Nắng nóng những bệnh nào dễ mắc, cách phòng bệnh?

(VOH) - Thời tiết nắng nóng, không chỉ tạo cảm giác oi bức mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cho một số loại vi khuẩn, virus gây bệnh, đặc biệt là trẻ em.

Do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam ở mức rất cao, có nơi lên đến gần 37-38 độ C. 

nang-nong-nhung-benh-nao-de-mac-cach-phong-benh-voh-0

Ảnh minh họa: Vnexpress

Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em, dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa. Đồng thời, làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng các biện pháp như bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây nên tình trạng sốc nhiệt.

1. Các bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng

1.1 Cảm nắng

Khi nhiệt độ lên đến 38 -39 độ C, hiện tượng thường gặp nhất là cảm nắng ở cả người lớn và trẻ em. Cơ thể bị mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, thân nhiệt cơ thể không điều hòa được khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người. 

Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, nhiều cơ quan, hộ gia đình mở điều hòa, quạt máy hết công suất để hạ nhiệt. Điều này dẫn đến chênh lệch nhiệt độ khá cao giữa môi trường trong phòng kín và ngoài đường. 

Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi bước từ trong phòng lạnh ra ngoài trời nắng có thể khiến nhiều người bị choáng, sốc nhiệt hoặc cảm nắng.

Xem thêm: Làm cách nào hạ sốt nhanh khi trẻ sốt cao trên 39 độ ?

nang-nong-nhung-benh-nao-de-mac-cach-phong-benh-voh-1

Ảnh minh họa: Benhviendakhoaquocte

1.2 Bệnh về hô hấp

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh hô hấp mùa nắng nóng là do các gia đình thường mở quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp dẫn đến khô vùng mũi họng, làm khô các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập và gây bệnh.

1.3 Bệnh tim mạch

Nắng nóng gay gắt không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu bị đặc lại do mất nước và có thể gây ra tình trạng thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ.

1.4 Bệnh về da

Thời tiết oi bức, tuyến mồ hôi và tuyến nhầy sẽ tăng cường hoạt động để thải nhiệt cho cơ thể, gây ra tình trạng ẩm ướt tại các vùng như lưng, trán, cổ, kẽ tay, chân và bẹn. 

Nếu không chú ý vệ sinh, những chất này không thoát hết sẽ ứ đọng trong ống bài tiết của da làm bít lỗ chân lông, kết hợp với vi khuẩn gây viêm da và nấm da. Trường hợp bị bội nhiễm nặng còn có thể gây sốt cao.

1.5 Bệnh truyền nhiễm

Trong giai đoạn chuyển mùa, điều kiện môi trường rất thuận lợi cho các loại siêu vi phát triển. Mùa nắng nóng là thời điểm làm trẻ dễ bị nhiễm siêu vi dẫn đến sốt, phát ban, nôn ói, quấy khóc, bỏ ăn. Đặc biệt, trẻ thường mắc các bệnh như sởi, thủy đậu, tay chân miệng.

Xem thêm: Sốt siêu vi là gì? Có gây nguy hiểm không?

1.6 Bệnh về đường tiêu hóa

Trong tiết trời nóng ẩm, ruồi nhặng và vi khuẩn dễ sinh sôi khiến thức ăn bị bẩn và ôi thiu nhanh. Nếu không cẩn thận sẽ dễ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy, nhất là khi nhiệt độ kéo dài ở mức 37 - 38 độ C. 

Trong mùa nắng, ruồi, muỗi, chuột, gián cũng phát triển nhiều hơn nên dễ làm lây lan các mầm bệnh qua thực phẩm và nước uống. Bởi vi khuẩn gây bệnh có ở khắp nơi, chúng sinh sôi rất nhanh khi trời nóng và xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống hay tay bẩn. 

Hậu quả là người bệnh bị mất sức, nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao.

2. Các biện pháp phòng bệnh mùa nắng nóng

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh mùa nắng nóng:

  • Hạn chế đi ra ngoài đường: ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
  • Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
  • Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
  • Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng oi bức sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus phát triển nhanh chóng. Vì thế, mọi người cần chủ động trong việc phòng ngừa, đặc biệt là trong chế độ ăn uống sinh hoạt để có thể nâng cao sức khỏe, bảo vệ cơ thể tốt hơn.