8 tác dụng của đậu đỏ - biết rồi bạn sẽ ‘nâng niu’ hạt đậu nhỏ này

(VOH) – Là một nguyên liệu thực phẩm ‘quen mặt’, nhưng có lẽ bạn vẫn chưa biết hết tác dụng của đậu đỏ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn ‘mở mang’ thêm những lợi ích sức khỏe tuyệt vời của hạt đậu này!

Từ xa xưa, đậu đỏ vốn đã thuộc nhóm các loại đậu quý, cung cấp đa dạng và dồi dào các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Vì thế để có thể hấp thu hiệu quả nguồn dưỡng chất tuyệt vời đó, ngay sau đây hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm cũng như cách sử dụng đậu đỏ thật khoa học nhé!

1. Nguồn gốc của đậu đỏ

Đậu đỏ (tên khoa học là Vigna angularis) thuộc phân họ đậu, dây leo, hạt dài khoảng 5mm, hạt mẩy, nhân hồng, khô, rắn, chắc, thường có màu đỏ nhưng đôi khi đậu cũng mang màu trắng, đen hay xám,… trồng nhiều từ Đông Á đến Himalaya. Theo các nhà khoa học, Vigna angularis var. nipponensis là loài gốc của đậu đỏ và các giống khác phát sinh từ đây. Các bằng chứng về gen cho thấy đậu đỏ được thuần hóa đầu tiên ở Himalaya.

Một số tài liệu ghi chép cho thấy đậu đỏ đã được trồng ở bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc rồi di thực đến Nhật Bản, và đến nay, tại Nhật Bản sau đậu tương thì đậu đỏ là loại được dùng phổ biến thứ 2.

8-tac-dung-cua-dau-do-biet-roi-ban-se-nang-niu-hat-dau-nho-nay-voh-0
Hai loại đậu đỏ phổ biến ở Việt Nam (Nguồn: Internet)

Còn ở Việt Nam ta, có hai loại đậu đỏ được canh trồng phổ biến tại một số tỉnh Tây Nguyên, chủ yếu gồm đậu đỏ hạt to (hơi dẹt dài) và đậu đỏ hạt nhỏ (tròn nhỏ như đậu xanh).

2. Tác dụng của đậu đỏ với sức khỏe

Giống như đậu đen hay đậu xanh, đậu đỏ cũng được đánh giá là loại hạt bổ dưỡng, “hội tụ” hàm lượng lớn chất xơ, chất đạm, chất chống oxy hóa cùng các nhóm vitamin quan trọng như vitamin B hay vitamin K. Do đó, nếu duy trì sử dụng hợp lý và đúng liều lượng, bạn sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe quý giá này:  

2.1 Tăng cường cơ bắp

Chúng ta đều biết rằng ngoài chế độ luyện tập điều độ thì protein chính là dưỡng chất rất cần thiết để cơ thể săn chắc, cơ bắp phát triển và duy trì. Theo đó, trong 1 chén đậu đỏ (khoảng 100g) có thể chứa tới 8.7g protein, nên để củng cố cơ bắp săn chắc hơn, trong khẩu phần ăn hàng ngày bạn hãy tham khảo bổ sung các món ăn từ đậu đỏ.  

Xem thêm: 9 chức năng của protein và nhu cầu hàng ngày của cơ thể

2.2 Kiểm soát đường huyết ổn định

Một số nghiên cứu dinh dưỡng chỉ ra rằng, lượng protein được tìm thấy trong đậu đỏ có khả năng ức chế các α-glucosidas ở đường ruột (α-glucosidas là một loại enzyme có nhiệm vụ phá vỡ các carbohydrate phức hợp như tinh bột và glycogen). Do đó, để kiểm soát tốt cũng như làm chậm quá trình chuyển hóa đường vào máu, các chuyên gia thường khuyến khích người bệnh tiểu đường tăng cường sử dụng đậu đỏ trong chế độ dinh dưỡng.

2.3 Tác dụng của đậu đỏ thanh nhiệt giải độc

Có thể nói rằng với y học cổ truyền, đậu đỏ thuộc nhóm dược liệu tự nhiên rất tốt cho người khỏe. Loại hạt này vốn có tính mát nên phần lớn được tận dụng để điều chế các bài thuốc thanh nhiệt giải độc cơ thể như nước đậu đỏ rang hay đậu đỏ nấu cùng rau ngô, táo đỏ.

Xem thêm: Uống nước đậu đỏ có tác dụng gì mà xưa nay đều nổi tiếng?

2.4 Bảo vệ tim mạch

Hấp thu lượng chất xơ từ đậu đỏ sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ một trái tim khỏe mạnh. Lúc này, chất xơ sẽ dính kết lượng cholesterol xấu tích tụ ở thành mạch để đào thải ra bên ngoài qua đường tiêu hóa, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn dòng lưu thông máu.

Bên cạnh đó, trong đậu đỏ còn có hai khoáng chất quan trọng là kali và magie, hỗ trợ điều hòa huyết áp ổn định cũng như giúp mạch máu giãn nở tốt.

8-tac-dung-cua-dau-do-biet-roi-ban-se-nang-niu-hat-dau-nho-nay-voh-1

Đậu đỏ là một thực phẩm lành mạnh, rất tốt cho sức khỏe tim mạch (Nguồn: Internet)

2.5 Phòng chống ung thư

Theo phân tích dinh dưỡng, hạt đậu đỏ có chứa ít nhất 29 hợp chất chống oxy hóa khác nhau, điển hình phải kể đến isoflavone và anthocyanin. Đây đều là những hoạt chất có đặc tính kháng viêm cực kì mạnh nên khi vào cơ thể sẽ trực tiếp tham gia bảo vệ tế bào không bị gốc tự do tấn công, nhằm hạn chế nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.6 Hỗ trợ giảm cân

Một trong những tác dụng của đậu đỏ không thể quên nhắc tới đó chính là hỗ trợ giảm cân hữu hiệu. Các món ăn từ đậu đỏ rất thích hợp với chế độ ăn kiêng, giảm cân bởi khi hấp thụ lượng chất xơ hòa tan từ loại đậu này, bạn sẽ cảm thấy no lâu, ít thấy thèm ăn, giúp bạn dễ dàng cắt giảm được lượng thực phẩm khác.

2.7 Ngăn ngừa thiếu máu

Bổ sung đậu đỏ với liều lượng hợp lý vào chế độ dinh dưỡng là cách giúp bạn chủ động hấp thu thêm lượng vi chất sắt và molypden cần thiết để ngăn ngừa chứng thiếu máu xảy ra. Theo đó, hai nhóm chất này đều là thành tố không thể “vắng mặt” trong quá trình sản sinh tế bào hồng cầu và đảm bảo thông suốt hoạt động vận chuyển oxy đi nuôi tế bào.

2.8 Tốt cho phụ nữ mang thai

Đậu đỏ được xếp vào nhóm thực phẩm khá lành mạnh dành cho giai đoạn thai kì, cung cấp thêm lượng vitamin B9, vitamin K giúp tăng cường sức khỏe của mẹ cũng như thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thai nhi.

Ngoài ra, ở thời gian đầu sau sinh, để kích thích tiết sữa, mẹ cũng được khuyến khích uống thêm sữa đậu đỏ hay dùng bột đậu đỏ để dưỡng da

Xem thêm: Cách làm sữa đậu đỏ bổ dưỡng, thơm ngon khó cưỡng

3. Hướng dẫn cách nấu đậu đỏ thơm ngon

Nếu mới chỉ biết tới nước đậu đỏ rang, chè đậu đỏ hay sữa đậu đỏ thì có chăng bạn đã “bỏ lỡ” khá nhiều món ngon độc đáo từ hạt đậu đỏ rồi. Thực tế từ những hạt đậu đỏ rực rỡ, nếu biết một vài công thức biến tấu, bạn sẽ cho “ra đời” được hàng loạt món ăn thơm ngon như:

  • Súp đậu đỏ rau củ
  • Thịt bò hầm đậu đỏ
  • Trà xanh matcha đậu đỏ
  • Bánh bao nhân đậu đỏ
  • Bánh mochi đậu đỏ  
8-tac-dung-cua-dau-do-biet-roi-ban-se-nang-niu-hat-dau-nho-nay-voh-2
Đậu đỏ được tận dụng làm nguyên liệu của khá nhiều món ăn thơm ngon (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, với các mẹ “bỉm sữa” đang tìm kiếm bí quyết nấu cháo ngọt thơm, bổ dưỡng cho bé ăn dặm thì cháo đậu đỏ là gợi ý rất đáng thử đấy.

