Hiện tượng ra kinh non sau sinh có nguy hiểm không?

(VOH) – Kinh non sau sinh là một tình trạng phổ biến, thường gặp ở nhiều bà mẹ sau sinh. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng hiểu rõ về hiện tượng này.

Sau khi sinh từ 6 – 8 tuần, kinh nguyệt của phụ nữ có thể quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn thì các mẹ sẽ được đình chỉ kinh nguyệt khoảng 6 tháng, thậm chí nhiều trường hợp kéo dài đến 1 năm mới có kinh trở lại.

Với phụ nữ sau sinh, ngoài việc quan tâm đến sản dịch sau sinh bao lâu thì hết thì việc tìm hiểu hiện tượng kinh non sau sinh cũng rất quan trọng, bởi đây là hiện tượng phổ biến mà rất nhiều chị em gặp phải.

1. Hiện tượng kinh non là gì?

Kinh non là một hiện tượng chảy máu tương tự như thời kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, thường xuất hiện vào khoảng 4 – 6 tuần sau khi sinh. Nguyên nhân là do sau khi hết sản dịch cũng là lúc niêm mạc tử cung phục hồi, tính toán cho thấy khoảng ngày thứ 21, niêm mạc tử cung đã hồi phục và có thể bong ra gây chảy máu, hay còn gọi là kinh non.

Kinh non sau sinh thường kéo dài từ 3 – 5 ngày, dịch ra có màu đỏ tươi, không kèm theo sốt hay đau bụng. Tuy nhiên, với những trường hợp ra huyết trên 8 ngày chị em cần đi đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám cụ thể.

hien-tuong-ra-kinh-non-sau-sinh-co-nguy-hiem-khong-voh

Kinh non là hiện tượng sinh lý cho thấy niêm mạc tử cung đang được phục hồi sớm (Nguồn: Internet)

2. Dấu hiệu nhận biết kinh non sau sinh

Thời điểm hết sản dịch sau sinh cũng chính là lúc niêm mạc tử cung dần phục hồi. Thường vào khoảng ngày thứ 21 là niêm mạc tử cung đã hồi phục và có gây chảy máu, đó chính là kinh non.

Rất nhiều người cũng thắc mắc liệu kinh non có phải kinh nguyệt không và hay nhầm lẫn kinh non với kinh nguyệt, nhưng thực chất thì kinh non sẽ bao gồm máu, lớp màng tử cung, chất nhầy và tế bào bạch cầu.

2.1 Đối với trường hợp sinh thường

  • Sau sinh 3 ngày thì máu của mẹ bầu có màu đỏ tươi hoặc hơi đậm một chút, mùi như máu kinh bình thường và có thể lẫn vài cục máu đông chỉ có kích thước nhỏ bằng bằng quả nho trong đó.
  • Bắt đầu ngày thứ 4 - ngày thứ 7 thì máu sẽ dần chuyển sang màu hồng hoặc hơi nâu và máu đông giờ đã nhỏ hơn hoặc biến mất.
  • Các ngày tiếp theo thì chỉ còn các chất nhầy màu trắng hoặc vàng nhạt chảy ra và không còn màu đỏ của máu nữa. Tình trạng sẽ biến mất đi từ 3 đến 6 tuần.

2.2 Đối với trường hợp sinh mổ

  • So với sinh thường thì khi sinh mổ chị em phụ nữ ít bị đau bụng và âm đạo hơn. Nhưng vẫn sẽ có hiện tượng kinh non sau sinh xuất hiện trong vài tuần.
  • Dấu hiệu nhận biết kinh non sau sinh do sinh mổ cũng giống như sinh thường nhưng ở sinh mổ thì hiện tượng này sẽ kéo dài hơn.

Hiện tượng ra kinh son sau sinh là chuyện bình thường và phổ biến ở nhiều phụ nữ, đây còn là dấu hiệu cho thấy tử cung đang dần hồi phục tốt và hoạt động trở lại như trước khi mang thai.

hien-tuong-ra-kinh-non-sau-sinh-co-nguy-hiem-khong-voh-2
Hiện tượng kinh non sau sinh xảy ra phổ biến ở nhiều chị em phụ nữ

3. Những lưu ý mẹ bầu cần nhớ khi ra kinh non sau sinh

Với hầu hết mọi phụ nữ, sản dịch thường diễn ra trong vòng 6 tuần sau khi sinh, kể cả ở những người sinh thường hay cả với sản phụ sinh mổ. Và hiện tượng kinh non xuất hiện đồng nghĩa với việc sản dịch đã được “tống” hết ra ngoài cơ thể. Những mẹ sinh con lần đầu nên đặc biệt chú ý các vấn đề sau đến thời gian kết thúc sản dịch:

