Chữa bệnh tiểu đường bằng phương pháp nào hiệu quả nhất?

( VOH ) - Để kiểm soát lượng đường trong máu và ‘sống hòa bình’ với bệnh tiểu đường, bạn có thể tìm hiểu những thông tin hữu ích về cách chữa bệnh tiểu đường dưới đây.

1. Bệnh tiểu đường có chữa dứt điểm được không?

Thực tế, bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không phần lớn là nhờ khả năng điều chỉnh lối sống của người bệnh.

Khả năng chữa bệnh tiểu đường khỏi hoàn toàn đến nay vẫn còn là một thách thức rất lớn trong y khoa. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khoa học Anh vào năm 2014, bệnh tiểu đường tuýp 2 có hy vọng được chữa khỏi bằng thuốc Tây y kết hợp với lối sống lành mạnh.

Việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát lượng đường huyết và tăng cơ hội chữa bệnh hiệu quả hơn.

chua-benh-tieu-duong-bang-phuong-phap-nao-hieu-qua-nhat-voh-1

Để chữa khỏi bệnh tiểu đường bạn phải tích cực trong công tác kiểm soát đường huyết (Nguồn: Internet)

2. Cách trị bệnh tiểu đường

2.1 Liệu pháp điều trị mới của Tây y

Các nhà khoa học vẫn đang không ngừng tiến hành nghiên cứu mang lại hy vọng điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường với các liệu pháp mới như cấy ghép tuyến tụy, tế bào gốc và cấy ghép tế bào beta.

  • Cấy ghép tuyến tụy

Phương pháp này có thể áp dụng để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1. Tuyến tụy được cấy ghép thành công sẽ giúp cơ thể khôi phục lại khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.

Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 1.300 ca ghép tụy thành công cho người bệnh tiểu đường tuýp 1 và 83% trong số đó đã không phải sử dụng insulin sau 1 năm cấy ghép. Tuy nhiên, nguồn tuyến tụy khan hiếm cùng với việc người bệnh phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời nên họ có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác.

  • Liệu pháp tế bào gốc

Các tế bào gốc sẽ cấy ghép vào cơ thể để phát triển thành các tế bào beta – tế bào tuyến tụy có chức năng sản xuất insulin. Liệu pháp này có thể giúp cải thiện rõ rệt quá trình trao đổi glucose và tăng độ nhạy cảm của insulin.

  • Cấy ghép tế bào beta của tiểu đảo tụy

Liệu pháp này giúp cơ thể ổn định mức đường trong máu và kích hoạt sản sinh lượng insulin phù hợp để điều hòa đường huyết. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 8% trong số người bệnh ghép đảo tụy có thể giữ được đường huyết ổn định.

Lưu ý: Các liệu pháp cấy ghép tế bào và tuyến tụy tuy vẫn còn chưa hoàn chỉnh và đang trong quá trình cải tiến, tuy nhiên đây chính là những bước tiến mới của Tây y mở ra nhiều hy vọng cho người bệnh tiểu đường.

2.2 Chữa tiểu đường bằng Đông y

Các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh các bài thuốc Đông y từ Hoài sơn, Mạch môn, Câu kỷ tử,…cũng là một lựa chọn tốt giúp ổn định đường huyết và ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường.

Lưu ý: Nếu muốn ổn định đường huyết bằng phương pháp Đông y thì bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc uy tín để được chỉ định chính xác. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc Đông y khi chưa có sự chỉ định và hướng dẫn của người thầy thuốc.

Nhìn chung, dù cả Tây y và Đông y đều có những bước tiến mới trong nghiên cứu về cách trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một phương pháp nào có thể chữa bệnh tiểu đường triệt để.

  • Với bệnh tiểu đường tuýp 1, đảo tụy – là nơi sản xuất ra insulin bị phá hủy không có khả năng tiết insulin nên để hy vọng chữa khỏi bệnh tiểu đường chỉ chờ vào việc cấy ghép.
  • Riêng với tiểu đường tuýp 2, rối loạn chuyển hóa ở cấp phân tử tế bào không đơn thuần chỉ là đường huyết tăng cao. Nếu người bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm (tiền tiểu đường) mới chỉ có kháng insulin thì việc tích cực điều trị bằng chế độ ăn uống, tập thể dục, dùng thuốc thì có cơ hội chữa khỏi. Nhưng phát hiện ở giai đoạn muộn thì rất khó chữa dứt điểm. Vì khi đó, tuyến tụy đã bị suy kiệt cộng với kháng insulin và những rối loạn chuyển hóa trong cơ thể sẽ khiến người bệnh khó kiểm soát đường huyết, nguy cơ bị biến chứng cao do đường trong máu lên xuống thất thường.

3. Cách kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả

Mặc dù không thể trị dứt điểm bệnh tiểu đường nhưng người bệnh có thể ‘sống hòa bình’ với bệnh bằng những cách sau đây:

chua-benh-tieu-duong-bang-phuong-phap-nao-hieu-qua-nhat-voh-2

Kiểm soát cân nặng ở mức phù hợp để dễ kiểm soát bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

  • Duy trì chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường: Tăng cường chất xơ, cắt giảm chất béo và lượng carbohydrate (có trong tinh bột và đường).
  • Tăng cường vận động thể chất: Mỗi ngày tập luyện ít nhất 30 phút bằng các bài tập như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,…Mỗi tuần tập ít nhất 5 ngày.
  • Kiểm soát trọng lượng: Nếu bị thừa cân, béo phì, bạn hãy lên kế hoạch giảm cân và duy trì nó ở mức hợp lý. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
  • Giảm căng thẳng tinh thần: Stress là một trong những nguyên nhân khiến cho mức đường huyết tăng khó kiểm soát. Do đó, người bệnh tiểu đường cần tập cách thư giãn, ngủ đủ giấc và đúng giờ để góp phần giảm stress.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về cách chữa bệnh tiểu đường hiệu quả nhất. Đồng thời, biết cách kiểm soát đường huyết tại nhà để hạn chế tốc độ phát triển của bệnh tiểu đường.