8 tác dụng của rau mồng tơi và tác hại khi sử dụng không đúng cách

(VOH) – Mồng tơi không chỉ là một loại rau ăn phổ biến mà chúng còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người không biết những tác dụng của rau mồng tơi cho sức khỏe là gì?

Rau mồng tơi thường được mọi người biết đến là loại rau ăn phổ biến. Loại rau này dễ trồng, dễ kiếm và dễ mua... Hơn thế, ăn rau mồng tơi cũng vô cùng có lợi cho sức khỏe.

1. Rau mồng tơi là gì?

Rau mồng tơi (rau mùng tơi) có tên khoa học là Basella L, là một loại cây thuộc họ Mồng tơi. Loại rau này có nguồn gốc từ Nam Á, sau đó phát triển ra nhiều quốc gia khác nhau và hiện nay chúng được trồng phổ biến trên khắp thế giới.

tac-dung-cua-rau-mong-toi-voh-0
Rau mồng tơi là loại rau thông dụng trong bữa ăn gia đình (Nguồn: Internet)

Mồng tơi là loại dây leo quấn, mập và nhớt. Lá mồng tơi có hình tim, mọc xen, đơn, có cuống. Hoa mọc ở kẽ lá, màu trắng hoặc tím đỏ nhạt. Quả mồng tơi là loại quả mọng, nhỏ, hình cầu hoặc trứng, màu xanh, khi chín chuyển sang màu tím đen.

Lá mồng tơi thường được dùng để nấu canh ăn. Tuy nhiên, loại rau này vẫn có thể mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhờ thành phần dinh dưỡng đa dạng và dồi dào.

2. Những tác dụng rau mồng tơi đối với sức khỏe

Trong Đông y, rau mồng tơi có tính hàn, vị chua, tán nhiệt. Ăn rau mồng tơi có tác dụng lợi tiểu, giải độc, đẹp da, trị rôm sảy mụn nhọt hiệu quả… Còn theo y học hiện đại, rau mồng tơi có chứa chất nhầy pectin, cùng nhiều chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa nên rau mồng tơi có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Khi tiêu thụ rau mồng tơi một cách hợp lý và an toàn, bạn sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe sau đây:

2.1 Làm giảm cholesterol, giúp giảm cân

Một trong những tác dụng của rau mồng tơi là giúp giảm cholesterol. Chính thành phần chất nhầy trong rau mồng tơi có tác dụng hấp thu cholesterol. Khi cholesterol nội sinh và ngoại sinh bị giữ lại trong ruột sẽ khiến cho chất béo trong thực phẩm không thể ngấm qua được màng ruột, từ đó lượng cholesterol sẽ bị thải ra ngoài qua phân.

Ngoài ra, do rau mồng tơi chứa rất ít chất béo và calo (100 gram lá mồng tơi chỉ có 19 calo) nên đây là loại thực phẩm rất phù hợp cho những ai muốn giảm cân.

2.2 Ngăn ngừa loãng xương

Không chỉ có chất nhầy pectin, trong mồng tơi còn hàm lượng canxi cao, do đó, ăn rau mồng tơi có tác dụng giúp xương và răng chắc khỏe, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương. Người trưởng thành cần bổ sung khoảng 1.000-1.200 mg canxi mỗi ngày, trong khi đó rau mồng tơi có thể cung cấp 55 mg canxi cho cơ thể.

Ngoài ra, thành phần canxi trong rau mồng tơi cũng có thể góp phần cải thiện cơ bắp, hệ thần kinh và các hormone trong cơ thể.

2.3 Cải thiện hệ thống tiêu hóa

Với phụ nữ, rau mồng tơi có thể cung cấp 4% hàm lượng chất xơ cần thiết hàng ngày và ở nam giới là 3%. Chất xơ là chất quan trong cho cơ thể vì nó có khả năng ngăn ngừa táo bón.

Hỡn nữa, chất nhầy trong rau mồng tơi còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và trơn tru hơn. Nhờ khả năng kích thích nhu động ruột hoạt động nên ăn rau mồng tơi có tác dụng nhuận tràng rất tốt.

