Nên nhớ, chỉ cho bé đi chơi, di chuyển ngoài trời vào những lúc nhiệt độ đã hạ, có thể là sáng sớm hoặc chiều tối.

2.6 Bôi kem chống nắng

Cha mẹ nên bảo vệ trẻ tránh khỏi những tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi trưa, đặc biệt là những ngày nắng gay gắt. Nếu phải đi ra ngoài nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, đeo kính râm, mũ rộng vành.

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, cha mẹ có thể cho bé dùng kem chống nắng. Các loại kem chống nắng có chứa titanium dioxide hoặc oxit kẽm (thường gọi là kem chống nắng khoáng) là những sản phẩm an toàn và được FDA chấp thuận cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên sử dụng, bởi chúng ít có khả năng kích thích da nhạy cảm của bé.

Những trẻ từ 1 tuổi trở lên, mẹ có thể bôi kem chống nắng có hàm lượng SPF tối thiểu là 15 lên mặt, mu bàn tay của bé.

3. Những lưu ý khi dùng kem chống nắng cho trẻ

Có những điểm cha mẹ cần lưu ý khi sử dụng kem chống nắng trên làn trẻ, đó là:

  • Nên chọn kem chống nắng với các thành phần lành tính với làn da của trẻ. Chỉ số SPF có thể dao động đến 50 và không thấm nước.
  • Chọn sản phẩm có càng ít thành phần như chất tạo màu, hương liệu, chất bảo quản càng tốt để hạn chế tình trạng gây kích ứng, dị ứng lên da trẻ.
  • Thoa kem chống nắng với một lượng kem vừa đủ, thoa 30 phút trước khi ra nắng và thoa lại sau mỗi 2 giờ.
  • Khi thoa kem chống nắng cho bé, cần thử trên da người lớn và thử ở vùng cổ tay trẻ để xem da có bị kích ứng hay không.
  • Không được xịt trực tiếp kem lên da bé mà nên để vào hai lòng bàn tay mẹ, rồi xoa đều sau đó mới nhẹ nhàng bôi lên da bé.
  • Khi dùng kem chống nắng cho trẻ, trong thành phần tuyệt đối không được chứa thành phần làm từ oxybenzone hay retinyl palmitate.
  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định cho bé sử dụng bất kỳ loại kem chống nắng nào.

Như vậy, để bảo vệ bé yêu trước thời tiết nắng nóng mùa hè, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp trên, đồng thời tăng cường chế độ ăn uống hợp lý, hợp vệ sinh để vừa giúp tăng cường chất dinh dưỡng, tăng đề kháng cho cơ thể và vừa giúp bảo vệ bé yêu trong mùa nắng nóng.