Chóng mặt là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

( VOH ) - Tìm hiểu ngay nếu bạn thường xuyên bị chóng mặt để biết mình thuộc trường hợp chóng mặt lành tính hay ác tính.

Trong chương trình Phòng mạch FM, phát sóng trên VOH Radio – Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM, PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết: chóng mặt có thể lành tính nhưng đôi khi nó trở thành vấn đề nghiêm trọng, buộc người bệnh phải đến gặp bác sĩ kiểm tra.

1. Chóng mặt là gì?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay, chóng mặt là triệu chứng mà chúng ta cảm giác đồ vật xung quanh bị xoay tròn theo hướng ngược lại, khiến cơ thể chao đảo.

Chóng mặt là biểu hiện bất thường do sự điều khiển của hệ tiền đình - hệ thống cảm nhận sự thăng bằng của cơ thể. Khi có sự rối loạn của hệ tiền đình, não bộ sẽ không nhận được tư thế của đầu và dẫn đến chóng mặt, mất thăng bằng cảm giác như muốn té.

chong-mat-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Chóng mặt là tình trạng mà nhiều người thường xuyên gặp phải (Nguồn: Internet)

Bác sĩ cũng cho biết, nhiều người thường nhầm lẫn giữa triệu chứng chóng mặt với hoa mắt. Thực tế, chóng mặt và hoa mắt là 2 triệu chứng khác nhau. Trong khi chóng mặt là cảm giác đồ đạc xung quanh bị xoay tròn theo chiều ngược lại thì hoa mắt là cảm giác không gian xung quanh bỗng tối sầm lại, người bệnh muốn xỉu và ngã xuống. Bạn cần phân biệt 2 triệu chứng này để dễ dàng xác định nguyên nhân và điều trị đúng cách.

2. Chóng mặt có nguy hiểm không?

Theo bác sĩ Bay, chóng mặt có thể là lành tính khi nó là triệu chứng của hội chứng tiền đình ốc tai, giảm máu lên cơ quan tiền đình. Tuy nhiên, đôi khi chóng mặt có thể là biểu hiện của những căn bệnh rất nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đột quỵ,…

Để nhận biết chóng mặt lành tính hay ác tính, bạn có thể dựa vào những yếu tố sau đây:

2.1 Chóng mặt lành tính

Cảm giác chóng mặt xuất hiện thoáng qua, bạn ngồi xuống nhắm mắt lại và nghỉ ngơi khoảng 1 đến 2 phút hoặc đôi khi từ 10 – 15 phút thì bình thường trở lại. Nếu rơi vào trường hợp này thì bạn không cần quá lo lắng vì nó lành tính.

2.2 Chóng mặt ác tính

Khi chóng mặt kéo dài hơn 20 phút, dù bạn đã nghỉ ngơi nhưng không thuyên giảm thì nó là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm. Có thể kể như:

  • Thiếu máu mãn tính.
  • Xơ cứng mạch máu: Thường xảy ra ở người lớn tuổi, trong quá trình thoái hóa, mạch máu xơ cứng khiến độ đàn hồi không còn mềm mại để bơm máu lên não.
  • Xơ vữa mạch máu: Gặp ở mọi lứa tuổi, do mỡ trong máu cao bám vào thành mạch tạo thành những mảng xơ vữa. Những mảng xơ vữa này làm đóng hoặc hẹp đường ống dẫn máu lên não, đưa đến hiện tượng chóng mặt.

Bên cạnh đó, nếu chóng mặt do bệnh lý thì người bệnh thường có triệu chứng kèm theo như hoa mắt, đau đầu, buồn nôn,…

Như vậy, để biết chóng mặt có nguy hiểm hay không thì bạn có thể dựa vào thời gian xảy ra chóng mặt và có những triệu chứng khác kèm theo hay không. Nếu chóng mặt lành tính, bạn chỉ cần nghỉ ngơi là đủ, nhưng nếu chóng mặt do bệnh lý thì buộc bạn phải đi gặp bác sĩ để thăm khám và chữa trị ngay.

3. Cách phòng tránh chóng mặt đơn giản

Chóng mặt thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hiệu quả công việc. Do đó, để không bị triệu chứng chóng mặt làm phiền thì bạn nên:

chong-mat-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-voh-2

Cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể để tránh bị chóng mặt (Nguồn: Internet)

  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày (trung bình khoảng 2 lít nước/ngày) để tránh tình trạng cơ thể thiếu nước gây chóng mặt.
  • Nước cam, chanh rất cần thiết cho cơ thể, do đó để phòng ngừa chóng mặt bạn không nên bỏ qua các loại nước này.
  • Tránh xoay đầu, cúi đầu xuống một cách đột ngột vì hành động này sẽ gây chèn ép các mạch máu, lượng máu đưa lên não bị giảm.
  • Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như vitamin B, C, chất đạm, đường, bột.
  • Tăng cường những thức ăn giàu sắt, vitamin nhóm B, chất đạm dễ tiêu hóa như đậu, gan, cải bó xôi, nha đam,…để tránh tình trạng thiếu máu.
  • Khi bị chóng mặt, cần tìm vị trí an toàn ngồi xuống, hít sâu và thở ra nhẹ nhàng, thư giãn để nhanh chóng trở lại bình thường.
  • Nếu có dấu hiệu của bệnh mạch máu thì bạn nên tích cực thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.