Điều trị thoái hóa khớp gối bằng bấm huyệt có hiệu quả không?

(VOH) - Khớp gối là bộ phận phải chịu áp lực của toàn bộ trọng lượng cơ thể nên rất dễ gặp các vấn đề như thoái hóa. Điều trị thoái hóa không đúng cách, người bệnh có thể phải thay khớp.

Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Tôi bị đau 2 chân không đi được. Tôi có đi khám và bác sĩ khoa cơ xương khớp chẩn đoán tôi bị thoái hóa khớp gối nặng. Bác sĩ bảo tôi phải thay khớp mới có khả năng đi được nhưng tôi chưa có khả năng thay khớp. Tôi muốn hỏi bác sĩ, ngoài thay khớp tôi có thể chữa bằng vật lý trị liệu được không? Tôi nên điều trị ở đâu? Bệnh của tôi có thể bấm huyệt được không? Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi.

Thính giả tên Dung đến từ Sóc Trăng

PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Chào chị!

Nếu chị đã đi khám và bác sĩ chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối và chỉ định thay khớp thì có thể tình trạng thoái hóa này rất nặng. Có thể trong quá trình thoái hóa, các khớp đã biến dạng, dính các đầu sụn lại với nhau, khiến chị không thể gập gối hoặc ngồi xổm được. Tình trạng này cần chỉnh hình, tức là thay khớp gối.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đau và đi không được, mà biên độ vận động vẫn còn như khi chị bước đi vẫn co đầu gối được, bước lên cầu thang được, ngồi đưa chân thẳng góc được,…thì tất cả những trường hợp này có thể không thay khớp nhưng chị phải đeo đai gối. Đai gối sẽ giúp bảo vệ khớp gối, khi chị đi, vận động sẽ bớt đau hơn,…Tuy nhiên, đai gối này có nhược điểm là gây teo cơ đùi nên đây chỉ là biện pháp tạm thời.

dieu-tri-thoai-hoa-khop-goi-bang-bam-huyet-co-hieu-qua-khong-voh

Bấm huyệt chữa thoái hóa khớp gối được không? (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, nếu không phẫu thuật thì chị có thể uống thuốc kháng viêm, giảm đau trong trường hợp thoái hóa có viêm nhiễm. Đồng thời, chị cũng phải tập phục hồi chức năng, vận động khớp và châm cứu, bấm huyệt.

Trường hợp của chị có thể bấm huyệt, tuy nhiên đây chỉ là phương pháp giảm đau, phục hồi cơ lực vận động, chứ không thể thay thế cho các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối khác.

Như vậy, chị có thể đến gặp các bác sĩ vật lý trị liệu – phục hồi chức năng để được hướng dẫn cách tập đúng mà không làm tổn thương thêm. Bên cạnh đó, chị có thể đeo thêm đai gối và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chị có thể điều trị ở chuyên khoa cơ xương khớp của Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng. Hoặc nếu có điều kiện chị có thể đến các chuyên khoa cơ xương khớp ở TPHCM mà có kết hợp chữa Đông Tây y để chữa dứt bệnh thoái hóa khớp gối cho mình.

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: