Khi bệnh tim mạch và đột quỵ “bắt tay nhau”

(VOH) - Theo Hội tim mạch học Việt Nam, cứ 3 người trưởng thành có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi năm, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi mạng sống khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số ca bệnh tử vong tại Việt Nam.

Căn bệnh này là một nguyên nhân tử vong hàng đầu thế giới. Nguy hiểm hơn nữa, bệnh tim mạch và đột quỵ (tai biến mạch máu não) lại có mối quan hệ "thân thiết".

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Trung, khoa tim mạch bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh đột quỵ do hai nguyên nhân là tắc mạch máu não và vỡ mạch máu não. Thực tế, có đến khoảng 80% các ca đột quỵ là do tắc mạch máu não. Bệnh thường xảy ra ở người có bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, hoặc những vấn đề thuộc về lối sống như người hay hút thuốc lá, bị stress, thức khuya nhiều…. Một nguyên nhân khác là các bệnh liên quan đến tim mạch thường tạo cục huyết khối dễ dẫn đến tắc mạch máu não hơn.

Nghe chương trình "Sức khỏe và cuộc sống" về chủ để :Tim mạch và đột quỵ.

Mặc dù là một trong những bệnh nguy hiểm, nhưng ngoài những yếu tố thuộc về tuổi tác, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được các bệnh lý tim mạch ở góc độ lối sống. Chẳng hạn không hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng của mình, kiểm soát căng thẳng, tập thể dục hợp lý, hạn chế thực phẩm giàu năng lượng có thể gây béo phì, tăng cường thực phẩm nhiều xơ…

Khi bệnh tim mạch và đột quỵ “bắt tay nhau” 1

Kiểm soát căng thẳng giúp giảm nguy cơ bị tắc mạch máu não. Hình ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Điều quan trọng là cố gắng đừng để bệnh tim mạch và đột quỵ “bắt tay nhau”. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Trung, để giảm nguy cơ đột quỵ, những người mắc các bệnh suy tim, đái tháo đường, tăng mỡ trong máu, cao huyết áp….cần nhanh chóng đi khám và điều trị để kiểm soát bệnh của mình. Trường hợp nhận thấy một trong các dấu hiệu như tê, yếu liệt một bộ phận nào đó, giao tiếp ngọng nghịu hoặc không nói được… cần cấp cứu ngay lập tức. “Giờ vàng” để người bị đột quỵ có khả năng phục hồi sức khỏe ở mức tốt nhất có thể là sau 3 – 6h có dấu hiệu đột quỵ, người bệnh được đến bệnh viện cấp cứu. Nếu cấp cứu muộn hơn, người bị đột quỵ có thể bị di chứng không nói được, bị bại liệt hoặc thậm chí bị tử vong.

 

Chương trình Sức khỏe và cuộc sống được phát sóng trực tiếp từ 12h00 - 12h30 trưa chủ nhật hàng tuần và phát lại lúc 19h00 - 19h30 thứ bảy tuần sau cùng trên tần số FM 99,9 MHz, Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đường dây nóng đăng ký tư vấn sức khỏe hoạt động trong thời gian phát sóng trực tiếp: 08.3822.3285.

VOH Online