Xem thêm: Bạn sẽ tiếc hùi hụi nếu không biết 9 cách nấu đậu đỏ ngon lạ này

4. Một số lưu ý an toàn cần biết dùng đậu đỏ

Đậu đỏ giàu dinh dưỡng, đồng thời có nhiều công dụng cải thiện sức khỏe hữu hiệu song để đảm bảo an toàn và phòng tránh tối đa những rủi ro tiềm ẩn, tốt nhất trong quá trình sử dụng, bạn nên chú ý một số khuyến cáo sau:

4.1 Không dùng quá nhiều

Bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào cũng chỉ phát huy tốt tác dụng khi bạn biết sử dụng đủ liều lượng, với đậu đỏ cũng vậy. Lời khuyên là mỗi bừa bạn chỉ nên dùng từ 200 – 300g đậu đỏ, một tuần dùng khoảng 2 – 3 lần, tuyệt đối đừng lạm dụng và ăn liên tục nhiều ngày dễ bị đầy bụng khó tiêu. 

Xem thêm: 4 ‘thủ phạm’ gây chướng bụng đầy hơi và biện pháp giúp cải thiện tình trạng hiệu quả

4.2 Hạn chế dùng khi đang sử dụng thuốc đặc trị

Trong trường hợp đang điều trị có sử dụng thuốc Tây y, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi bồi bổ bằng các món ăn từ đậu đỏ, hạn chế tình trạng kháng thuốc, giã thuốc.

4.3 Cẩn trọng khi có tiền sử dị ứng

Tỉ lệ dị ứng đậu đỏ thường khá thấp và hiếm xảy ra, song nếu từng có tiền sử dị ứng đậu phộng hay đậu nành thì bạn cũng nên cẩn trọng, chú ý theo dõi những dấu hiệu bất thường để dừng ăn kịp thời.

Xem thêm: 6 triệu chứng điển hình khi bị dị ứng đậu phộng và cách phòng ngừa

4.4 Không nên dùng nếu thể trạng hư hàn

Đậu đỏ không phải là thực phẩm phù hợp với người có thể trạng hư hàn, thường bị lạnh bụng, tiêu chảy kéo dài, bởi loại hạt này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.

5. Thành phần dinh dưỡng của đậu đỏ

Hàm lượng chất dinh dưỡng trong khoảng 200g đậu đỏ được phân tích như sau:

  • Calo: 294
  • Carbohydrate: 57g
  • Protein: 17.3g
  • Chất béo: 0.2g
  • Chất xơ: 16.8g
  • Mangan: 1.3mg (66% giá trị hàng ngày)
  • Phốt pho: 386mg (39% giá trị hàng ngày)
  • Kali: 1.224mg (35% giá trị hàng ngày)
  • Đồng: 0.2mg (34% giá trị hàng ngày)
  • Magiê: 120mg (30% giá trị hàng ngày)
  • Kẽm: 41mg (27% giá trị hàng ngày)
  • Sắt: .6mg (26% giá trị hàng ngày)
  • Thiamin: 3mg (18% giá trị hàng ngày)
  • Vitamin B6: 0.2mg (11% giá trị hàng ngày)
  • Riboflavin: 0.1mg (9% giá trị hàng ngày)
  • Niacin: 1.6mg (8% giá trị hàng ngày)
  • Canxi: 64.4mg (6% giá trị hàng ngày)

Hiểu thêm về hàm lượng dinh dưỡng cũng như những lợi ích tuyệt vời của đậu đỏ với sức khỏe càng khiến bạn yêu thích loại đậu này hơn đúng không nào. Hãy chọn mua đậu đỏ có nguồn gốc rõ ràng và sử dụng thật khoa học bạn nhé!