Khi nào kỳ kinh nguyệt sau sinh quay trở lại?

(VOH) – Cơ thể phụ nữ sau sinh trải qua rất nhiều thay đổi, trong đó thời gian xuất hiện kinh nguyệt sau sinh luôn được các chị em chú ý bởi nó có liên quan chặt chẽ đến kế hoạch sinh con tiếp theo.

Khi phụ nữ mang thai, chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng sẽ tạm dừng và sẽ trở lại sau khi sinh con xong. Chắc chắn rằng sẽ có nhiều chị em đều thắc mắc ‘sau sinh bao lâu có kinh nguyệt nguyệt trở lại’. Có rất nhiều lý do để chị em nghĩ đến điều này, bởi vì sẽ rất khó chịu khi vừa chăm con vừa phải ‘đối phó’ với kỳ hành kinh hoặc các chị em đều hoang mang vì không biết ‘quan hệ vợ chồng’ có an toàn hay không, khi chu kỳ kinh nguyệt vẫn chưa xuất hiện...

1. Khi nào chu kỳ kinh nguyệt sau sinh quay trở lại?

Rất khó xác định chính xác thời gian nào chu kỳ kinh nguyệt sẽ bắt đầu xuất hiện đối với phụ nữ sau sinh và đang cho con bú. Ở những người không cho con bú, khoảng 40% phụ nữ sẽ có kinh nguyệt trở lại sau 6 tuần sinh con. Nhưng nếu cho con bú hoàn toàn thì chị em sẽ có kinh muộn hơn, khoảng 7 -  8 tháng sau sinh.

khi-nao-ky-kinh-nguyet-sau-sinh-quay-tro-lai-voh

Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ làm kinh nguyệt đến chậm hơn (Nguồn: Internet)

Như vậy, muốn nhận biết dấu hiệu sắp có kinh nguyệt sau sinh các mẹ có thể dựa vào những biểu hiện sau:

  • Khi đang cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, nguyệt san sẽ không trở lại cho đến khi bé có dấu hiệu ngưng bú. Ví dụ, bé bắt đầu ngủ lâu hơn vào ban đêm hoặc số lần bé bú ít đi. Nếu thấy dấu hiệu này thì kỳ nguyệt san sẽ đến nhanh thôi.
  • Khi bé bắt đầu tập ăn dặm, bé sẽ tự phân chia thời gian giữa việc bú mẹ và ăn. Điều này đồng nghĩa với số lần bé bú sẽ giảm xuống và đó cũng là một tín hiệu cho thấy kỳ kinh nguyệt sẽ hoạt động trở lại.

Lưu ý: Khi cho con bú mẹ có thể bị chảy máu vài ngày, sau đó lại ngưng. Điều này là hoàn toàn bình thường và không có nghĩa là kinh nguyệt đã hoạt động trở lại.

2. Kinh nguyệt sau sinh có đều không?

Một số trường hợp, chị em sau khi sinh xong kinh nguyệt có thể sẽ không đều đặn, có thể nhiều hoặc ít hơn trước. Nguyên nhân gây ra tình trạng này được các bác sĩ lý giải là do sự mất cân bằng hormone trong cơ thể.

Sự mất cân bằng hormone này thường xảy ra trong vài tháng đầu sau sinh (khoảng 3 – 4 tháng) do cơ thể vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Nếu mẹ cảm thấy điều này không quan trọng, mẹ có thể không làm gì cả. Còn nếu mẹ lo lắng thì có thể nhờ bác sĩ tư vấn các biện pháp điều chỉnh hormone, giúp kinh nguyệt trở lại bình thường.

Rất nhiều phụ nữ tin rằng, họ sẽ không thể có thai một lần nữa cho đến khi chu kỳ kinh nguyệt sau sinh của họ bắt đầu đi vào quỹ đạo đều đặn như trước kia. Thế nhưng, đây là suy nghĩ sai lầm, bởi cho dù chu kỳ nguyệt san không đều thì sự rụng trứng vẫn luôn xảy ra và khả năng có thai vẫn có do buồng trứng vẫn còn hoạt động.

