Cách xử lý khi ăn phải so biển, sao biển, cá nóc

(VOH) - Thêm một nạn nhân đang gặp nguy kịch sau khi ăn so biển. So biển, cá nóc, sao biển…cách xử lý khi ăn phải các sinh vật nguy hại này và phân biệt so biển với sao biển như thế nào?

Trong so biển độc tố thần kinh cực mạnh

Nạn nhân vừa bị ngộ độc so biển được chẩn đoán là ngộ độc tetrodotoxin rất điển hình. Tetrodotoxin là độc tố thần kinh, rất độc. Chất độc tetrodotoxin phổ biến có ở cá nóc, so, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển,…Chất độc này không bị nhiệt phá huỷ, nó chịu được nhiệt độ cao, dù có đun sôi, phơi khô hay sấy khô chất độc vẫn tồn tại, do đó thức ăn được đun nấu chín, nướng chín hay phơi khô ăn đều nguy hiểm.

Sau khi ăn phải so biển, chất Tetrodotoxin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10 - 15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ mấy giờ sau các triệu chứng ngộ độc xuất hiện, bệnh nhân rối loạn cảm giác (tê môi, lưỡi, chân tay). Sau đó nhanh chóng bị liệt toàn bộ các cơ của cơ thể, đồng tử giãn, trong đó quan trọng là liệt các cơ hô hấp, dẫn tới bệnh nhân không thể ho khạc, không thể thở và nhanh chóng suy hô hấp, tử vong. Chất độc cũng có thể gây loạn nhịp tim, tụt huyết áp, nôn, đau bụng.

Bác sĩ cảnh báo tình trạng ngộ độc xuất hiện nhanh và rất nặng, dễ gây tử vong nếu bệnh nhân không kịp tới bệnh viện, đặc biệt với những người ăn uống trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế.

Xử trí ngộ độc

Phát hiện có dấu hiệu sớm (còn tỉnh táo): cần cho người bệnh uống thật nhiều nước, tìm mọi cách gây ói hết thức ăn có trong dạ dày càng nhanh càng tốt; nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở có điều kiện về hồi sức cấp cứu (bệnh viện). Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.

Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy nếu suy hô hấp, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận tùy theo biểu hiện của bệnh.

Lưu ý, chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh và không gây nôn nếu là trẻ em, vì dễ bị sặc. Sau khi gây nôn nên uống một tuýp than hoạt, uống oresol bù điện giải.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn so biển, và đưa ra hướng dẫn chi tiết để nhận biết sự khác biệt giữa so và sam biển.

Sam biển là lành tính, là món ăn phổ biến, ưa thích của nhiều người, thì so biển lại là một con vật gây độc, có thể gây chết người. Đáng nói, cả hai con này đều sống chủ yếu ở vùng ven biển, trong các vịnh, đầm nước mặn và các cửa sông, hình thù giống hệt nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Các cặp vợ chồng Sam khi di chuyển thường con đực bám chặt cứng vào lưng con cái, không chịu rời. Người ta bắt sam để lấy trứng ăn là chính. Còn trứng so rất độc, ăn phải sẽ bị ngộ độc nguy hiểm.

Việc phân biệt các động vật biển mang tính tương đối, nhiều nơi khác biệt do cách gọi từng địa phương. Vậy nên tốt nhất, nên tuyệt đối không ăn các loài sinh vật biển lạ.