Suy dinh dưỡng ở người bệnh nằm viện: làm sao cải thiện?

(VOH) - Sáng 8/8, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã tổ chức hội nghị “Tăng cường chất lượng công tác dinh dưỡng tiết chế bệnh viện”.

Hội nghị có sự tham gia của 500 đại biểu công tác trong ngành y tế 31 tỉnh, thành phía Nam.

Cập nhật tài liệu “Hướng dẫn quy trình thực hiện công tác dinh dưỡng tiết chế” cho các cơ sở y tế”

PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế chia sẻ thông tin tại hội nghị.

Dinh dưỡng và tiết chế là một trong những nội dung quan trọng của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh nằm viện.

Phát biểu tại hội nghị,  PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho rằng, nếu làm tốt hoạt động dinh dưỡng tiết chế sẽ giúp người bệnh mau phục hồi sức khỏe, giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, rút ngắn thời gian nằm viện và tiết kiệm chi phí điều trị. Đây là mục tiêu quan trọng của ngành y tế và là mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng của Việt Nam.

Suy dinh dưỡng ở người bệnh trong thời gian nằm viện rất phổ biến trên thế giới. Tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện trung bình trên thế giới là 20 đến 40% tùy theo các loại bệnh tật.

Theo nghiên cứu năm 2016 tại TPHCM, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở người bệnh nằm viện là hơn 34%. Suy dinh dưỡng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả về sức khỏe.

Tại hội nghị cũng đã giới thiệu tài liệu "Hướng dẫn quy trình thực hiện công tác dinh dưỡng tiết chế” cung cấp các kiến thức và công cụ chuẩn cho các bệnh viện trong thực hành tốt hơn công tác dinh dưỡng tiết chế kèm theo là Bộ thực đơn dinh dưỡng chuẩn cho người bệnh nằm viện là người lớn, cho trẻ em và phụ nữ mang thai.