Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Phú Lâm

(VOH) - Sáng 28/3, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đã kiểm tra công tác thực hiện mô hình này tại chợ Phú Lâm, Quận 6.

Báo cáo từ Ban quản lý, chợ Phú Lâm là nơi được UBND Quận 6 chọn làm chợ thí điểm an toàn thực phẩm có quy mô 410 sạp hàng nhưng hiện chỉ có 242 sạp đang kinh doanh. Để xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm, UBND Quận 6 đã đầu tư sửa sang cơ sở vật chất chợ khang trang, sạch đẹp hơn, đồng thời liên tục tổ chức các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho tiểu thương.

Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ liên tục kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng tươi sống.

Bà Lan kiểm tra hóa đơn chứng hàng mua về bán tại tại sạp rau chợ Phú Lâm

Bà Lan kiểm tra hóa đơn chứng hàng mua về bán tại tại sạp rau chợ Phú Lâm

Tại buổi kiểm tra, bà Nguyễn Thị Kim Anh, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thủy hải sản chợ Phú Lâm phản ánh tình trạng chợ ế ẩm kéo dài do bị chợ tự phát ăn theo bủa vây xung quanh chợ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cho rằng, việc chợ tự phát ăn theo bủa vây chợ truyền thống không những gây bất công cho tiểu thương trong chợ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm bởi không thể kiểm soát được nguồn gốc của những thực phẩm này.

Do vậy, bà Lan yêu cầu Ban Quản lý chợ Phú Lâm phối hợp với địa phương mạnh tay xử lý chợ tự phát ăn theo chợ truyền thống đồng thời kêu gọi người dân không mua thực phẩm ở chợ tự phát.

Theo bà Lan, mục đích chuyến khảo sát nhằm xem mô hình điểm này thực hiện thực tế như thế nào. Với 3 tiêu chí thứ nhất là điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh tạị đây có thể chấp nhận được, đó là nỗ lực rất lớn từ Ban quản lý và tiểu thương. Thứ hai là kiến thức của người hành nghề, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP đã kiểm tra nhiều đợt, thường xuyên để nhắc nhớ và thứ ba khó khăn nhất là chứng minh nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát toàn bộ nguồn gốc của thực phẩm mua bán tại chợ.

Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm được Ban xây dựng dựa trên 3 tiêu chí: Điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh của chợ, kiến thức và trách nhiệm của tiểu thương và kiểm soát toàn bộ nguồn gốc của thực phẩm mua bán tại chợ.

Từ năm 2019, TPHCM bắt đầu nhân rộng mô hình này tại 24 quận, huyện, trong đó mỗi địa phương chọn ra một chợ để thực hiện thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng ra tất cả chợ trên địa bàn Thành phố.