Nguyên nhân gây đau đầu khi mang thai và cách khắc phục

( VOH ) - Đau đầu khi mang thai là triệu chứng thường gặp ở thai phụ và đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe người mẹ đang gặp vấn đề, điển hình như bệnh tiền sản giật khi mang thai.

Có rất nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng đau đầu khi mang thai, cơn đau đầu có thể diễn ra thoáng qua nhưng cũng có khi là đau dữ dội khiến thai phụ không thể ngủ được, tình trạng trên nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mẹ bầu.

1. Vì sao phụ nữ lại bị đau đầu khi mang thai?

Cũng giống tình trạng đau bụng dưới hoặc đau lưng khi mang thai, những cơn đau đầu thường xuất hiện ở thai phụ do những nguyên nhân sau đây:

1.1 Sự thay đổi về hormone

Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng nhức đầu khi mang thai là do thay đổi hormone. Có khoảng 80% phụ nữ gặp phải triệu chứng đau đầu khi mang thai và trong số đó thì đến 58% thai phụ bị đau nửa đầu trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Khi mới mang thai, nồng độ hormone trong cơ thể phụ nữ sẽ thay đổi mạnh mẽ. Chính điều này đã dẫn đến hiện tượng căng cơ, thay đổi ngoại hình, vóc dáng... và đau đầu xảy ra như một phản ứng của cơ thể với sự thay đổi này.

1.2 Do bệnh lý

Một số căn bệnh nội khoa có thể gây ra chứng đau đầu khi mang thai ở phụ nữ như: bệnh viêm xoang, nghẹt mũi, dị ứng, trầm cảm...

1.3 Trọng lượng thai nhi thay đổi

nguyen-nhan-gay-dau-dau-khi-mang-thai-va-cach-khac-phuc-voh

Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối bị nhức đầu thường là do trọng lượng thai nhi tăng lên nhanh (Nguồn: Internet)

Phụ nữ bị nhức đầu khi mang thai 3 tháng cuối thường là do trọng lượng thai nhi tăng lên nhanh chóng làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của toàn cơ thể cũng như hệ thần kinh. Việc thiếu máu dẫn truyền lên não sẽ gây ra chứng đau đầu ở mẹ bầu.

1.4 Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học

Những mẹ bầu ăn uống không đúng giờ, thường bỏ bữa, lười uống nước, thường xuyên thức đêm hay sử dụng nhiều đồ uống có chứa cafein cũng có thể gây ra triệu chứng nhức đầu.

1.5 Do môi trường sống

Thai phụ sống hoặc làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn rất dễ bị căng thẳng, bực bội, khó ngủ,... lâu dần sẽ dẫn đến hiện tượng đầu, mệt mỏi khi mang thai.

2. Đau đầu khi mang thai ảnh hưởng đến mẹ bầu thế nào?

Phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng đau đầu có thể sẽ kèm theo một số triệu chứng khác như buồn nôn, ói mửa, giảm trí nhớ, thị lực,...gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của cả mẹ và bé.

Một số phụ nữ khác chỉ xuất hiện duy nhất tình trạng đau đầu, không kèm theo bất cứ triệu chứng nào khác. Tuy nhiên, không vì thế mà chị em có thể lơ là hiện tượng này bởi nếu chị em bị đau đầu trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ thì rất có thể đây là một dấu hiệu của tiền sản giật.

Nếu thấy đau đầu kèm theo những triệu chứng như: sự bất thường trong nước tiểu, thay đổi thị giác hay những vấn đề bất thường ở gan, thận thì thai phụ cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám chính xác.

2.1 Những dấu hiệu cảnh báo thai phụ cần đi khám bác sĩ

Nếu tình trạng đau đầu diễn ra trên 4 giờ có xuất hiện những dấu hiệu sau đây, chị em cũng cần đi gặp bác sĩ ngay lập tức:

  • Đau đầu dữ dội, đặc biệt trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Tình trạng đau đầu không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Đau đầu kèm theo sốt, cứng cổ, rối loạn thị giác, buồn ngủ, nói mớ, cảm giác tê buốt hoặc thay đổi về cảm giác, tri giác.
  • Đau đầu sau khi bị chấn thương.
  • Đau đầu xuất hiện ngay khi đọc hoặc nhìn vào màn hình máy tính.

3. Có thể giảm đau đầu khi mang thai bằng cách nào?

Phần lớn các trường hợp bị nhức đầu khi mang thai là bình thường và chúng sẽ tự hết sau khi sinh xong, tuy nhiên, nếu không muốn bị những cơn đau đầu hành hạ trong thời gian mang thai, những mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp các mẹ bầu ‘đánh bay’ cơn đau đầu một cách nhanh chóng.

3.1 Chế độ dinh dưỡng

Tùy vào nhu cầu và sở thích ăn, mẹ bầu có thể chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để tránh bị đói khi mang thai gây hạ đường huyết dẫn đến đau đầu.

nguyen-nhan-gay-dau-dau-khi-mang-thai-va-cach-khac-phuc-1-voh

Chế độ dinh dưỡng hợp lý góp phần làm giảm chứng đau đầu ở phụ nữ mang thai (Nguồn: Internet)

Mỗi ngày nên uống đủ lượng nước, có thể uống nước lọc, nước ép trái cây tươi... và cần hạn chế các loại đồ uống có ga, nước ép trái cây đóng chai, thịt chế biến sẵn, socola,...

3.2 Chế độ nghỉ ngơi

Mẹ bầu nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Việc nghỉ ngơi thư giãn sẽ giúp tinh thần mẹ được thoải mái, giảm tần suất gặp phải các cơn đau đầu trong suốt thai kỳ.

Thiếu ngủ không chỉ gây đau đầu mà còn khiến mẹ bầu dễ bị đãng trí, hay quên... do đó, hãy cố gắng ngủ đúng giờ.

3.3 Chế độ tập luyện thể dục

Phụ nữ mang thai nếu duy trì được một chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng, đều đặn sẽ rất có lợi trong việc giảm tình trạng đau nửa đầu. Mẹ bầu có thể lựa chọn các bộ môn như yoga, đi bộ, bơi lội, ngồi thiền... cũng đều rất tốt cho sức khỏe.

Massage vùng đầu, vai gáy, gan bàn chân sẽ giúp lưu thông máu và giảm đau đầu hiệu quả hơn.

Tóm lại: khi thấy xuất hiện hiện tượng đau đầu khi mang thai, chị em phụ nữ tuyệt đối không nên chủ quan, cần theo dõi và cải thiện sức khỏe bằng các cách trên. Nếu tình trạng đau đầu diễn ra quá nghiêm trọng, kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm hãy đến gặp bác sĩ ngay để có được hướng điều trị tốt nhất.