Sỏi thận uống gì để tránh tái phát?

Chế độ ăn uống thiếu khoa học không những khiến sỏi không tan mà ngày càng to thêm, gây đau đớn và nguy hiểm cho người bệnh. Bài viết này sẽ giúp bạn biết sỏi thận uống gì để sớm ‘tạm biệt’ nó.

Đi tiểu thường xuyên, buồn nôn và nôn mửa, ra mồ hôi nhiều là những triệu chứng sỏi thận phổ biến mà bạn cần lưu ý. Nếu các triệu chứng này không có dấu hiệu giảm thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có cách chữa tốt nhất. Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ giúp bạn kiểm soát bệnh sỏi thận tại nhà.

1. Bị sỏi thận nên uống gì?

Bị sỏi thận uống gì? vô cùng quan trọng đối với người bệnh, bởi việc uống nước đúng cách và phù hợp có thể làm tan hoặc đẩy được viên sỏi ra khỏi cơ thể. Theo các chuyên gia, nếu bạn đang bị sỏi thận thì có thể tham khảo một số loại nước uống dưới đây:

1.1 Uống nhiều nước lọc

Một trong những biện pháp khắc phục sỏi thận tại nhà tốt nhất là người bệnh uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Bởi nước lọc là giải pháp sinh lý, nếu có điều kiện nó có thể đẩy hoặc làm mòn sỏi thận, không gây ứ nước thận và phòng ngừa biến chứng.

Vì thế, hãy đảm bảo bạn uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ cơ thể thải độc và phòng ngừa sỏi thận phát triển. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nên uống quá 3 lít nước mỗi ngày vì có thể dẫn đến việc thận phải làm việc quá tải và ngộ độc nước.

soi-than-uong-gi-de-tranh-tai-phat-voh-2

Người bị sỏi thận nên uống nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày (Nguồn: Internet)

1.2 Hỗn hợp nước chanh và dầu ô liu

Hỗn hợp này là phương pháp hỗ trợ chữa sỏi thận hiệu quả. Bạn có thể pha nước cốt chanh và dầu ô liu theo tỷ lệ 1:1 và uống.

1.3 Hỗn hợp giấm táo và nước chanh

Hỗn hợp này giúp giảm kích cỡ của viên sỏi, đồng thời có tác dụng ngăn ngừa sự tái phát của những viên sỏi khi đã chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên người bị bệnh lý về dạ dày không nên dùng loại thức uống này.

1.4 Trà cây tầm ma

Cây tầm ma có tác dụng lợi tiểu và kháng khuẩn. Uống 2 – 3 tách trà từ cây tầm ma mỗi ngày giúp đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa sỏi thận tái phát.

1.5 Đậu thận

Đậu thận giàu chất xơ, protein, vitamin B và các khoáng chất là giải pháp điều trị sỏi thận tốt nhất. Bạn hãy dùng đậu nấu với nước đến khi đậu mềm ra thì lấy nước uống.

1.6 Trà hải kim sa

Thành phần: 15g hải kim sa, 2g trà xanh.

Cách chế biến: Đổ 2 loại nguyên liệu trên vào trong cốc rồi rót nước vừa đun sôi vào ngâm khoảng nửa cốc, đậy lại khoảng 5 phút rồi uống.

Tác dụng: Loại nước này có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, hạ hỏa giải độc nên tốt cho người mắc bệnh sỏi thận và sỏi bàng quang.

Như vậy, nếu mắc bệnh sỏi thận thì bạn có thể tham khảo các loại nước này mà không cần lo nghĩ sỏi thận nên uống nước gì? Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại nước nào thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xem xét xem có phù hợp với cơ địa và tình trạng bệnh của mình hay không. Việc này sẽ giúp bạn tránh được những dị ứng không mong muốn có thể xảy ra.

2. Giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề sỏi thận uống nước gì?

2.1 Bị sỏi thận có nên uống nước cam?

soi-than-uong-gi-de-tranh-tai-phat-voh-1

Người bệnh sỏi thận có thể uống nước cam, chanh (Nguồn: Internet)

Theo sách Bệnh thận và chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh thận của bác sĩ Bạch Minh, tất cả các loại nước cam quýt có chứa citrat – một dạng có điện tích âm của axit citric, là một thứ nước quan trọng và ức chế việc hình thành sỏi thận.

Nước cam có thể nắm vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chứng sỏi thận và có thể được xem là một lựa chọn đối với các bệnh nhân không dung nạp citrat kali.

2.2 Bị sỏi thận có nên uống sữa?

Mỗi ngày có thể dùng khoảng 3 ly sữa tươi hoặc một lượng tương đương các sản phẩm từ sữa như: bơ, phô mai (khoảng 800 - 1.300mg canxi). Không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi vì như thế sẽ gây mất cân bằng trong hấp thụ canxi, khiến cơ thể hấp thu oxalat nhiều hơn từ ruột và sẽ tạo sỏi thận, ngoài ra kiêng cữ thực phẩm chứa canxi sẽ bị loãng xương.

Tuy nhiên, trường hợp bị sỏi thận tái phát nhiều lần, sau khi xét nghiệm kiểm tra có bằng chứng đa canxi niệu do tăng hấp thu canxi từ ruột thì cần kiêng canxi, nhưng không phải kiêng hoàn toàn, mà dùng khoảng 400mg/ngày, tương đương 1,5 ly sữa tươi.

2.3 Bị sỏi thận có nên uống bia?

Theo các nghiên cứu, bia là loại nước uống có cồn, có thể làm ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là thận. Việc uống bia nhiều sẽ khiến chức năng thận bị suy giảm, thận bị tổn thương nặng khiến thận không còn khả năng lọc máu. Từ đó sẽ khiến cơ thể bị rơi vào tình trạng mất nước, lâu dần dẫn tới việc hình thành sỏi thận.

Ngoài ra, trong bia có chứa cồn và các chất độc hại khác khiến những chất này xâm nhập vào cơ thể gây hại cho thận. Thận phải hoạt động quá tải để lọc và loại bỏ những chất độc hại ra khỏi cơ thể. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng thận.

Do đó, hạn chế sử dụng bia, rượu trong chế độ ăn uống hàng ngày của bệnh nhân sỏi thận là điều cần thiết.

2.4 Bị sỏi thận có nên uống canxi?

Theo dược sĩ Hồ Đức Cường, uống bổ sung canxi sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, nhưng chế độ ăn với thức ăn có chứa nhiều canxi lại giảm nguy cơ sỏi thận. Điều này có thể giải thích do hằng ngày, trong thực phẩm chúng ta ăn vào đều có chứa oxalat, khi trong khẩu phần ăn có chứa nhiều canxi thì canxi sẽ kết hợp với oxalat tại ruột và đi ra ngoài cơ thể theo đường tiêu hóa qua phân. Nhưng khi chúng ta uống bổ sung canxi thì canxi sẽ hấp thu nhanh qua thành ruột vào máu, và kết hợp với oxalat tại thận, lắng đọng lâu ngày hình thành nên sỏi thận qua đường tiểu tiện.

Canxi cần thiết để phòng ngừa loãng xương và gãy xương ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên, để phòng ngừa sỏi thận, chúng ta nên ăn các thực phẩm giàu canxi như bơ, phô mai hoặc uống sữa, sữa đậu nành thay vì uống các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung canxi.

Lưu ý: Ở những người sỏi thận tái phát nhiều lần nên đi khám để tìm nguyên nhân gây sỏi thận, từ đó có thể điều trị và thay đổi chế độ ăn uống sao cho phù hợp với từng nguyên nhân.