2.4 Chứa chất chống oxy hóa

Rau mồng tơi là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào cho cơ thể, điển hình như lutein, talinum, zeaxanthin và β-carotene. Các chất này thường hoạt động như những chất bảo vệ các tế bào của cơ thể tránh khỏi những tác hại tiềm ẩn gây ra bởi các gốc tự do khi tiếp xúc với các chất độc từ môi trường bên ngoài.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.5 Tốt cho mắt

tac-dung-cua-rau-mong-toi-voh-1
Rau mồng tơi chứa nhiều tiền chất vitamin A có lợi cho đôi mắt (Nguồn: Internet)

Lá và thân cây mồng tơi chứa nhiều beta caroten (tiền chất vitamin A), cho nên rau mồng tơi có công dụng tăng cường thị lực và sức khỏe đôi mắt.

Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin A trong rau mồng tơi cũng giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch, góp phần tạo ra các tế bào bạch cầu để ngăn ngừa vi khuẩn và virus.

2.6 Tăng sức đề kháng cho cơ thể

Rau mồng tơi có hàm lượng vitamin C cao, đây là một chất chống oxy hóa mạnh, có thể giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh.

2.7 Ngăn ngừa thiếu máu

Tương tự như rau bina, rau mồng tơi cũng là một nguồn cung cấp sắt tuyệt vời cho cơ thể. Sắt là một nguyên tố vi lượng cần thiết để cơ thể sản xuất hồng cầu, ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Ngoài ra, chất sắt cũng hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất của tế bào.

2.8 Có có lợi cho tim mạch

Một tác dụng khác của rau mồng tơi là giúp hệ tim mạch để được khỏe mạnh. Ăn rau mồng tơi có thể giúp cơ thể được tiếp nạp thêm nhiều khoáng chất quan trọng như kali, mangan, canxi, magie và đồng.

Kali là một thành phần quan trọng của tế bào và dịch cơ thể để giúp kiểm soát nhịp tim và huyết áp. Trong khi mangan và đồng là một yếu tố tạo ra các enzym chống oxy hóa cho cơ thể.

3. Bà bầu ăn rau mồng  tơi có tốt không?

Rau mồng tơi là một trong những loại rau tốt cho sức khỏe mẹ bầu và nên được tiêu thụ thường xuyên. Trong rau mồng tơi có chứa axit folic – một trong những loại vitamin B quan trọng đối với sức khỏe phụ nữ đang mang thai vì nó có khả năng ngăn ngừa khuyết tật nứt ống đốt sống.

Chất sắt có trong rau mồng tơi cũng có rất có lợi cho phụ nữ mang thai. Chỉ một phần rau mồng tơi nhỏ cũng đã chứa khoảng 0,98 mg sắt, cung cấp cho cơ thể từ 5,4 – 12% lượng sắt cần thiết mỗi ngày.

Ngoài ra, thành phần chất xơ, vitamin C, vitamin A, canxi... trong rau mồng tơi sẽ giúp mẹ bầu thoát khỏi chứng táo bón thai kỳ, ổn định huyết áp, cân nặng, cải thiện thị lực, sức đề kháng cho cơ thể.

Xem thêm: 6 lợi ích giúp thai phụ xóa tan nghi ngờ ‘bà bầu ăn rau mồng tơi được không?’

4. Rau mồng tơi làm món gì ngon?

Vì là loại rau ăn thông dụng nên rau mồng tơi có nhiều cách chế biến khác nhau, chủ yếu là các món canh hoặc món xào. Những món ngon từ rau mồng tơi không chỉ giúp đổi vị bữa ăn gia đình mà còn cung cấp thêm dưỡng chất cho cơ thể.

tac-dung-cua-rau-mong-toi-voh-2
Rau mồng tơi có nhiều cách chế biến đơn giản, ngon miệng (Nguồn: Internet)

Dưới đây là gợi ý một số món ăn từ rau mồng tơi đơn giản, dễ chế biến:

  • Rau mồng tơi xào tỏi
  • Rau mồng tơi xào thịt bò
  • Canh rau mồng tơi nấu tôm
  • Canh rau mồng tơi nấu nghêu
  • Canh cua rau đay mướp và mồng tơi
  • Canh thịt xay mồng tơi

Xem thêm: Những cách nấu rau mồng tơi thành các món ăn ngon hết nấc

5. Ăn nhiều rau mồng tơi có tốt không?

