Những đối tượng dễ mắc bệnh glocom

(VOH) - Bệnh glocom mắt hay còn gọi là thiên đầu thống là một bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác. Glocom đứng thứ 2 trong các nguyên nhân gây mù lòa trên thế giới, chỉ đứng sau đục thủy tinh thể.

Bệnh glocom là gì?

Glocom hay còn gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước, là bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh thường xuất hiện ở đối tượng trung niên nhưng trẻ em và người trẻ vẫn có thể mắc bệnh.

Người mắc bệnh glocom, áp lực trong mắt sẽ tăng, dẫn tới tổn hại dây thần kinh thị giác. Nếu không điều trị sớm, dây thần kinh thị giác càng bị tổn hại nặng nề và gây mất thị lực vĩnh viễn.

nhung-doi-tuong-de-mac-benh-glocom-voh-1

Bệnh glocom mắt cần được phát hiện và can thiệp sớm (Nguồn: Internet)

Glocom đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù lòa ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thể thủy tinh. Bệnh nguy hiểm ở chỗ không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương chức năng và thực thể do glocom gây ra.

Những triệu chứng sớm để phát hiện bệnh glocom

Bệnh glocom chủ yếu được chia làm 2 thể bệnh chính là glocom góc đóng và glocom góc mở. Các triệu chứng ở từng thể bao gồm:

  1. Glocom góc đóng

  • Đau nhức mắt đột ngột dữ dội, đau lan lên đỉnh đầu.
  • Mắt đỏ, mi nề, sợ ánh sáng, chảy nước mắt.
  • Bệnh nhân nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ.
  • Giác mạc phù nề, tiền phòng nông, giảm tính trong suốt.
  • Đồng tử giãn méo, mất phản xạ, bờ đồng tử mất viền sắc tố.
  • Thể thủy tinh mờ đục.
  • Nhãn áp tăng cao, nhãn cầu căng cứng như hòn bi.
  1. Glocom góc mở

Bệnh xuất hiện âm thầm, tiến triển mạn tính, lần lượt qua từng giai đoạn, thị lực trung tâm thường được bảo tồn đến giai đoạn muộn của bệnh, người bệnh không nhận thấy thị lực ngày càng bị giảm nên thường đến khám ở giai đoạn muộn khi bệnh đã tiến triển nặng.

Đa số người bệnh không đau nhức mắt hay đau nhức đầu, một số người có cảm giác nặng, căng tức mắt thoáng qua, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, xuất hiện thành từng cơn ngắn rồi lại tự hết. Triệu chứng không rõ ràng nên thường ít được người bệnh quan tâm.

Để phát hiện bệnh glocom sớm, tốt nhất khi có triệu chứng nhức mắt, mờ mắt kèm đau đầu thì bạn nên đi khám để kiểm tra xem có phải bệnh glocom hay không.

nhung-doi-tuong-de-mac-benh-glocom-voh-2

Nên đi khám mắt sớm ngay khi có những vấn đề về mắt (Nguồn: Internet)

Ai dễ mắc bệnh glocom?

Nguy cơ dễ mắc bệnh glocom không phân biệt lứa tuổi và chủng tộc. Tuy nhiên, một số nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh glocom và cần được kiểm tra mắt thường xuyên như:

  • Người trên 40 tuổi.
  • Người mắc bệnh tiểu đường hay tăng huyết áp.
  • Người có tiền căn gia đình đã mắc bệnh glocom.
  • Người bị viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ.
  • Người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc tra mắt trong thời gian dài, cận thị nặng, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt,…

Biện pháp điều trị bệnh glocom

Bệnh glocom là một cấp cứu nhãn khoa. Người bệnh được điều trị sau khi chẩn đoán bệnh bằng tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp.

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có nhiều thuốc hạ nhãn áp với những cơ chế tác động khác nhau như:

  • Pilocarpin 1%, 2%;
  • Timolol 0,25%, 0,5%;
  • Betoptic S;
  • Alphagan P;
  • Travatan 0,004%;
  • Lumigan;
  • Azopt;
  • Acetazolamid;
  • Glyxerol;
  • Manitol;

Các thuốc này phải được sử dụng theo chỉ định, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ nhãn khoa.

Bệnh glocom góc đóng thường được chỉ định điều trị phẫu thuật sau khi đã điều trị cấp cứu bằng thuốc. Bệnh glocom góc mở cần can thiệp phẫu thuật khi điều trị thuốc không đạt hiệu quả mong muốn.

Bệnh glocom không thể chữa khỏi hoàn toàn, mục đích điều trị là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Người bệnh glocom cần phải được chăm sóc theo dõi thường xuyên, theo một quy trình chặt chẽ từ khi được phát hiện bệnh, được điều trị cho đến hết quãng đời còn lại nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang tuoitre.vn
Đau mắt hột và những kiến thức cần biết: Đau mắt hột là bệnh nhiễm trùng thường gặp, dễ lây truyền từ người này sang người khác. Nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ gây những biến chứng làm tổn thương giác mạc, thậm chí là mù lòa. 
4 cách khắc phục mỏi mắt khi làm việc trên máy tính 8 giờ/ngày: Cuộc sống số hóa đang khiến con người dán mắt ngày càng nhiều vào màn hình điện thoại, máy tính bảng hoặc laptop. Nhìn liên tục vào màn hình có thể gây khô mắt và nhiều vấn đề về mắt khác.