Do đó, trong thời gian cho nếu có 'quan hệ vợ chồng' các mẹ nên sử dụng các biện pháp tránh thai, có thể sử dụng thuốc ngừa thai trong thời gian cho con bú để kế hoạch hóa gia đình nhưng với điều kiện là loại thuốc đó sẽ không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa.

3. Làm sao phân biệt sản dịch và kinh nguyệt sau sinh?

Thời gian kinh nguyệt sau sinh trở lại rất thất thường và khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, có một đặc điểm của kỳ kinh nguyệt lần đầu sau sinh sẽ giống nhau để mẹ có thể phân biệt được đâu là sản dịch sau sinh đâu là ngày ‘đèn đỏ’ xuất hiện.

khi-nao-ky-kinh-nguyet-sau-sinh-quay-tro-lai-1-voh

Đừng nhầm lẫn ngày 'đèn đỏ' với sản dịch sau sinh (Nguồn: Internet)

Theo đó, máu kinh trong chu kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên sau sinh thường có màu đỏ đậm và lượng máu chảy ra cũng sẽ nhiều hơn so với sản dịch sau sinh. Và hầu hết chu kỳ kinh nguyệt lần đầu sau sinh sẽ kéo dài khoảng một tuần hoặc lâu hơn.

Với những trường hợp kinh nguyệt sau sinh ra rất nhiều hoặc rất ít và có những triệu chứng dưới đây thì chị em nên đến bệnh viện để khám chính xác:

  • Máu có màu đỏ tươi và kéo dài hơn một tuần
  • Đôi khi thấy có cục máu đông sau khi sinh (cục máu quá lớn hoặc kéo dài quá lâu).
  • Máu chuyển từ màu đỏ tươi sang màu khác nhưng lại đột ngột quay lại màu đỏ tươi
  • Thấy đau đớn ở tử cung hoặc những vùng xung quanh khác.
  • Thông thường, máu kinh sẽ có mùi hôi nhưng nếu mùi quá nồng thì nên hỏi ý kiến bác sĩ.

4. Nên dùng tampon hay băng vệ sinh trong kỳ nguyệt san?

Thông thường, nếu đang trong thời gian cho con bú mà kinh nguyệt lại xuất hiện thì lựa chọn dùng tampon sẽ giúp chị em kiểm soát tốt và thoải mái hơn. Tuy nhiên, tampon lại không được khuyến khích sử dụng trong thời gian này. Nguyên nhân là do:

  • Tampon có thể khiến lượng máu chảy ra bị cản trở, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ phát triển.
  • Khi cơ thể người mẹ vừa trải qua một cuộc ‘vượt cạn’, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ còn rất yếu và dễ bị nhiễm trùng.

Vì thế, sử dụng băng vệ sinh sẽ là lựa chọn an toàn hơn. Nếu cảm thấy dùng băng vệ sinh thông thường không thoải mái, mẹ có thể chuyển sang loại băng vệ sinh dành cho sản phụ.

5. Mối quan hệ giữa việc cho trẻ bú và kinh nguyệt sau sinh

Tình trạng cơ thể của mỗi người khác nhau nên những thay đổi sau sinh cũng không giống nhau. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất khi bạn cho bé bú đó là về chu kỳ kinh nguyệt. Nếu muốn chu kỳ kinh nguyệt chậm xuất hiện sau sinh mẹ hãy làm những điều sau đây:

  • Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau khi sinh và không cho bé uống bất kỳ loại nước nào khác trong thời gian này.
  • Cho bé bú sữa theo cách mà cả mẹ lẫn bé đều cảm thấy thoải mái nhất.
  • Không nên cho bé dùng núm vú giả khi đang bé còn bú sữa mẹ vì điều này có thể ảnh hưởng đến sự trở lại của kinh nguyệt.
  • Cho bé bú ngay khi bé đói (dù là vào ban ngày hay đêm) và đừng tạo ra một thời gian biểu nào cả.

Hãy nhớ rằng xuất hiện kinh nguyệt ở mỗi mẹ sau sinh là khác nhau, vì thế đừng quá lo lắng về vấn đề này. Thay vào đó, hãy cố giữ tâm trạng thoải mái nhất trong quá trình chăm sóc con, nếu thấy có bất cứ điều gì bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể.