Điều trị rối loạn cương: Nội khoa hay phẫu thuật?

(VOH) - Sáng 28/7,  Bệnh viện Bình Dân phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức hội thảo chuyên đề: “Điều trị rối loạn cương: Lựa chọn nội khoa hay phẫu thuật”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia nam khoa và tiết niệu của Bệnh viện Bình Dân cùng các giáo sư Bang–Ping Jiann, Hội Y học giới tính Châu Á – Thái Bình Dương và Giáo sư Eric Chung, Bệnh viện Princess Alexandra, Đại học Queensland, Úc báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm về thách thức và điều trị rối loạn cương, tiểu không kiểm soát ở nam giới và đặc biệt là phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo.

ThS. Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam Học

ThS. Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam Học - bệnh viện Bình Dân chia sẻ về thách thức trong điều trị rối loạn cương.

Điều trị rối loạn cương nội khoa, nhất là sử dụng nhóm thuốc ức chế men phosphodiesterase 5 (PDE5i) đã giúp người bệnh thoát khỏi sự phụ thuộc những phương pháp xâm lấn trước đây. Nhiều báo cáo cho thấy hiệu quả và khả năng dung nạp thuốc PDE5i tốt trong điều trị rối loạn cương với các nguyên nhân và mức độ bệnh khác nhau.

Tuy nhiên, có 30% người bệnh kém đáp ứng với liệu pháp thuốc uống, đặc biệt trên những người bệnh khó điều trị như nhóm người bệnh có đái tháo đường.

Tại hội thảo còn chiếu video phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo thực tế tại Bệnh viện Bình Dân cho hai trường hợp bị rối loạn cương trong hơn 10 năm và không đáp ứng với thuốc uống PDE5i.

Rối loạn cương là tình trạng nam giới không thể đạt được và duy trì sự cương dương đủ để quan hệ tình dục trọn vẹn. Có hơn 150 triệu nam giới trên toàn thế giới gặp phải tình trạng rối loạn cương và dự đoán có gấp đôi số lượng này đến năm 2025.

Mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong hiểu biết về sinh lý cương dương và sinh bệnh học của rối loạn cương, cùng với sự phát triển trong các liệu pháp điều trị bằng thuốc, rối loạn cương vẫn là một vấn đề sức khỏe nam giới toàn cầu đáng lưu ý.