Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là bệnh gì?

VOH - Nữ ca sĩ Ariana Grande (người Mỹ) được chẩn đoán bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, chứng bệnh này đang dần hủy hoại bộ não của cô.

1. Vì sao ca sĩ Ariana Grande bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương?

Ariana Grande (sinh năm 1993) là một ca sĩ, nhạc sĩ và diễn viên nổi tiếng người Mỹ. Cô luôn là một trong những người hoạt động tích cực nhất để giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần.

roi-loan-cang-thang-sau-chan-thuong-la-benh-gi-voh-1

Não của nữ ca sĩ Ariana Grande bị tổn thương do chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Nguồn: Internet)

Theo kenh14.vn, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Vogue ấn bản tại Anh vào tháng 6 năm 2018, Ariana cho biết, cô bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) sau vụ tấn công khủng bố vào tháng 5 năm 2017 trong buổi hòa nhạc ở sân vận động Manchester (Anh).

Cô ca sĩ này cũng đã tiết lộ trên Instagram với 2 bức ảnh chụp não đặt cạnh nhau. Bên trái là "vùng não khỏe mạnh" và bên phải là "vùng não chịu di chứng của PTSD". Bộ não PTSD có nhiều vùng sáng lên, trong khi bộ não khỏe mạnh lại có rất ít.

roi-loan-cang-thang-sau-chan-thuong-la-benh-gi-voh-2

Hình ảnh chụp não của nữ ca sĩ Ariana Grande (Nguồn: kenh14.vn)

Ariana Grande cũng đã chia sẻ, sau vụ tấn công tại Anh, cô thường xuyên chóng mặt và luôn có cảm giác lo lắng. Đây là những dấu hiệu điển hình của rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Ariana tâm sự: "Thật khó để nói về chuyện đó bởi quá nhiều người đã phải chịu đựng nỗi mất mát lớn lao, khủng khiếp. Nhưng PTSD có thật. Tôi biết những gia đình ấy và những người hâm mộ của tôi, cả những người ngoài kia từng nếm trải rối loạn này ở mức độ không hề nhỏ. Bản thân tôi không nghĩ tôi sẽ biết cách trò chuyện về PTSD mà không khóc".

2. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là bệnh gì?

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương hay hậu chấn tâm lý (tiếng Anh là Posttraumatic Stress Disorder- PTSD) là một rối loạn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi đương đầu với chấn động lớn xảy ra trong quá khứ.

Đây là chứng bệnh thường gặp ở những người từng trải qua các biến cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần hoặc thể chất như thiên tai, chiến tranh, bạo lực gia đình, bạo hành tinh thần, tai nạn, bị lạm dụng tình dục,…Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò nhất định trong các yếu tố nguy cơ bị PTSD.

2.1 Triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương

Người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương thường có các biểu hiện sau:

  • Luôn suy nghĩ về các sự kiện gây ra rối loạn căng thẳng sau chấn thương, liên tục hồi tưởng, ảo giác và có ác mộng với những ký ức đau đớn.
  • Không muốn đến những nơi, gặp những người và né tránh những tình huống mà có thể khiến họ gợi nhớ về những ký ức đau khổ. Hậu quả là họ bị cách biệt với gia đình, bạn bè cũng như mất hứng thú trong các hoạt động mà mình từng yêu thích.
  • Cảm thấy khó chịu hơn, chán nản hơn và thay đổi tâm trạng thường xuyên hơn.
  • Hay giật mình.
  • Có các triệu chứng như tăng huyết áp, nhịp tim và nhịp thở nhanh,
  • Gặp các vấn đề về tập trung hay khó ngủ.

Những triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương thường diễn ra trong vòng 3 tháng kể từ khi xảy ra sự kiện gây chấn động mạnh.

roi-loan-cang-thang-sau-chan-thuong-la-benh-gi-voh-3

Người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương thường né tránh những nhân vật và tình huống liên quan đến ký ức đau buồn (Nguồn: Internet)

2.2 Điều trị rối loạn căng thẳng sau chấn thương

Theo Viện Sức khỏe Tinh thần Quốc gia Mỹ (NIMH), những biện pháp điều trị thường gặp nhất đối với bệnh nhân PTSD là sử dụng thuốc chống trầm cảm đi kèm với liệu pháp tâm lý. Khi kết hợp các phương pháp điều trị, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ điều trị có thể thiết kế một số phương pháp tâm lý để giúp người bệnh nhận ra vấn đề và giải quyết nó đúng cách, chẳng hạn như liệu pháp nhận thức, điều trị phơi sáng và chuyển động mắt gây tê.

  • Liệu pháp nhận thức giúp người bệnh nhận ra điều gì làm mình mắc kẹt trong những kí ức đó.
  • Điều trị phơi sáng sẽ giúp người bệnh đối mặt an toàn với những nỗi sợ hãi của mình, từ đó có thể giải quyết chúng hiệu quả hơn.
  • Phương pháp chuyển động mắt gây tê với một loạt các hướng dẫn về chuyển động mắt sẽ giúp ích trong việc thay đổi cách người bệnh phản ứng với những ký ức đau buồn.

Hãy luôn ghi nhớ và tuân thủ mọi hướng dẫn điều trị của bác sĩ để tránh những hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến não do PTSD gây ra.