Khi trẻ bị bỏng cha mẹ cần làm gì?

Trẻ nhỏ rất dễ bị bỏng khi vô tình chạm vào nước sôi, cháo nóng, pô xe... Nếu cha mẹ không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ khiến cho làn da non nớt của bé bị tổn thương nặng nề.

Phần lớn các trường hợp trẻ bị bỏng đều do nước sôi gây ra, mặc dù tỷ lệ tử vong do bỏng tương đối thấp nhưng có thể để lại nhiều di chứng nặng nề như: sẹo, giảm chức năng vận động, chấn động tâm lý...

Trẻ bị bỏng nặng cần phải được điều trị đặc biệt từ các y bác sĩ, nhưng nếu trẻ bị bỏng nhẹ cha mẹ có thể tự xử lý tại nhà, chỉ cần trang bị tốt những kiến thức cơ bản trong việc sơ cấp cứu khi trẻ bị bỏng là được.

1. Nguyên nhân phổ biến gây bỏng ở trẻ em

Phần lớn các nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng thường là do:

  • Bỏng do nước sôi từ thức ăn nóng, dầu sôi, nước trong bình thủy, canh sôi...
  • Bỏng do trẻ tiếp xúc với các đồ vật nóng hoặc vật có tính phát nhiệt cao như bếp than, lò sưởi, bàn ủi...
  • Bỏng do tiếp xúc với nguồn điện hoặc đứng quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.
  • Trẻ cũng có thể bị bỏng do các loại hóa chất như chất tẩy rửa, pin đồng hồ, keo dán sắt...

2. Cách xử lý trẻ bị bỏng như thế nào là an toàn, khoa học?

Nhiều người khi thấy trẻ bị bỏng liền áp dụng ngay các cách dân gian như: bôi kem đánh răng, dội nước mắm, đắp các loại lá cây lên vết thương... Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê – Trưởng khoa Nhi, BV Quốc Tế Hạnh Phúc cho biết, tất cả các phương pháp trên đều phản khoa học.

Cách đơn giản và hiệu quả nhất giúp làm giảm nhiệt độ nhanh và rửa trôi đi những chất bẩn tại vùng bỏng của trẻ chính là dội nhẹ nhàng nước lạnh sạch lên vết bỏng trong vòng khoảng từ 15 - 20 phút.  

khi-tre-bi-bong-me-can-lam-gi-voh

Khi trẻ bị bỏng cần dội nước lạnh sạch lên vết bỏng trong vòng khoảng từ 15 - 20 phút (Nguồn: Internet)

Việc dùng nước sạch dội hoặc ngâm vùng bỏng của trẻ sẽ giúp hạ nhiệt nhanh, giảm đau giảm phù nề, viêm nhiễm, đồng thời cũng sẽ giúp làm giảm độ sâu của của vết thương.

Lưu ý: Không nên lấy nước đá đắp trực tiếp vào vết thương vì có thể gây tổn thương da của trẻ.

Đồng thời với việc dội hoặc ngâm nước lạnh thì cần phải cởi bỏ quần áo có tiếp xúc với chỗ bị bỏng. Trong trường hợp quần áo dính vào chỗ vết thường, đừng cố gắng kéo ra vì có thể gây tổn thương da nhiều hơn.

Sau khi làm dịu vết bỏng của trẻ, cha mẹ có thể giúp trẻ giảm đau bằng cách cho trẻ uống thuốc giảm đau (có thể dùng thuốc gốc paracetamol với liều dùng 10 -15mg/kg). Cuối cùng là đánh giá độ nông sâu của vết thương để tiến hành sơ cứu hoặc chăm sóc phù hợp.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-0
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

3. Phân loại độ sâu vết bỏng ở trẻ em

3.1. Bỏng độ 1

Dấu hiệu nhận biết: Da đỏ ửng, đau và sưng nhẹ. Da vẫn khô và chưa bị phồng rộp

Trẻ bị bỏng độ 1 có thể chăm sóc tại nhà trong vòng 3 – 5 ngày và thường sẽ không để sẹo. Cha mẹ có thể sử dụng kem lô hội (aloe vera) để bôi lên vết bỏng vài lần một ngày.

3.2. Bỏng độ 2

Dấu hiệu nhận biết: Vết bỏng khiến da bị tấy đỏ, rát và vô cùng đau nhức, xuất hiện vết phồng rộp có chứa dịch bên trong nhưng không vỡ.

Cha mẹ tuyệt đối không nên chọc thủng bọng nước, vì có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào gây viêm nhiễm.

khi-tre-bi-bong-me-can-lam-gi-1-voh

Tuyệt đối không chọc thủng bọng nước khi trẻ bị bị bỏng (Nguồn: Internet)

Sau khi tiến hành điều trị, thời gian hồi phục ở mỗi bé khác nhau và phụ thuộc vào mức độ của vết bỏng, thông thường là 3 tuần trở lên.

Thông thường các trường hợp bỏng độ 2, cha mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện hoặc chăm sóc tại nhà. Nếu chăm sóc tại nhà, cha mẹ nên bôi các loại kem có gốc bạc (kem silver, Silvirin, Silvadene) lên vết bỏng để ngừa nhiễm khuẩn.

3.3. Bỏng độ 3

Dấu hiệu nhận biết: Bề mặt da khô và tróc, có thể nhìn thấy vùng lõm sâu bên trong, thậm chí lồi cả thịt và xương. Đây là vết bỏng nặng nhất gây đau đớn cho nạn nhân.

Khi trẻ bị bỏng độ 3, bắt buộc phải được cấp cứu ở bệnh viện. Do đó, sau khi làm mát bằng cách dội nước lạnh, cho uống thuốc giảm đau thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Tại đây, các sĩ sẽ có những hướng điều trị phù hợp và an toàn cho bé.

Lưu ý: Với những trường hợp trẻ bị bỏng một bên tay, một bên chân, vùng ngực hay vùng mặt thì dù nhẹ hay nặng cha mẹ vẫn nên đưa bé đến bệnh viện.

4. Phòng ngừa tình trạng bỏng ở trẻ em bằng cách nào?

Phần lớn các trường hợp bỏng thường xảy ra tại nhà, khu vực bếp, do đó, cha mẹ cần có những biện pháp để giúp làm giảm thiểu nguy cơ trẻ bị bỏng như:

  • Để bật lửa, các loại hóa chất, keo dán sắt… xa tầm tay trẻ em.
  • Tất cả các thiết bị, đồ dùng điện tử nên để ở những ở nơi an toàn cho trẻ.
  • Cần kiểm tra thường xuyên đường dây điện, bỏ những dây điện, tay cầm, phích cắm bị cũ hoặc bị hỏng…
  • Không cho trẻ nhỏ đến gần khu vực bếp.
  • Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, không nên mang bé ra ngoài trời nắng quá lâu.
  • Bảo quản, cất giữ các chất tẩy rửa an toàn trên cao

Ngoài ra, mỗi gia đình nên trang bị một tủ thuốc y tế ở trong nhà với đầy đủ các loại thuốc thông dụng để đề phòng những trường hợp đột xuất có thể mang ra dùng ngay.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ chia sẻ của bác sĩ  Nguyễn Thị Hạnh Lê tại audio bên dưới:

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái