Cẩn trọng sức khỏe người già và trẻ em khi nắng nóng

(VOH) - Những ngày nay, nắng nóng gay gắt từ sáng sớm đến tận chiều tối khiến ai nấy đều chung cảm giác mệt nhoài, khó chịu. Những lúc cao điểm vào buổi trưa, nhiệt độ ngoài trời rất cao, có khi lên đến 38 độ, vì thế dễ xuất hiện nhiều căn bệnh ở người già và trẻ em.

Người cao tuổi là đối tượng nguy cơ cao khi thời tiết nắng nóng - Ảnh minh họa (Nguồn: Danviet).

Bệnh nhi nhập viện tăng do bị tiêu chảy, viêm hô hấp...

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, thời điểm này, số bệnh nhi nhập viện đều gia tăng, dao động từ 5.000 lên đến gần 8.000 bệnh nhi, bệnh nhiều nhất vẫn là tiêu chảy, viêm hô hấp, ngoài ra còn có thêm những trường hợp trẻ bị kiết lị.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo với những trường hợp trẻ bị tiêu chảy nên đưa đi đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu như: ”Em bé sẽ khát nước rất là nhiều, uống nước liên tục nhưng khóc thì không có nước mắt, đó là dấu hiệu mất nước nếu không khéo sẽ mất nước nặng. Dấu hiệu nữa bé li bì, khó đánh thức, nhìn không khỏe và bé sẽ bị co giật”.

Bên cạnh đó, Bác sĩ Trương Hữu Khanh  - trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1 cũng lưu ý, khi nắng nóng chưa giảm thì ngoài dịch bệnh theo mùa thì trẻ em rất dễ bị tiêu chảy do vi rút và bệnh hô hấp.

“Thời điểm hiện nay nắng nóng như vầy ngoài bệnh theo mùa là tay chân miệng, thủy đậu, quai bị thì 2 bệnh phải chú ý là tiêu chảy do vi rút và viêm hô hấp. Phải  cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn thức ăn lỏng để bảo đảm sức đề kháng của em bé. Cuối cùng phải giữ thức ăn đừng ôi thiu. Trong quá trình sinh hoạt để giảm nóng thì cũng đừng tắm lâu quá, quạt nhiều quá hay để máy lạnh quá thấp. Những yếu tố đó làm sức đề kháng bé giảm dễ bệnh hơn”, bác sĩ Khanh lưu ý.

Không chỉ riêng trẻ nhỏ, lượng bệnh nhân đến khám  tại các bệnh viện đa khoa lớn của TP như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Đại học Y dược cũng tăng khoảng 10% so với trước đó, chủ yếu là các bệnh huyết áp, tim mạch – những bệnh này rất dễ xuất hiện khi nhiệt độ đột ngột tăng cao …

Phải cung cấp đủ nước cho bệnh nhân nếu bị sốc nhiệt

Bên cạnh đó, có một hiện tượng mà người dân nên lưu tâm  là sốc nhiệt và say nắng. Khi có sự thay đổi thân nhiệt đột ngột do nhiệt độ ngoài trời quá cao các bác sĩ khuyến cáo nên phòng ngừa bằng việc mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang, bảo hộ lao động, đội nón khi ra đường, hạn chế đứng ngoài nắng quá lâu.

Nếu không may bị say nắng bác sĩ Lê Văn Nhân – Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP khuyến cáo: ”Trong quá trình lỡ bệnh nhân bị say nắng say nóng thì ưu tiên đầu tiên ngoài việc giảm thân nhiệt thì phải cung cấp đủ nước cho bệnh nhân. Cung cấp đủ nước thì huyết áp bệnh nhân sẽ trở lại bình thường, lúc đó sẽ đảm bảo sức khỏe và tính mạng bệnh nhân trong vấn đề này”.

Ăn nhiều trái cây có vitamin, uống nhiều nước...

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để đề phòng bệnh tật cho người già và trẻ nhỏ thì chế độ dinh dưỡng khá quan trọng. Trong đó đặc biệt là trẻ em do sức đề kháng không bằng người lớn, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hương – trưởng khoa dinh dưỡng – Trung tâm dinh dưỡng TP cho biết: ”Về nắng nóng thì phải cho trẻ ăn nhiều trái cây có vitamin để tăng đề kháng, cho bé uống nhiều nước. Nếu dịch bệnh xảy ra nhiều như viêm hô hấp, hay nhiễm trùng đường ruột thì tránh  để cho bé tiếp cận với những nơi này. Tại gia đình có người bệnh không cho người bệnh tiếp cận với bé. Hay những nơi đông người có bệnh nhiều họ sẽ  lây bệnh cho em bé mình”.

Nắng nóng, nguy cơ ngộ độc thức ăn từ thức ăn đường phố rất cao . Đặc biệt là hàng rong, nước giải khát lề đường vậy nên cũng cần phải đề phòng ảnh hưởng sức khỏe. Người dân nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”  - tiêu chí quan trọng giúp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tháng nắng nóng cao điểm này.