  • Dù sinh thường hay sinh mổ, âm đạo vẫn có một lượng máu nhất định chảy ra mỗi ngày do phần niêm mạc tử cung không cần thiết sẽ bong ra. Vì máu chảy khá nhiều nên chị em phụ nữ cần dùng miếng đệm để cầm bớt máu và khi máu đã bắt đầu chảy chậm thì có thể chuyển sang dùng băng vệ sinh bình thường.
  • Trong thời gian này, mẹ cần phải chú ý làm sạch vùng kín cẩn thận bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh, thay băng 4 tiếng/lần.
  • Ngoài ra, cần ăn uống đầy đủ, đặc biệt là thực phẩm giàu chất sắt để cơ thể được khỏe mạnh.
  • Nên vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi đầy đủ, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ sẽ giúp cơ thể mẹ nhanh chóng hồi phục sau sinh.
  • Nhiều gặp vợ chồng ngay thời điểm có kinh non đã có quan hệ “chăn gối”, thế nhưng cần nhớ rằng đây là thời điểm rất dễ bị viêm nhiễm phụ khoa. Vì thế, cần phải giữ vệ sinh thật tốt, đặc biệt là trước và sau khi có “quan hệ vợ chồng".
  • Nếu quan hệ vào thời điểm có kinh non thì khả năng mang thai tương đối thấp, tuy nhiên buồng trứng và niêm mạc tử cung đã phục hồi, do đó, tốt nhất sản phụ nên dùng các biện pháp ngừa thai sau sinh an toàn để tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

4. Hiện tượng kinh non sau sinh ra máu bất thường

Hầu hết các sản phụ ra kinh non sau sinh là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp là dấu hiệu bất thường mà các mẹ cần lưu ý, nếu phát hiện hãy đến các cơ sở y tế được thăm khám, theo dõi.

5. Trẻ sơ sinh cũng có thể gặp phải hiện tượng kinh non

Không chỉ ở phụ nữ sau sinh, mà hầu hết các bé gái sơ sinh đều có “một chút kinh nguyệt” vào một thời điểm nào đó trong khoảng ngày thứ 3 đến ngay thứ 10 sau khi sinh. Khi còn trong bào thai, bé gái nhận nội tiết thai kỳ từ người mẹ, sau khi sinh, nồng độ nội tiết giảm đột ngột làm bong nội mạc tử cung, gây hiện tượng giống như hành kinh. 

Đây là dấu hiệu cho thấy bé có tử cung và âm đạo bình thường, không bị dị tật bẩm sinh như: không có âm đạo hoặc bất sản tử cung.

hien-tuong-ra-kinh-non-sau-sinh-co-nguy-hiem-khong-1-voh

Hầu hết các bé gái khi mới sinh ra đều sẽ có hiện tượng kinh nguyệt non (Nguồn: Internet)

Lượng huyết này ít và không kéo dài, sau vài ngày sẽ hết. Tuy nhiên, nếu bé bị chảy máu âm đạo kéo dài hoặc quá mức thì mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn chảy máu cơ bản.

Ngoài hiện tượng kinh non, ở các bé gái sơ sinh còn xuất hiện nhiều dấu hiệu khác như:

  • Tuyến vú bị sưng viêm: Xuất hiện sau 3 – 5 ngày sau sinh, núm vú bé sẽ phồng to bằng hạt đậu, có tiết một ít chất nhờn màu vàng. Hiện tượng này sẽ mất đi khi trẻ được 2 - 3 tuần tuổi.
  • Cơ quan sinh dục ngoài bị phồng to: Bộ phận này của bé gái sơ sinh có thể khá lớn và phồng to khi lọt lòng mẹ. Nguyên nhân thường là do có sự tiếp xúc với các hormone của mẹ và bào thai tiết ra, do chấn thương khi sinh và quá trình phát triển tự nhiên của cơ quan sinh dục ngoài.
  • Nhiều mảng bám trắng ở giữa môi lớn và môi bé: Tại khu vực nhạy cảm của bé gái sơ sinh sẽ có nhiều những mảng bám trắng. Những mảng bám này có thể được rửa sạch theo thời gian. Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng bởi các bé gái mới sinh đều sẽ tiết dịch ra như vậy, sau đó sẽ hết dần.

Trên đây là những thông tin về hiện tượng kinh non sau sinh, nhìn chung hiện tượng này không phải hiếm gặp vì thế các mẹ không cần phải quá lo lắng. Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp mẹ hiểu rõ, từ đó có cách chăm sóc bản thân sau sinh phù hợp nhất.