Khuyến cáo trẻ dễ nhiễm bệnh khi giao mùa

(VOH) - TPHCM mấy tuần qua đã xuất hiện những cơn mưa lớn, thời tiết bắt đầu chuyển mùa, từ nắng sang mưa sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh vi rút phát triển.

Tại các bệnh viện trẻ bị sốt siêu vi, rối loạn tiêu hóa cũng như bệnh theo mùa là sốt xuất huyết, tay chân miệng bắt đầu gia tăng. Với bệnh sốt xuất huyết, sẽ rất nguy hiểm khi bệnh nhân nhập viện trễ, khả năng tử vong cao vì cho đến nay bệnh này chưa có vắc xin phòng ngừa.

Xen lẫn những ngày mưa là tiết trời vẫn còn nóng bức, nhiệt độ tăng cao, vì thế trẻ rất dễ bị viêm họng vì gia đình cho ngủ máy lạnh, sử dụng quạt máy và cho trẻ uống nước đá nhiều.

Bé Nguyễn Thiên An, 22 tháng tuổi nhà ở Tiền Giang, nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 , điều trị vì sốt siêu vi, viêm họng. Còn bé Lê Thảo Nhi, 18 tháng nhà ở Hóc Môn phải nhập viện do tiêu chảy cấp.

Ảnh minh họa. 

Nghe bài viết tại đây.  

Trường hợp trẻ bị viêm hô hấp nếu điều trị cho trẻ không triệt để thì vi trùng sẽ tấn công gây viêm não, viêm phổi mà thực tế đã xảy ra với trường hợp bé Thiên An.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1, cảnh báo các tác nhân viêm đường hô hấp là siêu vi nhưng em bé sức đề kháng kém tạo điều kiện cho vi khuẩn bản chất có trong họng bội nhiễm tấn công sâu xuống phổi gây viêm phổi, lên tai gây viêm tai thậm chí lây lên màng não, nhiễm trùng huyết.

Mùa hè khi những cơn mưa xuất hiện ngày càng nhiều thì nguy cơ sốt xuất huyết có thể tấn công cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Sốt xuất huyết là một bệnh nguy hiểm đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh. Ngay cả tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP, nhiều người lớn mắc sốt xuất huyết vẫn không biết, ngỡ tưởng cảm sốt thông thường đến khi nhập viện thì đã biến chứng điều trị rất khó khăn.

Cách phòng bệnh

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyến cáo: “Sốt xuất huyết là bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến người già. Nhóm có biến chứng nặng là trẻ em vì thường gây suy đa cơ quan, và tử vong chính là do sốc, trụy tim mạch, xuất huyết nặng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp nặng là người dân còn chủ quan, lơ là trong theo dõi phát hiện sớm bệnh, dẫn đến nhập viện trong giai đoạn trễ của bệnh”.

Trong mùa hè, do nắng nóng, bảo quản thực phẩm không đảm bảo sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng tiêu hóa, tiêu chảy cấp ở trẻ. Khi mắc phải bệnh lý này sẽ gây mất nước nghiêm trọng nên các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà dễ dẫn đến tình trạng sốc mất nước. May mắn là trong số vi rút gây ra tiêu chảy cấp, hiện đã có nhiều chủng có vắc xin phòng ngừa.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh cảnh báo: “Trong đường tiêu hóa ngoài chuyện ăn uống nhiễm khuẩn thì có một số vi rút cụ thể như rotavirus cũng thường gây tiêu chảy cho trẻ. Nếu có điều kiện nên chú ý phòng ngừa bằng vắc xin sẽ bảo vệ em bé suốt thời gian ấu thơ còn những biện pháp khác thì làm theo từng mùa, từng mùa”.

Bệnh viêm não mô cầu thường xảy ra vào mùa hè đây là bệnh nguy hiểm vì diễn tiến rất nhanh, trẻ rất dễ biến chứng và nguy cơ tử vong rất cao. Mùa hè để chủ động phòng bệnh thì mọi người nên tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm như ăn chín, uống chín, tránh ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, hãy thường xuyên giữ vệ sinh cơ thể và quan trọng nhất hãy rửa tay sạch, việc này vô cùng quan trọng trong phòng bệnh nhất là với bệnh tay chân miệng theo như khuyến cáo của bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Y tế dự phòng TP.

“Ngành y tế khuyến cáo 2 biện pháp lớn nhất toàn cộng đồng cùng thực hiện là rửa tay phòng bệnh, vệ sinh khử khuẩn nhà cửa vật dụng. Không những với tay chân miệng, rửa tay còn có ý nghĩa giúp phòng các bệnh lây qua đường tiếp xúc và bệnh lây qua đường tiêu hóa”. - bác sĩ Lê Hồng Nga cho biết. 

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên lưu ý với những bệnh nào đã có vắc xin phòng bệnh thì chủ động đi tiêm ngừa cho con em mình vì phòng bệnh lúc nào cũng là tiêu chí hàng đầu đặt ra trong bảo vệ sức khỏe trẻ em.