Có thể thấy rằng, rau mồng tơi đem lại rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, những công dụng của rau mồng tơi chỉ được phát huy khi bạn ăn chúng trong giới hạn cho phép. Nếu ăn nhiều rau mồng tơi, bạn sẽ không nhận được lợi ích, thậm chí có thể gặp phải những vấn đề sức khỏe không mong muốn, chẳng hạn:

5.1 Rau mồng tơi ăn sống gây đầy hơi, khó tiêu

Các loại rau có nhiều chất nhầy như mồng tơi, mướp hương, đậu bắp, …cần được nấu chín kỹ trước khi ăn. Không nên ăn sống các loại rau này vì có thể gây tình trạng đầy bụng, khó tiêu.

Những người ăn uống khó tiêu đầy bụng, lạnh bụng hay thường gặp tình trạng đau nhức xương khớp, bắp thịt, cơ thể nặng nề cũng nên hạn chế dùng để tránh làm cơ thể tổn hại thêm.

5.2 Không ăn rau mồng tơi khi bị tiêu chảy

Rau mồng tơi chứa hàm lượng chất xơ cao và loại chất này cần thiết cho quá trình thúc đẩy tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều có thể khiến cho dạ dày khó chịu. Chính vì thế, với những người đang bị đau bụng, tiêu chảy thì nên tránh ăn rau mồng tơi.

5.3 Hạn chế ăn rau mồng tơi khi bị sỏi thận

tac-dung-cua-rau-mong-toi-voh-3
Người bị sỏi thận nên hạn chế ăn rau mồng tơi (Nguồn: Internet)

Đối với người mắc bệnh sỏi thận, nên hạn chế ăn rau mồng tơi, bởi trong rau mồng tơi chứa nhiều purin, hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axit uric. Khi hàm lượng axit uric trong cơ thể tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận.

5.4 Rau mồng tơi gây mảng bám ở răng

Ăn rau mồng tơi sẽ có cảm giác như răng có mảng bám hoặc nhớt. Nguyên nhân là do các axit oxalic trong loại rau này không hòa tan trong nước mà bám lại ở răng. Để tránh tình trạng này, sau khi ăn mồng tơi cần đánh răng để loại bỏ các mảng bám.

Xem thêm: 7 thứ bạn tuyệt đối không nên cho vào miệng nếu không muốn răng bị hỏng

6. Một số lưu ý khi ăn rau mồng tơi

Bạn có thể tự trồng rau mồng tơi để sử dụng hoặc có thể mua ở cửa hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi mua rau mồng tơi cần phải lựa chọn được nguồn thực phẩm an toàn. Thông thường, rau mồng tơi sẽ có màu xanh hơi vàng. Lá có phiến ngắn, dày, phát triển cân đối ở phần thân. Thân rau mồng tơi thường giòn, rắn chắc và không bóng mượt.

Ngoài ra, rau mồng tơi nếu kết hợp với thịt bò sẽ mất đi tính nhuận tràng, khiến việc tiêu hóa kém hơn. Do đó, nếu bạn bị táo bón bạn nên hạn chế ăn các món có sự kết hợp giữa rau mồng tơi và thịt bò, chẳng hạn như món rau mồng tơi xào thịt bò.

7. Thành phần dinh dưỡng của rau mồng tơi

Để có thể mang đến những lợi ích sức khỏe cho người sử dụng, rau mồng tơi phải có thành phần dinh dưỡng phong phú và lành mạnh. Theo các nghiên cứu, trong 100g rau mồng tơi (phần ăn được) sẽ chứa các dưỡng chất sau đây:

  • Nước: 93.2g
  • Năng lượng: 14 Kcal
  • Protein: 2g
  • Canxi: 176mg
  • Sắt: 1.6mg
  • Mangan: 0.45mg
  • Kali: 391mg
  • Đồng: 20µg
  • Vitamin C: 72mg
  • Vitamin PP: 0.6mg
  • Beta caroten: 1920µg

Hi vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn biết được những lợi ích và tác hại của việc sử dụng rau mồng tơi, từ đó để bạn những kiến thức cần thiết và hữu ích trong việc chế biến các bữa ăn gia đình từ loại rau này.