Kombucha là gì, dùng nhiều có tốt không?

(VOH) - Kombucha được nhiều người cho là loại trà ‘bất tử’, đồng thời nó còn là bí quyết để phụ nữ ‘trẻ mãi không già’. Vậy trong kombucha có gì mà được nhiều ca tụng đến vậy?

1. Kombucha là gì?

Kombucha là một loại thức uống lên men được làm với trà xanh, đen hoặc bạch trà, đường, vi khuẩn và nấm men. Để làm kombucha, người ta cần một con giống ban đầu được gọi là SCOBY (symbiotic colony of bacteria and yeast - khuẩn lạc cộng sinh của vi khuẩn và nấm men) cho vào trà và đường rồi để lên men trong khoảng 1 tuần. Có người nói kombucha có mùi bia và rượu táo nhưng cũng có người lại thấy mùi vị của nó giống như rượu vang hay giấm.

kombucha-la-gi-dung-nhieu-co-tot-khong-voh-1

Trà kombucha là loại trà được ủ len men (Nguồn: Internet)

Trà kombucha có xuất xứ từ Trung Quốc hàng ngàn năm trước và ngày nay được dùng nhiều ở Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Ba Lan, Đức, Indonesia,…Ở Việt Nam cũng có nhiều người biết đến loại trà này và sử dụng với niềm tin rằng nó cực tốt cho sức khỏe.

2. Tác dụng của trà kombucha là gì?

Nhiều người thích uống trà kombucha đã gán ghép cho nó một số hiệu ứng y tế rằng giúp khôi phục màu tóc, làm dày tóc, đánh tan sỏi mật, chống lão hóa, giảm cholesterol và huyết áp, tăng lưu thông máu, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện chức năng tiêu hóa và gan. Thậm chí, không ít người cho rằng công dụng của trà kombucha có thể giải độc cơ thể, ngăn ngừa ung thư.

Tuy nhiên, trên thực tế những tác dụng của trà kombucha vẫn chưa được chứng minh và công bố chính thức.

Dù vậy, Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Giáo dục về bệnh béo phì thuộc Trường Cao đẳng Y khoa Villanova Rebecca Shenkman cho biết, có thể trong loại trà này chứa các loại vitamin B, probiotic và chất chống oxy hóa nhưng không có nghiên cứu y tế chính thức về lợi ích sức khỏe của đồ uống này nên người dùng hãy chú ý. Bên cạnh đó, bạn cũng chỉ nên uống kombucha vì thích mùi vị của nó chứ không nên dùng với mục đích muốn cải thiện chức năng gan hoặc tăng cường hệ thống miễn dịch.

Còn Viện y tế Quốc gia Mỹ thì cho rằng, chưa có những nghiên cứu trực tiếp về kombucha nhưng đã có những nghiên cứu về chế phẩm sinh học được tìm thấy trong trà này như probiotics hỗ trợ tiêu hoá và có thể  làm giảm hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, lợi ích được chứng minh của kombucha mới chỉ dừng lại ở đây chứ không phải là những tác dụng tuyệt vời được gán ghép, điển hình là tác dụng ngừa ung thư và chống lão hóa khiến phụ nữ “trẻ mãi không già”.

Tóm lại, không thể phủ nhận một số tác dụng của trà kombucha như đây là một nguồn cung cấp men vi sinh dồi dào cho cơ thể, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột cũng như cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn đừng “thổi phồng” lợi ích của nó mà sử dụng thường xuyên. Bởi loại trà này cũng hạn chế đối tượng sử dụng và dùng nhiều cũng có nguy cơ gây hại.

3. Trà kombucha uống nhiều có tốt không?

Nếu muốn dùng trà kombucha, bạn nên mua của những cơ sở sản xuất uy tín, có kiểm định rõ ràng. Bởi nguy cơ phổ biến của việc dùng trà kombucha là vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu nơi sản xuất không đảm bảo đủ điều kiện vô khuẩn và cách chế biến không đúng, khi uống quá nhiều có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn và phản ứng dị ứng.

kombucha-la-gi-dung-nhieu-co-tot-khong-voh-2

Ủ trà kombucha không đúng cách sẽ lợi bất cập hại (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, trong trà kombucha có lượng axit axetic khá cao (giống như giấm), do đó bạn không nên uống nhiều, mặc dù hợp khẩu bị hoặc uống cho đã cơn khát. Trà kombucha giải độc cơ thể rất tốt, nhưng khi bắt đầu uống để bồi bổ chỉ nên uống một lượng nhỏ khoảng chừng 50 - 60ml lúc sáng sớm và uống kèm nhiều nước trong ngày. Tốt nhất nên hỏi ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng về liều lượng sử dụng trà kombucha.

Những người có bệnh lý mạn tính hay đang điều trị bệnh bằng xạ trị hoặc hóa trị cũng như phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống kombucha.

Ngoài ra, men trà kombucha có thể bị hư và mất hết tác dụng nếu ủ không đúng quy cách, vì vậy bạn hãy lưu ý về vấn đề này khi sử dụng trà kombucha.